Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội

Gần 70 tuổi, bà Ly hàng ngày đi kiếm từng đồng bạc lẻ về nuôi 3 đứa cháu nhỏ bị mẹ bỏ rơi. Tuổi già, tiền bạc với bà Ly không quá quan trọng, điều mong muốn nhất hiện giờ là các cháu được khai sinh, đến trường.

Ánh mắt sau song cửa và giây phút "thoát" được ra ngoài

Ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Ly (68 tuổi, ở Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) qua sự giới thiệu của một người sống cùng khu dân cư. Nơi bà Ly cùng 3 đứa cháu đang ở nằm sâu trong ngõ 67, dù bao quanh là nhà cao tầng nhưng vẫn không làm dịu bớt cái nóng hầm hập ngày hè.

Đang là giữa trưa nhưng ngôi nhà nhỏ đã khóa cửa phía ngoài. Cất tiếng gọi chủ nhà, phía trong tiếng trẻ nhỏ thỏ thẻ trả lời: “Bà cháu đi làm chưa về ạ”. Hỏi ra mới biết, khi đó bà Ly đang đi rửa bát thuê ngoài chợ Phùng Khoang. Không ai trông, bà Ly đành phải nhốt 3 đứa trẻ trong nhà để đi làm.

Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-1Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-2

Ánh mắt của những đứa trẻ sau ô cửa sắt trong khi chờ bà đi làm.

Bên trong song sắt, 3 đứa trẻ tranh nhau để được nhìn qua ô cửa nhỏ ra ngoài. “Nóng quá các cháu trốn học ở nhà sao?”, chúng tôi cất tiếng hỏi. Phía trong, đôi mắt trong veo của một bé gái hướng nhìn ra ngoài lí nhí đáp: “Cháu có được đi học đâu ạ”.

Theo lời kể ngắt quãng của cô bé khoảng gần 10 tuổi, hàng ngày bà Ly đi làm từ sáng đến tối mới về. Ở nhà cháu lớn có trách nhiệm trông và cho 2 đứa nhỏ hơn ăn, ngủ. Do các cháu còn quá nhỏ, bà Ly sợ kẻ gian vào nhà nên cực chẳng đã mới phải nhốt các cháu lại.

Về tới đầu ngõ, bà Ly cất tiếng chào khách từ phía xa. Nghe tiếng bà, 3 đứa trẻ hét lên vì vui sướng: “A! Bà đã về”. Cánh cửa sắt vừa mở ra, đứa lớn, đứa bé ôm chầm lấy bà rồi chạy ra đầu ngõ ngó nghiêng. “Cả buổi nhốt trong nhà cuồng chân nên lúc nào các cháu cũng muốn ra ngoài”, bà Ly nói.

Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-3Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-4Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-5Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-6

Vừa về đến nhà các cháu đã quấn quýt. Sợ các cháu bị nóng bà Ly chăm lo cho từng cháu 1.

Mẹ giận con nhưng không nỡ lòng bỏ cháu

Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, bà Ly kéo từng đứa vào rửa mặt, lau người để hạ nhiệt cơ thể do nắng nóng. Bắt đầu câu chuyện, bà Ly chỉ vào từng đứa trẻ: “Đứa lớn nhất tên Phạm Khánh Vy năm nay 10 tuổi. Đứa lớn thứ 2 năm nay 7 tuổi, tôi thường gọi là Vân. Cháu nó bị down không biết nói. Còn đứa nhỏ nhất tên Sam Bô, được 2 tuổi rưỡi. Hai đứa nhỏ chưa được khai sinh và đặt tên chính thức. Còn cả 3 đứa đến nay chưa một ngày được đến trường”.

Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-7
Mong muốn lớn nhất của người phụ nữ này là các cháu được khai sinh, đi học.

Khi hỏi về bố mẹ của 3 cháu nhỏ, bà Ly cố gạt đi những giọt nước mắt và nói: “Xấu hổ lắm. Tôi chẳng muốn kể làm gì”. Trong 3 đứa trẻ, bé gái tên Vân là cháu ngoại của bà Ly. Còn cháu Khánh Vy và Sam Bô là chắt ngoại của bà. Dù nhiều năm ở nuôi nấng, chăm sóc nhưng bà Ly cũng không biết bố lũ trẻ là ai, vì không có hôn thú gì.

“Hai đứa lớn mẹ chúng bỏ lại đây từ khi vài tháng tuổi. Còn đứa nhỏ nhất tên Ram Bô, Tết vừa rồi mẹ nó gọi điện bảo đem về gửi. Tôi trốn đi và nói về quê rồi. Vậy mà, nó mang sang gửi ở nhà hàng xóm. Tôi giận lắm, nhưng chẳng lẽ đều là cháu chắt mà mình lại không nuôi”, bà Ly nghẹn ngào nói.

Kể từ khi để lại con cho bà Ly, mẹ của những đứa trẻ đi đâu không ai biết. Thỉnh thoảng có gọi điện về hỏi thăm, sau đó bà Ly gọi lại nhưng không liên lạc được. Đến giờ sống chết ra sao bà cũng không hề hay biết.

Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-8

Bà Ly khóc nấc khi kể về số phận hẩm hưu của mình.

Trước đây bà Ly có nhà ở quận Thanh Xuân, nhưng chồng bà bị ung thư nên năm 2014 phải bán đi lấy tiền chữa bệnh. Chỗ ở hiện tại của bà trước là 1 căn bếp, rộng chưa đầy 10 mét vuông. Do không có nhiều tiền, bà phải mua lại, làm thêm gác xép để lấy chỗ 4 bà cháu chui ra, chui vào. Đến nay dù đã ở đây được 6 năm, nhưng hộ khẩu vẫn ở quận Thanh Xuân.

Chính vướng mắc về mặt thủ tục giấy tờ nên 3 đứa nhỏ đang ở với bà không làm được khai sinh, chưa được đến trường. “Tôi cũng đã hỏi để làm thủ tục nhưng cần rất nhiều giấy tờ, giờ tôi già rồi không đủ sức chạy để lo nữa. Chỉ thương các cháu sống mà không được đặt tên, muốn đi học mà không được đến trường”, bà Ly tâm sự.

Bữa trưa đạm bạc và lời nhắn gửi của bé gái 10 tuổi

Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng mong ước lớn nhất của bà Ly không phải là tiền bạc. Bà chỉ lo đến lúc chết đi các cháu vẫn chưa được khai sinh. “Tôi chỉ mong các cháu được đi học. Cháu Vân bị bệnh down nếu làm được giấy khai sinh thì trung tâm bảo trợ sẽ nhận. Còn bé Sam Bô tôi sẽ dành chút sức lực cuối cùng, tìm bằng được mẹ cháu về để chăm sóc”, bà Ly nói.

Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-9Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-10Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-11Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-12

Bữa cơm đạm bạc của bà Ly và 3 đứa cháu trong ngôi nhà chật hẹp giữa trưa hè.

Quá 12 giờ trưa, 4 bà cháu lục đục dọn mâm cơm ra giữa căn phòng chật hẹp. Bữa trưa hôm nay của 4 bà cháu chỉ có 1 bát canh bí đỏ. Trước đó, bà Ly đã chuẩn bị sẵn 2 quả trứng để rán cho các cháu ăn, nhưng nhà hết ga chưa có tiền mua bình mới nên trứng lại cất vào tủ lạnh. Bữa cơm chóng vánh 15 phút là xong, 4 bà cháu dắt nhau ra trước cửa ngồi đón gió trời để tránh nóng.

Trước khi ra về, bé Khánh Vy thì thầm với chúng tôi rằng: “Cháu muốn được đi học lắm. Nghe các bác nói nếu đi học cháu phải học với các em 6 tuổi, cháu đồng ý ngay. Cháu được ông cụ Sơn (hàng xóm) tặng 1 chiếc áo dài và váy trắng hồi Tết, cháu vẫn để dành để khi nào được đi học thì mặc”.

Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-13Ánh mắt sau song sắt của 3 đứa trẻ không được đến trường, không được khai sinh giữa Hà Nội-14

Đồi giày và những bộ váy đẹp nhất bé Khánh Vy vẫn giữ đợi ngày mặc đến trường.

Không dám hứa với trẻ thơ, chúng tôi ra về mà lòng như nghẹn lại. Không biết mai đây khi bà Ly già yếu ai sẽ là người chăm lo cho các cháu. Rồi ước mơ được mặc chiếc áo dài, bước chân vào lớp 1 của cô bé 10 tuổi có trở thành hiện thực hay không?.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổ dân phố số 2 - phường Trung Văn (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết trường hợp bà Nguyễn Thị Ly rất khó khăn khi phải nuôi 3 đứa nhỏ. Ban công tác mặt trận vẫn tạo điều kiện giúp đỡ thường xuyên, nhất là đợt dịch bệnh vừa qua.

Khó khăn nhất hiện tại là làm lại giấy tờ cho các cháu để được khai sinh. Riêng vấn đề đi học của cháu Khánh Vy, UBND phường sẽ tạo điều kiện để năm học tới cháu được tới trường. “Chúng tôi cũng mong cháu được đi học. Nếu được vậy, cặp sách chúng tôi sẽ lo cho cháu”, đại diện tổ dân phố cho biết.

Theo Thoidaiplus.giadinh.net.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/anh-mat-sau-song-sat-cua-3-dua-tre-khong-duoc-den-truong-khong-duoc-khai-sinh-giua-ha-noi-d237765.html

bị bỏ rơi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.