Chồng đề nghị ly hôn vì tôi được bầu làm Hội trưởng Hội người cao tuổi

Cái cảm giác hẫng hụt khi mới về hưu khiến tôi choáng váng. Các cụ trong xóm có đề nghị tôi vào Ban chấp hành. Oái oăm thay, cái đề nghị đầy thiện chí ấy lại trở thành nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng già chúng tôi.

Cái cảm giác hẫng hụt khi mới về hưu khiến tôi choáng váng. Các cụ trong xóm có đề nghị tôi vào Ban chấp hành. Oái oăm thay, cái đề nghị đầy thiện chí ấy lại trở thành nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng già chúng tôi.

Tôi là giáo viên xin về hưu sớm được hơn bốn năm vì chồng tôi muốn vợ nghỉ sớm để ở nhà lo cơm nước cho gia đình, chăm sóc con cháu, phần vì chồng tôi cũng hay ốm đau. Thấy điều đó có lý nên tôi chấp nhận. Không được đứng trên bục giảng, không được làm công việc quen thuộc hàng ngày khiến tôi bị chút khoảng hoảng về tâm lý. May mắn là hiện giờ sức khỏe của ông nhà tôi đã dần ổn định. Hằng ngày, chồng tôi chăm nom mấy lồng chim, vài chậu cây cảnh nên cũng khá bận rộn, các cháu nội ngoại cũng đã lớn nên tôi có khá nhiều thời gian rỗi.

ảnh minh hoạ

Càng rảnh rỗi, tôi càng cảm thấy mệt mỏi và buồn vì không còn được làm việc, được tiếp xúc với nhiều người. Có lẽ vì vậy mà cho đến giờ, tôi vẫn không thể quen được với cuộc sống mới và trong sâu thẳm vẫn mong muốn được đóng góp gì đó cho xã hội.

Thấy vậy, các cụ trong thôn đã thống nhất bầu tôi làm Hội trưởng Hội người cao tuổi, tôi rất vui vì được mọi người tin tưởng, tín nhiệm. Hơn nữa, tôi nghĩ, việc tham gia công tác này sẽ giúp tôi bớt được sự hụt hẫng vì phải xa trường, xa lớp sau 35 năm đứng trên bục giảng.

Nhưng điều tôi không ngờ nhất chính là sự phản đối quyết liệt của chồng. Ông ấy cho rằng, tôi chưa già đã lẩn thẩn, thích làm công việc “vác tù và hàng tổng”. Ông không cho tôi nhận công việc đó và bảo rằng: lo cơm ngon canh ngọt cho chồng, cho con để nó về có miếng cơm nóng mà ăn thì hơn nhiều đi lo những chuyện bao đồng. Ông cho rằng, tôi đã cống hiến đến 30 năm cho xã hội rồi, giờ là thời gian dành cho gia đình, con cháu.

Tôi có nói thế nào ông ấy cũng không đồng ý. Ông bảo với tôi: “Nhàn hạ không muốn lại cứ muốn đâm đầu vào những chuyện không đâu. Chuyện của mình còn chả lo hết lúc nào cũng muốn lo cho thiên hạ. Già thì phải biết phận già, biết chăm chút cho chồng, cho con cháu nó có cuộc sống tốt. Đàn ông họ rảnh rang làm thì đã đành, phụ nữ thì làm được cái gì mà cũng đòi làm việc này việc nọ. Sáng cắp cặp đi, trưa cắp về hơn 30 năm vẫn chưa chán à. Mà cái việc đi chải chiếu cho cả làng ngồi ấy, báu gì mà cứ lao đầu vào đấy không biết?”

Tôi kiên quyết nhận công việc của Hội người cao tuổi. Bởi tôi nghĩ rằng đó không chỉ là một công việc mà còn là nguồn vui của tuổi già. Đó cũng là cách để tôi lấy lại cân bằng về tâm lý sau khi nghỉ hưu. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ sao nhãng hay bỏ bê chuyện chăm sóc cho chồng, cho con cháu nội ngoại. Chính vì vậy, những lý do chồng tôi đưa ra không đủ sức để thuyết phục tôi không tham gia vào công tác xã hội nữa.

Nhưng điều làm tôi bất ngờ là khi chính thức nhận nhiệm vụ này, ông không nói gì mà lại đưa tôi một tờ đơn ly hôn đã có sẵn chữ ký. Ông bắt tôi lựa chọn: Nếu tiếp tục làm Hội trưởng Hội người cao tuổi thì hãy ký đơn còn nếu không muốn ký thì phải nghỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng. Nghe ông nói, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi đã chấp nhận nghe lời chồng một lần rồi, liệu lần này tôi có nên làm thế nữa không? Làm thế nào để thay đổi những suy nghĩ cổ hủ ấy của chồng tôi?

Minh Tiệp

Chị thân mến!

Người phụ nữ bước vào tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn mong được cống hiến và khát vọng làm việc, đó là người có tình yêu với cuộc sống và khát vọng cống hiến mãnh liệt. Chị cũng là một trong số những người như vậy. Về hưu không có nghĩa là sẽ dành hết thời gian cho gia đình mà họ còn có thể cống hiến theo sở thích và khả năng của mình.

Những hoạt động tại địa phương mà chị đang tham gia rất có ý nghĩa, vừa giúp chị có thêm niềm vui, đồng thời giúp đỡ những người cao tuổi trong xóm có những hoạt động tập thể vui vẻ lành mạnh. Nhiều người quan niệm rằng phụ nữ phải chăm lo cho gia đình, những công việc ngoài xã hội là của nam giới. Điều này đã làm cho nhiều chị em có thời gian và khả năng đã phải hạn chế những công việc xã hội của mình, chấp nhận ở nhà để vun vén gia đình mà quên đi những công việc yêu thích của bản thân. Thật đáng buồn khi công việc xã hội của chị đang được nhiều người công nhận và ủng hộ trong khi chính người bạn đời thân thiết nhất lại phủ nhận và ngăn cản .

Chồng chị nói không muốn vợ tham gia hoạt động xã hội bởi lo vợ vất vả, mệt nhọc nhưng đó chỉ là ngụy biện. Với sức khỏe hiện nay, anh ấy hoàn toàn có thể chia sẻ công việc gia đình để vợ tham gia các hoạt động xã hội. Lẽ ra, nếu là người có trách nhiệm thì anh ấy còn phải khuyến khích vợ tham gia công việc này bởi những năm tháng qua chị đã vất vả quá nhiều cho gia đình. Với thành ý đó, chỉ cần chị cân đối được thời gian, sắp xếp hợp lý công việc chung và riêng thì không ai có quyền ngăn cản. Hơn nữa, chị cũng đã từng hi sinh công việc yêu thích của mình để nghỉ hưu sớm ở nhà chăm lo cho gia đình, nên chồng chị cũng cần phải hiểu được tấm lòng của vợ.

Trước mắt, để thuyết phục chồng chị cần giúp anh ấy hiểu rằng chị vẫn sắp xếp được công việc gia đình và công việc riêng của chị. Ngoài ra, chị có thể vận động thêm sự hỗ trợ từ phía con cái hoặc những người đã và đang ủng hộ chị, thậm chí tìm cách vận động chồng chị cùng tham gia để anh ấy hiểu hết được ý nghĩa và niềm vui mà chị đang có, nếu anh ấy vẫn nhất quyết không tham gia thì cũng hiểu và tôn trọng những việc mà chị đang làm với mọi người.

Chúc chị tìm được niềm vui trong cuộc sống

Võ Thanh Giang- CSAGA

Thăm dò ý kiến

Phụ nữ đến tuổi nghỉ hưu thì có nên tham gia các công việc xã hội nữa hay không?




Bình luận