Trung Quốc cáo buộc Mỹ xúi giục “cách mạng sắc màu” ở Hong Kong

Báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đăng bài viết cáo buộc Mỹ đang tìm cách xúi giục một cuộc “cách mạng sắc màu” ở Hong Kong, lên án Mỹ giả vờ quan tâm dân chủ, nhưng thực chất chỉ nhằm thúc đẩy “những lợi ích chiến lược” của họ.

Báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đăng bài viết cáo buộc Mỹ đang tìm cách xúi giục một cuộc “cách mạng sắc màu” ở Hong Kong, lên án Mỹ giả vờ quan tâm dân chủ, nhưng thực chất chỉ nhằm thúc đẩy “những lợi ích chiến lược” của họ.

Lều của người biểu tình giăng kín đường dẫn vào quận trung tâm Hong Kong. Ảnh: SCMP

 
Bài bình luận có tựa đề “Tại sao Mỹ lại thích những cuộc “cách mạng sắc màu” đến vậy?” được đưa ra trang chủ của People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) hôm 11/10 nói rằng, một điều “không thể tránh khỏi” là những hành động của Mỹ đối với Hong Kong “sẽ liên quan sự dính líu của Mỹ trong những cuộc “cách mạng sắc màu” ở những nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, Trung Đông, Bắc Phi và các nơi khác.

Bài bình luận kết thúc với tuyên bố: “Mỹ có thể thích hương vị ngọt ngào của việc can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước khác, nhưng với vấn đề Hong Kong, Mỹ có rất ít cơ hội để vượt qua quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc duy trì ổn định và thịnh vượng”.

Dù Trung Quốc đã ngụ ý mạnh mẽ rằng, người nước ngoài đang bí mật điều khiển các cuộc biểu tình ở Hong Kong những tuần gần đây, nhưng bài bình luận này lần đầu tiên cáo buộc một cách rõ ràng rằng, Mỹ đang đứng sau phong trào.

Bài bình luận dựa trên “các bài báo” nói rằng Louisa Greve, Phó Chủ tịch khu vực châu Á, Trung Đông, Bắc Phi và Chương trình toàn cầu của Quỹ Quốc gia vì dân chủ (NED, thành lập tại Mỹ năm 1983), đã gặp gỡ “những người chủ chốt” của phong trào Occupy Central (Chiếm Trung tâm) ở Hong Kong cách đây vài tháng, “để nói về phong trào biểu tình”.

Ý này có thể đề cập đến bài viết của một tờ báo Hong Kong ủng hộ chính quyền đại lục trước đó nói về cuộc thảo luận công khai do NED tổ chức giữa hai thủ lĩnh Occupy Central Martin Lee và Anson Chan tại Washington DC hồi tháng 4. Louisa Greve điều phối cuộc nói chuyện kéo dài cả tiếng đồng hồ này, và đoạn phim ghi lại vẫn còn trên YouTube.

Theo nhiều báo cáo, NED là tổ chức tư nhân hoạt động phi lợi nhuận, nhưng cũng nhận được khoản tiền hỗ trợ lớn từ chính phủ Mỹ. Năm 2013, quỹ này rót gần 300.000 USD cho hai tổ chức hoạt động ở Hong Kong. Viện Dân chủ quốc gia (NDI), chi nhánh của NED, duy trì một văn phòng nhỏ ở Hong Kong.

Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản nói rằng, văn phòng NDI ở Hong Kong tuyển dụng đội ngũ nhân viên quốc tế và đôi lúc sử dụng một hoặc hai người địa phương cho những việc cần thiết.

Công việc chủ yếu của NDI ở Hong Kong là tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trẻ từ tất cả đảng phái chính trị quan tâm, tập trung vào xây dựng kỹ năng trong những lĩnh vực phát biểu trước đám đông, chiến lược phong trào, phát triển thông điệp và cách truyền thông điệp.

NDI thường làm việc với các đảng chính trị ủng hộ đại lục ở Hong Kong, những người cũng giống các chính đảng khác, đều muốn chiến thắng trong những cuộc bầu cử, The Diplomat đưa tin. Tuy nhiên, báo chí Hong Kong đôi khi cáo buộc NDI là một mặt trận của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trước đây.

Thuật ngữ “Cách mạng ô”

Ngoài NED, bài viết của People’s Daily còn nhấn mạnh việc 3 cựu lãnh sự Mỹ ở Hong Kong gần đây cùng nhau viết một bức thư công khai gửi tới Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh.

Tuy nhiên, cáo buộc của People’s Daily về việc Mỹ đang cố xúi giục một cuộc cách mạng sắc màu ở Hong Kong dựa trên việc báo chí chính thống sử dụng cụm từ “Cách mạng ô” khi tường thuật biểu tình ở Hong Kong.

People’s Daily nói rằng, hãng tin Mỹ AP và báo Mỹ Wall Street Journal sử dụng cụm từ “Cách mạng ô” trong các bài tường thuật. People’s Daily cũng nói báo The Times Asia từng dùng cụm từ “Cách mạng ô”.

Dày đặc lều của người biểu tình
 
Hôm qua, Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh tuyên bố sẽ không từ chức, cảnh báo những sinh viên đòi ông từ chức rằng, phong trào đòi dân chủ của họ đã vượt tầm kiểm soát, báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin.
 
Ông nói rằng, việc phong tỏa các khu vực then chốt của trung tâm tài chính châu Á (đã bước sang tuần thứ 3) không thể kéo dài vô thời hạn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình TVB, ông Lương nói chính quyền sẽ tiếp tục đối thoại với các thủ lĩnh sinh viên, nhưng ông không loại trừ khả năng sẽ sử dụng “lực lượng tối thiểu” để giải tán khu vực.
 
Lãnh đạo Hong Kong cũng nhắc lại “không có cơ hội” Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu. Trong khi đó, khoảng 200 chiếc lều của người biểu tình vẫn nằm trên hai con đường dẫn đến quận tài chính của Hong Kong.
 
 
Theo T.Quỳnh (Tiền Phong)

Bình luận