Ly hôn rồi vẫn khốn khổ với chồng cũ

Khi cuộc sống có quá nhiều mâu thuẫn, những điểm tốt của nhau không đủ để che lấp đi những tính xấu, có lẽ ly hôn là điều khó tránh khỏi.

Khi hai con người vốn từng rất yêu nhau, thề non hẹn biển rồi cũng có ngày không còn chung một con đường... Khi mà cuộc sống có quá nhiều mâu thuẫn, những điểm tốt của nhau không đủ để che lấp đi những tính xấu, có lẽ ly hôn là điều khó tránh khỏi.

Nhưng chắc chắn một điều rằng, ly hôn là điều không một cặp đôi nào mong muốn. Đó là một bước đường cùng khi không còn cách giải quyết nào khác.

Câu chuyện của tôi có lẽ cũng không còn mới mẻ, nhưng nỗi đau đó không biết bao giờ mới thật sự chấm dứt. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, người đã từng "đầu ấp tay gối", từng trao bao lời yêu thương khi không còn sánh bước bên nhau lại có thể gây những tổn thương nặng nề cho tôi đến thế.

Vợ chồng tôi đã ly hôn được hai năm, nhưng trong hai năm đó, tôi phải sống cảnh xa con, và luôn bị chồng cũ gây khó dễ nếu muốn gặp con.

Ảnh minh họa

Có với nhau hai mặt con, một đứa lên 6, một đứa mới được 3 tuổi, mỗi người nuôi một đứa. Đó là một tình thế không khỏi xót xa khi hai đứa trẻ, mới nhỏ như vậy đã phải sống xa bố/mẹ, chị/em. Liệu cứ như thế này, khi lớn lên, hai đứa trẻ này có tình cảm với nhau, có hy sinh và biết bảo vệ nhau như những cặp chị em cùng lớn lên bên nhau không?

Vì các con, tôi rất muốn có một mối quan hệ tốt với chồng cũ. Tôi muốn các con dù sống xa nhau nhưng hàng tuần vẫn được gặp nhau, được vui chơi với nhau. Tôi muốn hai đứa nhỏ vẫn cảm nhận được tình cảm của cả bố lẫn mẹ. Nhưng anh ta lại không hề có chung quan điểm với tôi. Dù đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện để nói chuyện về vấn đề này nhưng anh ta đều lảng tránh và trả lời rất vô lý: "Tòa chia như nào thì cứ thế mà giải quyết"... thậm chí "cô nên quên con bé đi, cũng đừng mang con lớn đến đây, tập cho chúng nó sống xa nhau đi"...

Vâng, phận làm mẹ, có ai không đau lòng khi mỗi lần đến thăm con, hay muốn đưa con đi chơi đều bị ngăn cấm... thậm chí là đe dọa, chửi bới. Các bạn sẽ khuyên tôi nên đón cả đứa nhỏ về ở cùng? Tôi đã làm rồi, nhưng chỉ được vài ngày, anh ta lại lên đòi con bé về, rồi ầm ĩ hết xung quanh hàng xóm. Tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn, lo tích lũy cho hai đứa nhỏ.

Hiện giờ, đã gần nửa năm tôi không được gặp đứa bé. Nhiều đêm nằm ngắm ảnh con, nước mắt tôi lại tuôn trào. Tim tôi như thắt lại khi nghĩ đến sự bất lực của bản thân khi phải xa cách đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Dù ngăn cấm không cho tôi gặp con, tôi cũng gắng chịu nhưng nếu có cách nào để hai chị em chúng được ở gần nhau, được vui chơi cùng nhau thì tôi cũng đủ mãn nguyện.

Mỗi lần tôi muốn cho đứa lớn gần bố, gần em, tôi đưa con đến nhà anh thì anh bảo tôi mang nó về hoặc bắt con gái điện thoại cho tôi qua đón về ngay lập tức. Chồng cũ tôi từng là một người rất yêu thương các con nhưng không hiểu sao giờ anh ta lại có thể trở thành người nhẫn tâm như vậy.

Không chỉ dừng lại ở việc chia cắt tình mẹ - con, chồng cũ tôi còn luôn hậm hực nếu cuộc sống của tôi được thuận lợi, và sẽ xúi bẩy, thêu dệt trái sự thật với con trẻ nếu có ai đó theo đuổi tôi.

Tôi biết, đẩy con cái đến tình cảnh này thì người mang tội lớn là những người làm cha, làm mẹ. Nhưng cuộc sống là những điều không thể lường trước. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ tại sao con người lại có thể "cạn tàu ráo máng" với nhau như vậy. Tại sao lại bỗng chốc còn xa cách hơn người lạ, thậm chí còn như kẻ thù thế kia? Tôi phải làm gì để tốt nhất cho hai đứa trẻ? Không lẽ tôi đành phó mặc tất cả cho thời gian? Tôi không muốn các con tôi trở thành "công cụ" để bố mẹ chúng lôi ra làm khó nhau cho... hả dạ.

Độc giả G.L/VietNamNet



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.