Vì sao các tỉ phú đổ tiền vào bóng đá?
Chelsea “chỉ” kiếm được 47 triệu bảng từ chức VĐ Champions League 2011/12, nhưng ông chủ Roman Abramovich đã phải đầu tư tới 1,8 tỷ bảng để giành được danh hiệu ấy.
Dù đã thấy rõ đây là một cuộc chơi hết sức tốn kém, các ông chủ Ả Rập của Man City và PSG cũng không giấu giếm tham vọng một ngày nào đó bước lên đỉnh châu Âu. Nhưng danh sách các tỉ phú đã và đang đổ tiền vào bóng đá vẫn còn rất dài…
Trào lưu bỏ tiền túi ra đầu tư vào bóng đá của các nhà tài phiệt thực ra đã xuất hiện từ lâu, nhưng phần lớn trong số họ (như gia đình Moratti ở Inter, Dietmar Hopp ở Hoffenheim hay Jack Walker ở Blackburn) đều là những người đã lớn lên cùng CLB và có mối liên kết rất chặt chẽ với đội bóng.
Phải đến đầu những năm 2000, cơn lốc đầu tư mới thực sự phát triển mạnh mẽ khi hàng loạt tỷ phú đến từ Đông Âu hoặc Trung Đông bỏ ra hàng đống tiền để đổi lấy một phần, hoặc toàn bộ, quyền sở hữu một CLB bóng đá mà có khi họ cũng chưa từng nghe tên trước đó.
Ngoài Chelsea và Man City, bóng đá Anh còn chứng kiến Fulham, Reading, Leeds và Birmingham trở thành tài sản riêng của một tỷ phú, trong khi TBN cũng không chịu thua kém với những Getafe, Malaga hay Racing Santander.
Bóng đá Pháp có Monaco và PSG, Hà Lan có Vitesse Arnhem, Thụy Sĩ có Neuchatel Xamax nhưng đông đảo nhất phải là Nga (5 đội, đáng chú ý nhất là Anzhi Makhachkala và Zenit St Petersburg) và Ukraine (8 đội, nổi bật nhất là Shakhtar Donetsk).
Làn sóng ấy vẫn đang tiếp tục: Lyon đang
có ý định thu hút thêm vốn đầu tư từ UAE, Inter mới chuyển nhượng 15%
cổ phần cho Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc và vẫn có những tin
đồn về việc Man United sẽ được bán cho những người Qatar. Vậy đâu là mục
đích của những dự án đầu tư này?
“Tôi yêu bóng đá”
Các ông chủ Ả Rập của PSG không giấu giếm tham vọng một ngày nào đó bước lên đỉnh châu Âu |
Đó là những gì người ta biết về nhà cai trị Sheikh Hamad của Qatar, một fan hâm mộ của Arsenal từ thập niên 1970 và là người đứng đằng sau những vụ đầu tư “siêu khủng” vào làng túc cầu châu Âu.
Đó là cách mà Roman Abramovich giải thích cho quyết định mua lại Chelsea, dù giới quan sát cho rằng thực ra ông chỉ tìm cách mua một CLB bóng đá ở London để định cư vô thời hạn tại Anh và tránh được sự trừng phạt của Tổng thống Nga Putin (trước đó Abramovich từng có ý định đầu tư vào Tottenham).
Đó cũng là lời giải thích của Chu Tuấn – người giàu lên nhờ phân phối trò chơi World of Warcraft tại Trung Quốc và là ông chủ CLB Thân Hoa Thượng Hải – với phóng viên tờ Financial Times khi ông này quyết định chi tiền để đưa về Trung Quốc những Anelka hay Drogba.
“Ở Trung Quốc có rất nhiều người giàu có, nhưng tất cả bọn họ đều sẽ phải ghen tị khi nhìn thấy tôi chơi bóng cùng Drogba” – lời Chu.
Dù vậy, tình yêu bóng đá của nhà tỷ phú Trung Quốc có lẽ vẫn chưa sánh bằng Ramzan Kadyrov, Chủ tịch CLB Terek Grozny: tháng 3/2011, Kadyrov thu xếp một trận giao hữu giữa CLB của ông với đội hình các cựu tuyển thủ Brazil, bao gồm cả Romario, Bebeto và Dunga. Kết quả, Kadyrov ghi 2 bàn nhưng đội của ông vẫn thua 4-6.
Công cụ chính trị
Nhưng mục đích thật sự đằng sau việc làm bóng đá của Kadyrov – người cũng là Chủ tịch nước cộng hòa Chechen thuộc Liên bang Nga – là khẳng định quyền lực của mình trên sân khấu chính trị. Về điểm này, Kadyrov còn phải học theo Silvio Berlusconi.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, các cố vấn của Berlusconi thực hiện một nghiên cứu và phát hiện ra rằng thứ ngôn ngữ duy nhất có thể lay động trái tim của tất cả mọi người Italia là bóng đá, thế là Berlusconi đặt tên đảng của mình là Forza Italia (nghĩa là “Tiến lên, Italia!”) và ông hứa sẽ “đưa nước Ý chiến thắng nhiều như Milan”.
Dù Berlusconi chưa bao giờ hoàn thành được lời hứa ấy, những danh hiệu liên tiếp (4 Scudetto, 2 Cúp C1/Champions League) của đội Milan mà ông từng bỏ tiền ra cứu thoát khỏi cảnh phá sản đã góp phần đưa Berlusconi đến ghế Thủ tướng Italia.
Tháng 5/1994, Milan đại thắng Barcelona 4-0 trong trận chung kết Champions League và cũng trong tháng đó Berlusconi lần đầu tiên trở thành Thủ tướng.
Suleyman Kerimov là một tấm gương khác trong việc sử dụng bóng đá như một công cụ để PR hình ảnh.
Sau khi nhận ra rằng những thành công của Barcelona đã đóng vai trò vô cùng lớn trong việc quảng bá hình ảnh cho xứ Catalan – vốn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để đòi quyền độc lập khỏi TBN vào năm 2014 – Kerimov mua lại Anzhi Makhaclala vào tháng 7/2011 với mục tiêu trở thành một Barcelona thứ hai.
Theo đó, Kerimov kỳ vọng rằng Anzhi sẽ giành quyền tham dự Champions League, qua đó giúp thế giới biết đến Dagestan - nơi CLB này đặt trụ sở - và để đạt được mục tiêu này thì Kerimov không tiếc bỏ ra tới 126 triệu bảng để đưa về những cái tên như Samuel Eto’o, Roberto Carlos hay Guus Hiddink.
Tuy nhiên dự án tham vọng nhất phải thuộc về những người Qatar: sau khi chi ra 30 triệu euro/năm để xuất hiện trên áo đấu của Barca, họ bỏ ra 100 triệu euro để mua đứt PSG và đầu tư vào đội bóng này thêm 200 triệu euro/năm như một phần trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.
Sheikh Saoud Bin Abdulrahman Al – Thani, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Qatar, cho biết: “Du lịch thể thao là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Ở Qatar, chúng tôi tổ chức hơn 30 sự kiện thể thao mỗi năm và nền kinh tế được hưởng lợi rất lớn từ đó”.
Từ giờ đến năm 2022, kinh tế Qatar sẽ còn được hưởng một gói kích cầu siêu khổng lồ khác khi quốc gia nhỏ bé này chỉ 41 tỷ bảng cho việc đăng cai World Cup, nhưng tất nhiên PSG cũng không bị thiệt thòi gì.
Không giống như Malaga, CLB rơi vào khủng hoảng tài chính sau khi ông chủ Sheikh Al Thani ngừng rót vốn, đội bóng thủ đô nước Pháp đang dẫn đầu BXH Ligue 1 và là ứng cử viên số 7 cho chức VĐ Champions League trong mắt các nhà cái nhờ số tiền đầu tư tưởng như vô tận từ Qatar Investment Authority (QIA).
Valencia có lẽ đang cảm thấy ghen tị, bởi trước khi QIA bơm tiền thì tình cảnh của PSG cũng không khác gì so với đội bóng TBN hiện nay: nợ đầm đìa, không có khả năng chi trả và có nguy cơ xuống cấp thành một đội bóng hạng trung.
Nhưng ai bảo Valencia chỉ nằm ở một thành phố hạng trung bên bờ Địa Trung Hải, với lượng du khách hàng năm (5,4 triệu) chỉ bằng 1/5 so với “kinh đô ánh sáng” Paris…
Karpaty Lviv chỉ là một đội bóng vô danh ở Ukraine, nhưng họ lại đang nêu ra một tấm gương mẫu mực về mô hình quản trị. Sau khi bỏ tiền ra đầu tư vào CLB, doanh nhân Petro Dyminsky chuyển số tiền này thành vốn cổ phần và trao quyền điều hành đội bóng cho các cổ động viên.
Theo đó, các quyết định liên quan đến hoạt động của CLB sẽ được đưa ra trong các buổi họp của Hội CĐV và được thực hiện bởi một giám đốc điều hành chuyên nghiệp. Còn Dyminsky sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho đội bóng cho đến khi nó có thể tự kiếm lời và hoạt động độc lập – một điều mà các CĐV Chelsea phải mơ ước.