Vợ ham hố và cần những thứ hơn cả chiếc nhẫn cùng sợi dây chuyền vàng khiến gia đình tôi tan nát sau 2 tháng cãi vã

Nhâm đùng đùng đứng dậy, khóc bù lu bù loa, thu quần áo bế con về nhà mẹ đẻ ngay trong tối hôm đó. Tất nhiên trên người Nhâm vẫn đeo sợi dây chuyền và chiếc nhẫn của mẹ tôi.

Chuyện chúng tôi yêu nhau, cả cái thị trấn phố huyện này đều biết. Ai cũng mừng cho hạnh phúc của chúng tôi: một thầy giáo cấp 3 và một cô thợ may xinh xắn khéo tay. Tôi hơn em 3 tuổi và ai cũng khen chúng tôi trông thật đẹp đôi.

Trở lại chuyện 2 năm trước, để đến được với nhau, chúng tôi cũng trải qua nhiều sóng gió. Do nàng ngoan ngoãn và khá xinh xắn, nên có rất nhiều đối tượng đến "cưa cẩm". Có người là chủ đầu tư xây dựng, có cả cậu ấm con quan chức, rồi con chủ tiệm vàng to nhất thị trấn... Phải nói là cha mẹ em "xoay tít mù" trong việc lựa chọn chàng rể tương lai. Thời điểm ấy, họ không quan tâm nhiều lắm đến vẻ rụt rè, rón rén của tôi khi đến tìm hiểu cô con gái cưng.

Vợ ham hố và cần những thứ hơn cả chiếc nhẫn cùng sợi dây chuyền vàng khiến gia đình tôi tan nát sau 2 tháng cãi vã-1(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chẳng biết vì sao, Nhâm (tên người yêu tôi) lại quyết định lựa chọn tôi trong số rất đông các "vệ tinh" đang vây quanh em. Cũng có thể, em chọn tôi do một lần chị Thanh, con ông bác của Nhâm nói: "Cậu Nghĩa (là tên tôi) rất hiền lành và tử tế với mọi người trong trường". Có lẽ em yêu tôi vì sự tử tế và vẻ bên ngoài đạo mạo, lịch sự và nho nhã như chị Thanh đã nói chăng?

Bố mẹ Nhâm thì phản đối kịch liệt. Họ nói lấy nhà giáo thì lấy cháo mà ăn à? Họ đang mong muốn con gái họ sẽ về làm dâu ngay nhà hàng xóm - một thương gia giàu có, chuyên buôn bán đường dài trong thị trấn, nhà con trai một và có những 2 ô tô.

Lại nói đến gia cảnh nhà tôi, nhà chỉ có một mẹ một con. Bố mất từ khi tôi còn bé, mẹ tôi tảo tần nuôi 2 anh em tôi ăn học và dần trưởng thành. Em gái tôi đã lấy chồng và hiện theo chồng chuyển lên sinh sống ở tận Hà Giang.

Nhưng rồi, trước sự phản đối và cương quyết của Nhâm, bố mẹ em cũng dần đồng ý với lựa chọn của con gái và cho tôi cưới em. Một tháng trước khi cưới, mẹ tôi gọi Nhâm đến nhà, bà đưa ra trước mặt tôi và em một hộp nhỏ. Mẹ tôi nói: "Đây là chiếc nhẫn 2 chỉ và sợi dây chuyền 1 cây vàng, ông bà nội đã từng trao cho bố mẹ. Ngày cưới sắp tới, mẹ sẽ trao lại cho con đấy. Đây cũng là tất cả của để giành, mẹ sẽ trao lại cho con". Nói rồi mẹ tôi nhìn Nhâm mỉm cười âu yếm.

Ngày cưới, khi trao cho con dâu của hồi môn là một chiếc nhẫn và sợi sây chuyền, mẹ tôi có vẻ hài lòng lắm. Chỉ có mẹ vợ là nhìn xéo qua mẹ tôi và tôi với ánh mắt có thoáng chút nghi ngờ. Sao mẹ vợ tôi lại nhìn kiểu đó nhỉ? Tôi hơi chững lại một chút, rồi đám cưới và những lời chúc tụng đã cuốn phăng cảm giác đó đi.

Một năm sau ngày cưới, chúng tôi có 1 thằng cu kháu khỉnh. Cuộc sống tuy không dư dả về vật chất, nhưng chúng tôi luôn vui vẻ hạnh phúc với nhau. Cuộc sống bắt đầu khó khăn khi mẹ tôi bị ốm nặng, không thể đi lại được. Bao nhiêu tiền dành dụm được mấy năm nay, tôi lo chữa bệnh cho mẹ. Vợ tôi bắt đầu cằn nhằn, khi hết tiền mua sữa, tã lót và quần áo cho con. Thời điểm đó, cửa hàng may mặc của vợ tôi cũng bắt đầu vắng khách. Giới trẻ bây giờ, giàu thì mua hàng hiệu, nghèo thì mua đồ may sẵn tại các cửa hàng trong thị trấn, khách đến cửa hàng may đo của vợ tôi giảm hẳn đi.

Kinh tế khó khăn buộc tôi tỉ tê với vợ, định bàn với cô ấy sẽ đem bán sợi dây chuyền để chữa bệnh cho mẹ. Tôi còn hứa sau này làm được tiền, sẽ mua lại cho Nhâm. Những tưởng vợ tôi sẽ gật đầu đồng ý, nhưng không, vợ tôi khinh khỉnh không nói gì, rồi bỗng quay lại phản đối gay gắt: "Của gia bảo nhà anh, mẹ anh đã trao cho tôi rồi, đó là vốn riêng của tôi, anh đừng hòng đụng vào!". Tôi tức quá, không chịu được, đã giơ tay tát vợ một cái thật đau.

Vợ ham hố và cần những thứ hơn cả chiếc nhẫn cùng sợi dây chuyền vàng khiến gia đình tôi tan nát sau 2 tháng cãi vã-2(Ảnh minh họa)

Nhâm đùng đùng đứng dậy, khóc bù lu bù loa, thu quần áo bế con về nhà mẹ đẻ ngay trong tối hôm đó. Tất nhiên trên người Nhâm vẫn đeo sợi dây chuyền và chiếc nhẫn của mẹ tôi. Mấy ngày sau, tôi về bên nhà vợ nhưng bố mẹ em đã kiên quyết không cho tôi gặp con, họ còn nói:

"Đã nghèo lại còn vũ phu, con gái tôi không thể ở với người cục cằn, thô lỗ như anh được. Từ ngày cưới đến giờ, anh lo cho con Nhâm được cái gì, ngoài chiếc nhẫn và sợi dây chuyền của mẹ anh để lại không? Thôi, anh về đi". Những tưởng vì tình nghĩa vợ chồng, Nhâm sẽ tha thứ, rồi bế con trở về nhà với tôi, nhưng rồi, chỉ sau đó 2 tháng, em gửi đơn ra toà, xin ly hôn đơn phương và tự nhận trách nhiệm nuôi dưỡng con.

Đầu năm nay, qua mọi người trong thị trấn tôi mới biết được, Nhâm đã bế con đi theo một người đàn ông, chuyển hẳn vào Nam sinh sống. Tôi bất chợt mỉm cười chua chát. Hoá ra, tôi đã mất cuộc hôn nhân này chỉ vì vợ tôi tiếc chiếc nhẫn và sợi dây chuyền, hay em còn cần những thứ còn hơn thế nữa?

(thaidung...@gmail.com)

Theo Vietnamnet.vn


của hồi môn

tình nghĩa vợ chồng


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.