Những dấu mốc không thể quên trong thảm kịch MH370

Sáng 8/3/2014, máy bay của Malaysia Airlines biến mất khỏi màn hình radar cùng 239 người khi thực hiện lộ trình từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sáng 8/3/2014, máy bay của Malaysia Airlines biến mất khỏi màn hình radar cùng 239 người khi thực hiện lộ trình từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc.

Những dấu mốc không thể quên trong thảm kịch MH370
Máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích rạng sáng ngày 8/3/2014. Ảnh: Flickr

0h41 ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cất cánh cùng 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Nó biến mất khỏi màn hình radar khoảng 1 giờ sau, khi đang bay qua khu vực phía nam Biển Đông, gần vùng thông báo bay của Việt Nam. Theo dự kiến, MH370 hạ cánh lúc 6h30 phút cùng ngày tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

5h30 phút 8/3/2014, Malaysia triển khai đội tìm kiếm gồm 15 máy bay, bao gồm phi cơ vận tải đa năng Hercules C130 cùng nhiều tàu tới tìm Boeing 777 mất tích. Quan chức Malaysia Airlines xác nhận sự việc lúc 7h30 phút cùng ngày. Khi gặp nạn, máy bay chở 38 người Malaysia, 153 người Trung Quốc, 7 người Indonesia, 7 người Australia, 3 người Pháp, 3 người Mỹ, 2 người New Zealand 2 người Ukraine, 2 người Canada và 5 người từ Nga, Italy, Đài Loan, Hà Lan và Áo.

Ngày 9/3, khu vực tìm kiếm được mở rộng từ Biển Đông tới eo biển Malacca. Các quốc gia Singapore, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc và Mỹ nỗ lực tìm kiếm. Một ngày sau, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak cam kết làm hết sức để tìm phi cơ mất tích.

Ngày 11/3, điều tra viên Malaysia phát hiện hai người Iran lên máy bay bằng hộ chiếu giả. Ngày 12/3, quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho biết nhiều khả năng MH370 đã bay qua eo biển Malacca đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực.

Ngày 14/3, phạm vi tìm kiếm được mở rộng về phía tây Ấn Độ Dương. Giới chức Malaysia cho biết, thiết bị radar định danh của MH370 có thể đã bị tắt, khiến radar không thể xác định thông tin về máy bay đang di chuyển trên không trung.

Ngày 15/3, chính phủ Malaysia công bố hành lang bay phía bắc và phía nam, nơi MH370 có thể di chuyển tới. Kuala Lumpur xác nhận thông tin động cơ máy bay vẫn hoạt động nhiều giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Malaysia loại bỏ khả năng phi cơ bị không tặc.

Ngày 16/3, Malaysia kêu gọi sự giúp đỡ của 15 quốc gia nằm trên hành lang bay tình nghi phía bắc và phía nam của MH370. Một số nguồn tin cho thấy nghi vấn cơ trưởng định tự sát. Tới ngày 18/3, phạm vi tìm kiếm MH370 được xác định là 2,24 triệu hải lý vuông. Ba triệu người tình nguyện tham gia tìm kiếm dấu vết MH370 dựa vào ảnh vệ tinh do DigitalGlobe cung cấp.

Những dấu mốc không thể quên trong thảm kịch MH370
Tàu lặn không người lái tìm kiếm mảnh vỡ tình nghi. Ảnh: Abc News

Ngày 20/3, Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố phát hiện vật thể tình nghi là mảnh vỡ MH370 ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, cách Perth, Australia khoảng 2.500 km về phía tây nam. Vệ tinh Trung Quốc và Pháp tiếp tục rà soát vùng biển tình nghi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực xác định mảnh vỡ máy bay đều thất bại. MH370 vẫn bặt vô âm tín.

Ngày 24/3, chính phủ Malaysia dẫn dữ liệu vệ tinh của Inmarsat, công ty vệ tinh Anh, khẳng định MH370 đã lao xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, khiến 239 người thiệt mạng. Dữ liệu từ Inmarsat cũng là cơ sở để Malaysia chuyển trọng tâm tìm kiếm về phía nam Ấn Độ Dương. Ngày 25/3, Malaysia Airlines đưa ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, các hoạt động tìm kiếm vẫn được tiến hành.

Trong những ngày tiếp theo, vệ tinh nhiều quốc gia liên tục phát hiện mảnh vỡ tình nghi. Tuy nhiên, chúng đều không liên quan tới máy bay Malaysia mất tích. Tàu của Australia và Trung Quốc đảm trách nhiệm vụ tiếp cận và vớt mảnh vỡ ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương.

Ngày 2/4/2014, tàu ngầm Anh tới khu vực tìm kiếm mảnh vỡ phi cơ Malaysia Airlines. Cảnh sát Malaysia bác toàn bộ nghi vấn máy bay bị không tặc hay khủng bố. Tuy nhiên, họ tiếp tục điều tra khả năng bất ổn tâm lý của phi hành đoàn, bao gồm cả cơ phó và cơ trưởng.

Ngày 3/4, diện tích tìm kiếm MH370 đạt 223.000 km2. Tàu lặn không người lái và các thiết bị dò ngầm được huy động tới vùng biển tình nghi. Theo thiết kế, hộp đen của máy bay vẫn có thể phát tín hiệu sau 27 ngày chìm dưới nước. Tất cả tàu tham gia tìm kiếm đều được trang bị các thiết bị đặc chủng, giúp phát hiện âm thanh từ hộp đen máy bay ở độ sâu hơn 4 km.

Ngày 5/4, tàu Trung Quốc phát hiện tín hiệu âm thanh lạ. Các đội cứu hộ nỗ lực tìm hộp đen máy bay trước khi bộ phát hết pin. Tính tới ngày 6/4, lực lượng tìm kiếm MH370 ở phía nam Ấn Độ Dương lên tới 112 máy bay và 13 tàu.

Nỗ lực tìm kiếm trên mặt biển được thay thế bằng các hoạt động rà soát đáy biển nhằm xác định mảnh vỡ máy bay. Tính tới ngày 15/9/2014, các đội tìm kiếm tiếp cận 58 vật thể trong khu vực tình nghi nhưng chưa thể tìm thấy máy bay mất tích.

Những dấu mốc không thể quên trong thảm kịch MH370
Khu vực tìm kiếm MH370 ở phía nam Ấn Độ Dương. Đồ họa: Hồng Duy

Ngày 6/10, hoạt động tìm kiếm bước sang giai đoạn mới sau 4 tháng tạm hoãn để thăm dò đáy biển. Ngày 14/11/2014, Malaysia và Australia tiếp tục cam kết tìm phi cơ. Các tàu chuyên dụng của Hà Lan rà soát vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Malaysia thuê Fugro, công ty của Hà Lan, tìm phi cơ mất tích.

Gần một năm sau sự cố, hôm 5/3/2015, Thủ tướng Australia Tony Abbott đề nghị thu hẹp phạm vi tìm MH370. Phát biểu trước Quốc hội tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Abbott cho biết Australia không thể duy trì tìm kiếm theo cường độ hiện tại nhưng cam kết nỗ lực để làm sáng tỏ vụ việc.

Ngày 8/3/2015 là tròn một năm máy bay của Malaysia Airlines mất tích. Tuy nhiên, số phận máy bay vẫn là bí ẩn lớn đối với nhân loại. MH370 biến mất không dấu vết cho thấy lỗ hổng cơ bản trong việc theo dõi các chuyến bay đường dài, đặc biệt khi bay qua đại dương.


Bình luận