Pep Guardiola: Kẻ học việc vĩ đại

Pep Guardiola chưa từng sáng tạo ra điều gì mới mẻ, nhưng học hỏi và tổng hợp những lý thuyết chiến thuật là một biệt tài của ông. Một trong những đội Barcelona mạnh nhất trong lịch sử được tạo ra như thế. Và liệu Bayern Munich có thể là thử nghiệm tiếp theo?

Pep Guardiola chưa từng sáng tạo ra điều gì mới mẻ, nhưng học hỏi và tổng hợp những lý thuyết chiến thuật là một biệt tài của ông. Một trong những đội Barcelona mạnh nhất trong lịch sử được tạo ra như thế. Và liệu Bayern Munich có thể là thử nghiệm tiếp theo?

Từ chuyện học tiếng

Pep mở đầu buổi họp báo đầu tiên tại Allianz bằng một câu chào khiến báo chí Đức phải ngạc nhiên: "Guten Tag und Gruss Gott” (Xin chào và chúc buổi sáng tốt lành). Trong những phút đầu tiên, ông đã nghe và trả lời phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Đức.

Em trai ông, Pere Guardiola, tiết lộ rằng Pep đã bắt đầu học tiếng Đức “như một gã điên” từ tháng 11 năm ngoái, với 4 tiếng đồng hồ bỏ ra mỗi ngày: “Chỉ có một chú chó cứng đầu mới làm thế. Thật vô lý, khi bạn gặp anh trai mình vào bữa trưa, anh ấy cứ nói chuyện không ngừng với cô giáo dạy tiếng Đức”.

Pep rất lưu tâm đến ngôn ngữ. Ông nói được tiếng địa phương Catalunya và Castilian khi còn nhỏ. Lên 7 tuổi, Pep học tiếng Anh ở một trường Công giáo. Tại Brescia, ông học tiếng Ý, và bây giờ là tiếng Đức. Hơn nửa năm là chưa đủ để sử dụng thứ tiếng rất khó này (để hiểu cơ bản tiếng Đức, bạn cần trung bình một năm, thậm chí lâu hơn), nhưng nỗ lực của Pep đáng được ghi nhận.

Bí quyết thành công của Pep, nhìn qua riêng chuyện ngôn ngữ thôi, cũng đã đủ khái quát chỉ trong một chữ: Học. Ông khao khát tri thức, và có thể làm học trò của bất kỳ ai xung quanh mình.

Pep Guardiola (trái) và một trong những “người thầy” của ông, Marcelo Bielsa (phải)

Cho đến học chiến thuật

Cho đến giờ, Pep vẫn tự nhận mình chỉ là một kẻ học việc. Trước khi tiếp quản ghế HLV trưởng Barcelona, ông đã bắt đầu công việc của một người đi nhặt nhạnh kiến thức và tổng hợp nó một cách tinh xảo.

Pep từng bảo: “Johan Cruyff đã sơn son nhà nguyện, và các HLV của Barca chỉ đơn thuần là phục hồi và cải tạo nó”. Nhưng phải mất gần 2 thập kỷ sau khi “Dream Team 1.0” rơi vào dĩ vãng, chỉ có Pep là người đã phát quang con đường mà Cruyff đã vạch ra cho Barca. Những lý thuyết cơ bản của bóng đá tổng lực, như thông điệp trong những đường chuyền và cách chơi kiểm soát bóng, là nền móng cho một đội bóng vĩ đại sau này.

Nhưng chỉ lý thuyết thôi là chưa đủ. Pep cần thêm công cụ, và ông chọn người tham vấn tiếp theo: Marcelo Bielsa. Tháng 10/2006, một năm trước khi nhận lời dẫn dắt Barcelona, Pep đến Argentina và sau đó lái xe 11 tiếng đồng hồ đến nhà Bielsa. HLV người Argentina hỏi Pep: “Cậu có thực sự máu me không?”. Và câu chuyện bắt đầu vào lúc đêm muộn.

Bielsa, có biệt danh là “Gã điên”, là một trong những người đã đặt nền móng cho lối chơi pressing, một yếu tố quan trọng làm nên đội Barca của Pep sau này: Họ phải tạo ra được áp lực đủ để giành lại bóng chỉ trong vòng 6 giây sau khi mất. Các đường chuyền chỉ được thực hiện trong cự ly khoảng 10 mét, và một pha di chuyển cũng phải đảm bảo khoảng cách tương tự, để đội hình có thể co vào và vây ráp thật nhanh.

Một năm trước khi đến nói chuyện với Bielsa, Pep dự khán các trận đấu ở Confederations Cup 2005, và tỏ ra đặc biệt ấn tượng với đội tuyển Mexico của HLV Ricardo La Volpe. Trong một bài báo viết trên tờ El Pais vào năm 2006, Pep khen ngợi cách các hậu vệ Mexico giữ bóng: “Tôi được biết rằng mỗi buổi tập, La Volpe dành ra nửa tiếng chỉ cho các hậu vệ kiểm soát bóng, và nếu họ làm sai, ông ấy sẽ yêu cầu họ thực hiện lại cho đến khi thuần thục”.

Cách đây một năm, La Volpe thừa nhận: “Tôi nghĩ Pep đã xem chúng tôi đá ngang ngửa với Brazil và Argentina (tại Confed Cup 2005) như thế nào. Cậu ấy đã áp dụng và cải tiến cách chơi ấy đến mức mà giờ, chính tôi phải học hỏi lại cậu ấy”.

Đội Barca đã giành đến 14 danh hiệu trong 4 năm của Pep là sản phẩm tổng hợp của quá trình phân tích và học hỏi không ngừng ấy. Sự sáng tạo của Pep đơn giản là pha trộn những gì rất cũ, thậm chí cũ đến mức phải rất lâu, người ta mới muốn nhắc lại nó (như triết lý của Cruyff). Nhưng con người có vẻ chẳng tạo ra điều gì mới ấy lại tạo ra đội bóng vĩ đại bậc nhất lịch sử.

Vì thế, Bayern của Heynckes, với những gì đã thể hiện mùa trước, có thể được xem như một đội bóng không còn điểm yếu, nhưng hãy tin là Pep biết cách để làm mới nó. Từ những gì rất cũ.

24 Trong quá trình làm việc tại Barca, Pep cũng tỏ ra rất tôn trọng trí tuệ tập thể. Dưới trướng ông là 24 trợ lý đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau, trước khi tất cả ý kiến của họ được Pep tổng hợp và đưa ra quyết định.

14 Dưới thời của Pep, Barca đã giành được tổng cộng 14 danh hiệu trong số 19 giải họ từng tham dự, biến ông trở thành HLV vĩ đại nhất trong lịch sử của CLB xứ Catalunya.

5 Pep hiện tại có thể nói tốt 5 thứ tiếng: TBN, Catalunya, Castilian, tiếng Anh, tiếng Ý, và đang hoàn thiện tiếng Đức cho công việc mới.




Theo Thể thao & Văn hóa



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.