Được trò chuyện với chủ quán bún chửi nổi tiếng đất Hà thành, có lẽ bạn sẽ hiểu thêm nhiều điều đằng sau sự phục vụ cộc cằn của bà chủ.
"Bún chửi" những ngày này đang là chủ đề tranh cãi của nhiều người. Xuất hiện trên một chương trình ẩm thực của kênh truyền hình Mỹ CNN, người thì tự hào vì đặc sản Việt có mặt trên màn ảnh nhỏ quốc tế, người thì ca thán có gì đáng tự hào về văn hóa phục vụ khách thô lỗ như vậy.Mỗi vị khách lại có một suy nghĩ khác nhau còn chủ quán, với tư cách người trong cuộc cũng có những suy nghĩ cho riêng mình.
Cô Thảo - chủ quán "bún chửi" nổi tiếng đất Hà thành. |
Đến quán vào giờ ăn trưa, PV nhận thấy, khách ra vào nườm nượp, có lúc phải xếp hàng vì không có chỗ ngồi, còn cảnh khách phải ngồi ghép bàn với nhau là chuyện không có gì lạ ở đây.
Chủ quán bún chửi là cô Thảo. Cô đã kinh doanh nghề bán bún móng giò từ năm 1984.
Đến quán ăn cũng có đủ loại khách, có người đã là khách "ruột" của quán cả chục năm nay, ăn nhiều nên chẳng lạ gì với cung cách phục vụ của chủ quán. Có người vì nghe quán nổi tiếng nên cũng vào ăn thử cho biết. Già có, trẻ có, nhìn chung quán lúc nào cũng đông khách, đặc biệt vào "giờ cao điểm". Từ chủ quán đến phục vụ chẳng lúc nào ngơi tay. Họ bê hết khay bún này đến khay bún khác phục vụ hết tầng một rồi lại chạy lên tầng hai.
Trong tiếng nói chuyện ồn ào, rôm rả của thực khách, có lẽ nếu bà chủ có chửi cũng chẳng mấy ai nghe rõ được.
Một tô bún đầy đủ ở đây có giá chỉ từ 40.000 đồng, nhiều thịt, sợi bún mềm, nước dùng đậm đà. Đặc biệt nhất là thứ nước tương dùng kèm bún được bà chủ pha chế theo công thức đặc biệt, không có ở bất cứ chỗ nào khác. Phải chăng vì sự ngon, độc, lạ này mà thực khách đổ xô đến quán để thưởng thức bằng được một tô bún dù biết rằng có thể sẽ phải nghe chủ quán ca thán?
Tô bún thập cẩm của quán "bún chửi". |
Một mình cáng đáng gia đình nên không tránh khỏi khó tính
Giờ cao điểm, quán đông nghịt khách nên để tìm cơ hội trò chuyện được với bà chủ quán "bún chửi" bạn sẽ phải chờ khá lâu. Tranh thủ giờ chiều ngớt khác, PV mới có thể bắt đầu trao đổi với cô Thảo. Khi nói chuyện, cô Thảo xưng cô gọi con rất tình cảm.
Hơn 30 kinh doanh nghề này, cô Thảo cũng không còn quá xa lạ với cái tiếng "bún chửi" người ta gắn cho quán của cô. Cô tâm sự: "Nghề làm dâu trăm họ nhiều mệt mỏi. Khách đến già có trẻ có, người nhiều chữ cũng có, mà ít chữ cũng có. Người ta thường đòi hỏi những thứ không hợp lý nên mình mới cáu. Bản chất tôi không phải người như vậy. Nghề này phức tạp lắm." Cô nói rằng tâm trạng nhiều khi không tốt, cô không có người tâm sự chia sẻ nên thường xuyên rơi vào mệt mỏi.
Cô Thảo tại khu vực chế biến món "bún chửi". |
Hoàn cảnh gia đình cô Thảo có lẽ ít người biết đến. Người phụ nữ mang tiếng "chửi" khách cả ngày này lại là trụ cột của cả một gia đình lớn.
"Cô vất vả lắm, cô có 3 đứa con, hai trai, một gái nhưng một anh đã mất từ năm 2002. Chú ốm suốt 13 năm, mới mất 4 năm trước. Có thể vì gia đình trải qua nhiều mất mát nên cô sinh ra bức xúc", cô kể.
Hiện gia đình lớn của cô đã có 4 đứa cháu, cháu ngoại đã 17 tuổi còn hai cháu nội, một học lớp 6, một mới lên lớp 5.
Thực tế, khách quen của quán đều biết rằng cô Thảo nói chuyện với khách rất có duyên. Ai đã đến quán nhiều lần đều rất hiểu tính cô và đều cho những câu đối đáp của cô không hề có ý xấu.
Cô Thảo tự nhận mình là người rất tâm lý, hiểu chuyện: "Mình làm nghề phục vụ khách hàng, ai muốn nhăn nhó làm gì. Tâm lý người ăn cũng đâu thích chủ quán nhăn nhó, người ta không muốn ăn. Nhưng cô phục vụ toàn khách quen, họ đều hiểu tính cô."
Dù bị phàn nàn về cung cách phục vụ nhưng cô Thảo khẳng định quán luôn phục vụ khách hàng bằng những thực phẩm đảm bảo chất lượng: "Cô luôn nhập hàng buổi sáng, buổi tối nghỉ hoàn toàn nên hàng của cô luôn tươi và ngon".
"Sống trong lũ bệnh tật"
Quán bún của cô Thảo đã trải qua hơn 30 năm hoạt động. Cô nay đã bước sang tuổi 60, cũng chẳng còn khỏe khoắn như ngày xưa. Hơn nữa, cô còn mắc bệnh tiểu đường hơn 20 năm, một ngày phải tiêm 3 mũi thuốc. "Bệnh tật, "sống trong lũ" nên tính khí có phần nóng nảy", cô Thảo nói.
Dù nhiều người nói quán có cung cách phục vụ thô lỗ suốt cả chục năm không đổi nhưng theo cô Thảo chia sẻ: "Gần đây cô đã không còn nặng lời với khách vì cô có tuổi, cô dần kiềm chế, ai nói gì thì lờ đi mà sống, không hơi đâu cãi vã. Mặc dù cô cũng kể có nhiều người đáng tuổi con cháu dùng lời lẽ không hay với mình, cô cũng kiềm chế hết sức."
"Khi nào cô yếu sẽ truyền lại nghề cho con dâu. Hiện tại cả con dâu, con trai, con rể của cô đều cùng phụ giúp mẹ buôn bán. Nhà chỉ có thêm một cô giúp việc", cô Thảo nói thêm.
"Khi con làm dâu con mới hiểu, có một mẹ chồng đã khổ đây cô phục vụ ty tỷ tầng lớp", suốt ngày cáu gắt nên cô cũng thương con dâu lắm. Các thành viên trong gia đình đều rất bình đằng, ai cũng được góp ý cho người khác.
Cuộc trò chuyện giữa PV và cô Thảo liên tục bị ngắt quãng bởi khách gọi phục vụ dù khi đó đã là khoảng 3h chiều. Cũng vào tầm này khi khách đã vãn, cô Thảo mới có chút thời gian nghỉ ngơi, cùng các con ăn cơm trưa.
"Buổi trưa cô rất bận, mình cô quán xuyến gian hàng. Nhiều khi cô rất mệt, mệt đến mức không muốn ăn", cô Thảo nói.
Ngoài những lúc đông khách, phải cáu gắt, cô Thảo cũng trò chuyện với khách rất có duyên. |
Trải qua hơn 30 năm kinh doanh, khách đến quán của cô chủ yếu là khách quen. Cô Thảo đã chứng kiến nhiều chuyện tình bắt đầu ở quán bún của mình. Có những người ăn từ lúc mới yêu giờ đã làm cha, làm mẹ, thậm chí có người còn lên cả chức ông bà.
Nói về chuyện "bún chửi" lên sóng CNN, cô cho biết đoàn làm phim có xin phép để ghi hình, nhưng ngày quay phim lại không báo trước nên cô không hề diễn trước ống kính. Chỉ vì nhiều khách yêu cầu quá đáng chẳng hạn như đến sau đòi ăn trước, không ăn cái này bắt đổi sang cái khác, bản chất cô nóng tính nên đôi lúc mới to tiếng như vậy.
Từ ngày lên CNN, nhiều khách lạ tò mò đến quán, rất nhiều trong đó có thể muốn nghe cô quát mắng nhưng cô không quan tâm. Cô đã không còn nặng lời nữa. Yêu cầu của khách cô đều để các con nhận đơn, cô chỉ nghe lời truyền lại để chuẩn bị các suất ăn thôi.
Trong lúc trò chuyện, một khách nam vào hỏi quán bán những gì, cô vẫn dùng câu đối đáp rất lạ so với các chủ quán bình thường, nhưng không hề có hàm ý suồng sã, nạt nộ: "Đẹp trai ơi, đẹp trai nhìn biển ở cầu thang, tớ đang tâm sự với con gái tớ vài câu". Có tiếp xúc mới thấy, ngay cả câu "hết lưỡi rồi, giờ này lưỡi chỉ còn ở chợ" khi trả lời một khách hàng của cô cũng không mang ý xấu.
Theo Vntinnhanh