Phan Anh: "Tôi đâu sợ đóng vai đồng tính"

"Tôi đâu có sợ vai đồng tính hay dị tính. Bản thân tôi đã nhận một phim liên quan đến chủ đề này, chỉ tiếc là người ta trì hoãn kế hoạch sản xuất nên tôi chưa có cơ hội để thử sức. Nói như vậy có nghĩa là tôi hoàn toàn phân biệt được ranh giới phim và đời..." Phan Anh chia sẻ về vai diễn mà anh muốn thử thách trong lĩnh vực phim ảnh.

"Tôi đâu có sợ vai đồng tính hay dị tính. Bản thân tôi đã nhận một phim liên quan đến chủ đề này, chỉ tiếc là người ta trì hoãn kế hoạch sản xuất nên tôi chưa có cơ hội để thử sức. Nói như vậy có nghĩa là tôi hoàn toàn phân biệt được ranh giới phim và đời..." Phan Anh chia sẻ về vai diễn mà anh muốn thử thách trong lĩnh vực phim ảnh.

 

- Anh còn nhớ cảm giác lần đầu tiên nhận lời đóng phim và diễn xuất trên phim trường?

- Lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì đạo diễn Trọng Trinh lại có số của vợ mình. Thời điểm đó, ba tôi mới mất nên tôi tắt máy không liên lạc với ai trong một thời gian dài. Nghe giọng anh Trinh, chia sẻ câu chuyện phải rất khó khăn mới tìm được tôi nên tôi cũng nghĩ mình gặp anh một buổi coi như là sự lễ phép xã giao. Chứ lúc đó tôi đã từ chối mấy lời mời đóng phim rồi. Song đôi khi, cuộc sống có những thứ gọi là duyên... và tôi nhận lời thực hiện "Cầu vồng tình yêu".

Vậy nhưng, "Cầu vồng tình yêu" lại không phải là những thước phim đầu tiên tôi đóng. Do một vài diễn viên không thu xếp được lịch nên đoàn có một số xáo trộn phải trì hoãn lịch quay. Lúc đó, Khải Anh làm phim "Có lẽ bởi vì yêu", và có vai cho tôi. Đọc kịch bản thấy đó là nhân vật phụ, tính cách nhẹ nhàng, vừa sức, lại muốn mình có thêm cơ hội rèn luyện nên tôi nhận lời. Rất tiếc về sau này, "Có lẽ bởi vì yêu" chỉ chiếu hạn chế nên ít người biết, song tôi thấy phản hồi trên youtube cũng rất tốt.

- Trải qua những bộ phim đã đóng, anh ấn tượng với vai diễn nào của mình?

- Vai dài hơi nhất của tôi chính là Thế Hiển, trong "Cầu vồng tình yêu" nên khiến mình phải nhớ lâu nhất. Nói chung là vì tay ngang nên khi diễn vai này, tôi hơi bị tự nhiên chủ nghĩa và có đôi lúc hơi bị cường điệu. Thành ra những tập đầu khán giả không phải ai cũng chấp nhận. Về sau này, tôi nghiệm ra rằng, cách tốt nhất để sửa chính mình là hãy tranh thủ xem lại những gì mình diễn, khi nào mình hài lòng thì mới có thể mong sự hài lòng của đa số khán giả. Lúc đó, tôi chỉ hồn nhiên cho rằng, đạo diễn gật đầu là ổn rồi. Song, không nên ngây thơ quá như thế phải không nào (cười).

- Đóng phim rồi anh thấy phim ảnh dễ hay MC dễ hơn?

- Phim thì phải diễn người khác, còn MC thì diễn chính mình. Nghe qua thì xem chừng việc MC dễ hơn phải không? Nhưng hóa ra lại không phải vậy. Vì diễn người khác bạn có nhiều cách để mô tả lắm nhưng với chính mình thì con người mình chỉ có một mà thôi. Ngoài ra, phim ảnh có thể cho bạn làm nhiều đúp nhưng một khi đã ở trên sân khấu trực tiếp bạn không bao giờ có thể làm lại cả.

 

- Khi quyết định đóng phim anh nghĩ rằng đây là một cuộc dạo chơi hay là một bước rẽ trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình?

- Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là một việc giúp mình thoát khỏi trạng thái mất cân bằng. Nhưng về sau này, nhận được nhiều lời khen của đạo diễn, của đồng nghiệp, tôi mới tử tế nhiều hơn cho vai diễn Thế Hiển, đầu tư cho nó nhiều hơn. Tôi nghĩ đến việc đóng phim nghiêm túc.

Cho đến khi được tin tưởng, giao vai Bình trong "Lời nguyền huyết ngải", tôi ý thức rõ được mình đang làm gì. Nhưng dù đó là tác phẩm điện ảnh thì tinh thần chung, tôi thấy hầu hết anh chị em trong đoàn đều coi đây là một cuộc chơi cho niềm đam mê nghệ thuật, chỉ có điều chúng tôi đều xác định đã chơi phải chơi đẹp, chơi đến cùng.

- Có phải anh vẫn coi đó là cuộc chơi vì nền điện ảnh của chúng ta vẫn còn chưa chuyên nghiệp, điện ảnh vẫn chưa nuôi sống được nghệ sỹ?

- Tôi không dám phát biểu rằng điện ảnh nước nhà chưa chuyên nghiệp mà chỉ thấy sao chúng ta còn nhiều khó khăn quá, làm phim còn cực quá. Cực ở đây là cực cho rất nhiều bộ phận chứ không phải chỉ diễn viên chúng tôi. Đi làm phim tôi mới thấu hiểu hết được những vất vả của các thế hệ đi trước, vì vậy càng khâm phục họ. Bây giờ đi xem phim Việt Nam, bên cạnh thấy khán giả so sánh này kia, tôi chỉ ước giá như họ hiểu được phần nào tình trạng làm phim ở ta. Nhưng tôi tin là chúng ta sẽ cải thiện được điều đó, chỉ trong vòng 5, 10 năm tới, chúng ta sẽ có những tác phẩm hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

- Các diễn viên đóng phim vẫn thường than rằng catse không cao, vậy tham gia phim rồi anh thấy có phải như vậy không?

- Đúng là chưa cao như các nước khác thật. Bao giờ diễn viên làm một phim điện ảnh có thu nhập có thể sống vài năm chắc mọi người sẽ không còn ai than nữa. Còn với phim truyền hình, ở thời điểm thịnh hành, tôi thấy thu nhập cũng rất tốt. Có những nghệ sỹ tiền chạy sô đóng phim một tháng lên cả trăm triệu, không hề nhỏ. Nhưng thu nhập này lại không ổn định, bấp bênh và không bền. Nghệ sỹ xuất hiện nhiều quá, khán giả cũng thấy nhàm chán.

- Những kịch bản bộ phim như thế nào thì sẽ thuyết phục được anh nhận lời?

- Tôi thích vai diễn có chiều sâu, có sức thuyết phục, phải diễn nội tâm... trong tổng thể một phim có kịch bản phải đọng lại nhiều điều cho khán giả. Tuy nhiên, kịch bản là một chuyện, quan trọng hơn là tôi được làm việc với ai, nếu đó là những người giỏi, tử tế, chắc chắn tôi không thể bỏ qua cơ hội.

- Đã từng diễn xuất cả ở thể loại phim truyền hình và phim nhựa, anh thấy hay và dở của hai thể loại này là gì?

- Tôi thấy cái nào làm nghiêm túc thì đều hay cả. Dở chẳng qua là do chúng ta chạy theo lợi nhuận, chạy theo sức ép của nhà sản xuất, chạy theo thị hiếu nhất thời thôi. Mà rõ ràng, phim truyền hình thì dễ bị chạy theo mấy thứ đó hơn.

- Khán giả Việt Nam vẫn hay có thói quen chê bai những phim trong nước và so sánh với phim nước ngoài. Đặt vị trí mình vào là một khán giả, anh nghĩ sao về những nhận xét đó?

- Bản thân tôi cũng so sánh chứ. So sánh có thể khập khiễng nhưng cũng là một cách gây sức ép để nền điện ảnh tiến bộ. Mà nói thật, khán giả có quyền như vậy. Họ không cần phải biết là khó khăn của anh ra sao. Họ trả tiền tương đương với tấm vé cho những bộ phim khác, họ có quyền chê bai, bình phẩm. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên để tồn tại những suy nghĩ ác cảm đó quá lâu mà cũng cần phải nhìn vào những mặt tích cực. Như thế bản thân mình khi đi xem phim sẽ có được tâm thế thoải mái, dễ chịu hơn.

 

- Anh thấy phim ảnh Việt Nam còn thiếu gì để có những bộ phim mang tính đột phá hơn?

- Thiếu kinh phí! Thiếu rạp chiếu! Thiếu những chiến lược đầu tư phát triển đúng đắn của nhà nước... Chứ tôi nhận thấy đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên của chúng ta cũng có rất nhiều người tài năng.

- Sau những bộ phim đã tham gia, đến nay anh có đi casting hay nhận được lời mời vai diễn nào không?

- Một vài vai phụ trong những bộ phim ăn khách gần đây nhưng rất tiếc tôi không thu xếp được thời gian. Tôi cũng nhận được lời mời tha thiết vào vai chính trong một kịch bản rất hay, dự kiến sẽ khởi quay tháng 12 này. Song đó là một hình tượng không phù hợp trong thời điểm này nên tôi đã từ chối.

- Một vai đồng tính chăng? Người diễn viên cần phải phân biệt được đâu là thật, đâu là đời chứ?

- Tôi đâu có sợ vai đồng tính hay dị tính. Bản thân tôi đã nhận một phim liên quan đến chủ đề này, chỉ tiếc là người ta trì hoãn kế hoạch sản xuất nên tôi chưa có cơ hội để thử sức. Nói như vậy có nghĩa là tôi hoàn toàn phân biệt được ranh giới phim và đời. Song bạn bè tôi thì bảo, không phải ai cũng nghĩ được như vậy đâu, để quảng bá cho phim người ta sẽ cố tính thật thật giả giả, làm rối dư luận. Thời gian tới tôi có một số hợp đồng quan trọng cần phải thương thảo thế nên tôi phải cân nhắc. Hơn nữa, tôi coi mình là kẻ ngoại đạo nên chỉ dám mạo hiểm với những đạo diễn ưu tiên tính nghệ thuật. Chứ thương mại quá, tôi thấy không hợp lắm với mình.

Theo Vnews



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.