Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ: Sau đấy, chúng ta chỉ còn lại giận dữ và căm ghét!

Chúng ta chỉ trích từ cô Hoa hậu Philippines xấu đến BTC dở hơi; chúng ta lao vào fanpage Miss Universe để trút giận bằng đủ lời cay đắng, nặng nề.

Chúng ta chỉ trích từ cô Hoa hậu Philippines xấu đến BTC dở hơi; chúng ta lao vào fanpage Miss Universe để trút giận bằng đủ lời cay đắng, nặng nề. Đó là tất cả những gì chúng ta làm được, sau khi Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ.

Những ngày gần đây, dĩ nhiên là câu chuyện Hoa hậu trở thành đề tài bàn tán rôm rả nhất trên mạng xã hội. Việc Phạm Hương - một đại diện mà ai nấy trong chúng ta đều công nhận rằng, cô ấy sáng giá nhất trong số các hoa hậu Việt Nam từ trước tới nay "đem chuông đi đánh xứ người" - không lọt vào top 15 là một sự sai sót lớn của Hoa hậu hoàn vũ năm nay. Bởi, theo như chúng ta nhìn thấy, nào là Miss Japan hay Philippines, làm gì có chuyện xinh đẹp và toả sáng hơn Phạm Hương. 

Chính vì thế mà ngay sau khi cuộc thi công bố kết quả, đã có hàng nghìn người Việt Nam đổ bộ vào fanpage của Miss Universe chỉ để lên án, chê bai, dè bỉu cuộc thi mà phút trước mình vừa tung hô kịch liệt. Thậm chí, có thể dễ dàng tìm thấy cả những lời miệt thị cay độc về tân hoa hậu người Philippines Pia Wurtzbach. Cơn giận dữ bùng phát, lây lan cấp quốc gia.

Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ: Sau đấy, chúng ta chỉ còn lại giận dữ và căm ghét! - Ảnh 1.

Nhưng chuyện Phạm Hương không phải là chuyện duy nhất, và càng chẳng phải là lần đầu tiên cư dân mạng Việt Nam “lên cơn” giận dữ trước những gì đi lệch khỏi quỹ đạo suy nghĩ và tiên đoán của họ. Hoa hậu không lọt top, rõ là vì ban giám khảo có vấn đề, cuộc thi tổ chức như dở hơi, con kia xấu thế mà được giải. Đá bóng thua thì chửi bằng được trọng tài ăn gian, ban tổ chức sắp xếp. Ngôi sao Hàn Quốc đến, fan Việt xếp hàng đi xem sẽ bị chửi là rỗi việc, rảnh quá mức. Từ những vui thú rất đơn thuần, cư dân mạng có thể thổi bùng lên thành một vấn đề thật nghiêm trọng để hùa vào lên án, chê bai, dìm hàng.

Chúng ta nói rất nhiều về sự công bằng. Hừm, làm sao mà công bằng sao được khi mà Phạm Hương không lọt top 15. Chúng ta giận dữ vì bị coi là kẻ yếu thế, vì HH Việt Nam bị bắt nạt… Nhưng mặt khác thì chúng ta lại trút giận bằng cách chửi bới, đay nghiến hết cô Hoa hậu Philippines tới Ban tổ chức, trong khi làm gì có ai chỉ ra được sự liên hệ nào giữa việc Hoa hậu Philippines giành vương miện với việc Phạm Hương không lọt top 15. Chỉ trích, miệt thị Pia, thì liệu có công bằng với chính cô ấy? Khi mà Pia cũng đang phải rơi nước mắt rất nhiều vì vô vàn những áp lực cô ấy đang phải chịu do sự cố "trao nhầm vương miện". 

Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ: Sau đấy, chúng ta chỉ còn lại giận dữ và căm ghét! - Ảnh 2.

Hình như, chúng ta giận dữ vì thật khó để chấp nhận rằng hoa hậu của mình có thể đã không xuất sắc bằng 15 cô gái lọt vào top. Nhưng đơn giản và dễ lí giải hơn nữa thì là vì từ trước đến giờ, khi ứng xử với bất cứ sự kiện nào, chúng ta cũng đã dễ dãi nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực rồi: nghi kị, mỉa mai và cả ghét bỏ, phủ nhận.

Với rất nhiều người trong chúng ta, phủ nhận luôn dễ dàng hơn là công nhận. Ghét dễ hơn là yêu. Chúng dường như trở thành thứ cảm xúc mang tính chung, mang tính đại diện cho cộng đồng mạng Việt Nam; được nuôi dưỡng "bền bỉ" và dễ dàng khởi phát sau mỗi một cuộc thi, mỗi một sự kiện xảy ra trong đời sống. Để kết cục thì cuộc thi không còn vui, sự kiện tốt đẹp cũng không còn trọn vẹn nữa...

Nhưng trong lúc giận dữ và phẫn nộ, chúng ta không thể nhìn thấy bàn tay cô Hoa hậu Hoàn vũ 2014 vỗ nhẹ vào lưng để động viên cả 2 người đẹp đang bối rối, chúng ta không nhìn thấy một khoảnh khắc rất đáng yêu khi Miss Bulgaria đứng phía sau đang ra sức cổ vũ, khích lệ cho người đẹp Pia Wurtzbach, theo cái cách "Mình thấy cậu xứng đáng với vương miện đó chứ!"

Mà chẳng nói đâu xa, chính Phạm Hương chứ đâu, trong hành trình chung kết tại Miss Universe đã chẳng từng chịu chỉ trích của chính cộng đồng mạng Việt Nam vì "chơi không đẹp", vì "bước nhanh để giành chỗ đẹp" trong màn đón đương kim HHHV 2014...

Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ: Sau đấy, chúng ta chỉ còn lại giận dữ và căm ghét! - Ảnh 3.

 Giây phút bối rối của cả 2 người đẹp trước sự cố thông báo nhầm tên Hoa hậu hoàn vũ.

Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ: Sau đấy, chúng ta chỉ còn lại giận dữ và căm ghét! - Ảnh 4.

 Miss Bulgaria đang cố gắng thể hiện sự khích lệ đối với Miss Philippines Pia Wurtzbach. 

Chuyện này cũng làm tôi liên tưởng tới một sự kiện gần chúng ta hơn, khi trong lúc đang sẵn định kiến và nghi kị, chúng ta chỉ "đoán" được là những đồng chí CSGT Đà Nẵng chỉ đang làm màu, đang khoa trương, mà không nhìn thấy cậu bé ung thư vui mừng hạnh phúc ra sao khi được 1 ngày thực hiện ước mơ - trở thành chú cảnh sát giao thông thực sự. 

Hay với câu chuyện quyển sách bị dán ngược bìa, chúng ta mất nhiều giấy mực câu chữ để đổ lỗi cho người lớn quan liêu, thành tích, hơn là dành thời gian quan tâm đến những lớp học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao, khi cả lớp học hơn chục em phải dùng chung một quyển sách chẳng được lành lặn...

Những cơn sóng cảm xúc tiêu cực đó, chắc nhiều người đều nhận ra, chúng không hề mới lạ...

Tôi tin rằng, chế ngự cơn giận dữ là một câu chuyện lớn hơn những gì ta đang thấy rất nhiều, đó là một bức tranh toàn cảnh mà ta cần nhìn vào cách mình lớn lên, một vấn đề vĩ mô cần có sự nhận thức của cả một xã hội. Nhưng thay đổi mỗi người lại là một chuyện dễ hơn, học cách nhìn nhận lại vấn đề, vị tha và bao dung với cuộc sống, với con người. Nhận ra một chiếc vương miện hay một chiến thắng không khiến chúng ta ở trên bất cứ ai, những gì hình thức sẽ chỉ tồn tại qua một, hai cái tít báo. 

Và tôi nhớ đến một bộ phim rất hay từng được xem hồi những năm cấp 2, chắc nhiều người cũng xem rồi: Mean Girls. Trong phim, đoạn cuối cùng, khi Cady Heron nhận được vương miện Nữ hoàng. Cầm vương miện trên tay, cô gái bối rối và nói: “Các bạn biết đấy, tôi chưa bao giờ nhận được cái này bao giờ. Và khi tôi nghĩ về việc có bao nhiêu người muốn có nó, bao nhiêu người khóc vì nó… Ý tôi là, tôi nghĩ tất cả mọi người đều rất đẹp tối nay. Nhìn Jessica Lopez kìa, chiếc váy ấy thật đẹp. Và Emma Gerber nữa, trời ơi, kiểu tóc đấy chắc chắn đã mất rất nhiều thời gian để làm, nhìn bạn trông thật tuyệt. Thế nên… tại sao mọi người cứ căng thẳng như vậy vì cái này? Nó chỉ là một… mảnh nhựa, và ta hoàn toàn có thể… chia nó”. Sau đó, bằng một động tác dứt khoát, Cady bẻ chiếc vương miện ra thành nhiều mảnh và ném tặng cho những cô gái trong khán phòng.

Phạm Hương trượt Hoa hậu Hoàn vũ: Sau đấy, chúng ta chỉ còn lại giận dữ và căm ghét! - Ảnh 5.

Dĩ nhiên là câu chuyện trong Mean Girls chỉ có đôi chút tương đồng với Hoa hậu hoàn vũ, nhưng nó khiến tôi nhận ra rằng, có nhiều giá trị cần được nhớ đến hơn là ai đạt được chiếc vương miện. Đó là sự vị tha, sự cầu tiến, cũng là cách chúng ta nhìn nhận sự khác biệt và tôn trọng vẻ đẹp của mỗi người. Đó là việc chúng ta mở rộng trái tim mình, học hỏi mỗi ngày, để tình yêu và sự hiền lành xoa dịu đi cơn giận dữ và sự căm ghét.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.