Vụ khủng bố 11/9 và những kí ức kinh hoàng
Ngày 11/9/2001, cả thế giới chấn động trước tin nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra sau khi 4 chiếc máy bay bị không tặc tấn công và lao vào các công trình biểu tượng nước Mỹ.
Sự kiện 11/9, được biết đến là một loạt tấn công khủng bố cảm tử có phối hợp tại Mỹ diễn ra ngày thứ Ba 11/9/2001, khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp 4 máy bay Boeing chở hành khách đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York - mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút.
Chuyến bay 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) vào lúc 8h46 sáng giờ địa phương. Ngay sau đó, lúc 9h03, phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đã tiếp tục đâm vào toà tháp Nam.
Tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sập lúc 9h59 sau khi cháy bừng bừng trong 56 phút do và Tháp phía Bắc bị sập lúc 10h28 sau khi cháy khoảng 102 phút. Mùi nhiên liệu máy bay, sức nóng và khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã chọn cách nhảy ra khỏi tòa nhà để thoát khỏi chúng. Vụ tấn công xảy ra đúng lúc khu Lower Manhattan chật ních các công nhân và khách du lịch.
Nhiếp ảnh gia Michael Walters (Manhattan) nhớ lại: “Đột nhiên có những tiếng thét lớn. Tôi thấy nhiều người nhảy ra khỏi toà nhà, tay họ chới với. Tôi dừng chụp ảnh và bắt đầu khóc”.
Cựu Tổng thống Mỹ Bush cho biết, sau khi biết tin về sự việc xảy ra với tháp Bắc WTC, ông nghĩ đó chỉ là một tai nạn nhưng sau khi Andy Card, lúc đó là Chánh Văn phòng Nhà Trắng, thông báo chiếc phi cơ thứ hai đâm vào tháp Nam WTC, ông biết nước Mỹ đang bị tấn công.
“Khi đó, tôi thực sự rất bàng hoàng và giận dữ. Nhưng trên cương vị là người đứng đầu một đất nước, tôi phải tỏ ra bình tĩnh. Tôi cảm thấy bất lực khi chứng kiến trên màn hình cảnh những người trên Tháp Đôi WTC nhảy khỏi tòa nhà và tôi, người đứng đầu nước Mỹ, chẳng thể làm gì giúp họ”.
9h38 cùng ngày, chiếc phi cơ số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nó đã lao vào tòa nhà này với tốc độ cao nhất, khiến toàn bộ 64 hành khách và tổ bay thiệt mạng, 125 nhân viên dân sự và quân sự làm việc tại Lầu Năm Góc cũng cùng chung số phận.
10h04, chiếc máy bay số hiệu 93 của hãng United Airlines lao xuống một cánh đồng ở Shanksville, bang Pennsylvania. Nhiều giả thiết được đưa ra về nguyên nhân dẫn tới việc này, trong đó nhiều người tin rằng nhóm không tặc bị mất quyền kiểm soát chiếc máy bay khi đụng độ với các hành khách. Được biết, mục tiêu tấn công của chuyến bay 93 là Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Tổng cộng gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001, ngày được xem là đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ và đã 13 năm trôi qua kể từ ngày đen tối đó, hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng, hàng chục nghìn người vẫn đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề.
Lớp bụi từ hiện trường Tháp Đôi WTC hôm 11/9 chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, PVC, thủy ngân,... cùng lượng khí chất thải của hàng trăm nghìn gallon dầu diesel bốc cháy. Theo ước tính, khoảng 90.000 người đã tiếp xúc với đám bụi độc này. Hơn 60.000 người vẫn đang phải tham gia một chương trình theo dõi sức khỏe.
Các quan chức y tế cho biết, khoảng 2.000 chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11/9. Nhóm người này chủ yếu là những người làm việc trực tiếp tại hiện trường và trong thời gian dài như nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên... Những vấn đề họ gặp phải chủ yếu là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Toàn cảnh đổ nát của 2 tòa tháp. Ảnh: AP
Vụ tấn công khủng bố này đã gây hỗn loạn khắp nước Mỹ. Mọi giao thông đường không dân sự quốc tế bị cấm dừng ở Mỹ trong suốt 3 ngày. Các máy bay đang bay được tái định hướng sang các sân bay ở Canada hoặc Mexico. Các hãng tin phát đi những thông tin chưa kiểm chứng và thường xung đột với nhau suốt cả ngày.
Mỹ đã đáp lại vụ tấn công bằng việc mở cuộc chiến chống khủng bố, tấn công Afghanistan để lật đổ chính quyền Taliban, vốn dung túng cho khủng bố Al Qaeda và thủ lĩnh của nó là Osama Bin Laden. Ngoài ra, Washington cũng ban hành Đạo luật yêu nước. Nhiều quốc gia khác cũng củng cố luật chống khủng bố và mở rộng quyền lực cho lực lượng hành pháp.
Ngày 30/10/2004, Bin Laden lần đầu tiên thừa nhận đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9 và buộc tội Tổng thống Mỹ thời đó là Bush làm người Mỹ “lầm đường, lạc lối”.
Ngày 1/5/2011, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố trước thế giới rằng sau 9 năm, 7 tháng và 20 ngày kể từ vụ khủng bố ngày 11/9, Osama bin Laden đã bị quân Mỹ tiêu diệt.
Theo Hồng Nhungbaoxaydung.com.v