Bi kịch của người lính Vị Xuyên chở tôn gây chết người

Đau đớn vì cái chết của cháu bé 9 tuổi bị tấm tôn cứa cổ, nhiều người cũng không khỏi xót xa khi biết bác xích lô là một cựu binh biên giới, chật vật kiếm sống trong nghèo khó.

Đau đớn vì cái chết của cháu bé 9 tuổi bị tấm tôn cứa cổ, nhiều người cũng không khỏi xót xa khi biết bác xích lô là một cựu binh biên giới, chật vật kiếm sống trong nghèo khó.

Ông Đinh Ngọc Thạch (tức Bình Còng) hiện đang bị tạm giữ tại Công an quận Hoàng Mai, chiếc xích lô chở tôn của ông khiến cháu bé 9 tuổi đâm vào tử vong. Đồng đội và hàng xóm, những người biết thông tin trên mạng xã hội đã tìm đến chia sẻ với gia đình nạn nhân và ông Thạch.

Nỗi đau nhân đôi

Chúng tôi cùng đồng đội ông Thạch đến nơi ở của ông tại khu tập thể công nhân phường Tân Mai. Ngôi nhà cấp 4 có diện tích 24 m2, lụp xụp, hoen ố những mảng tường đã bị long tróc nham nhở, lọt thỏm so với những ngôi nhà cao tầng kiên cố xung quanh.

Ngồi trên tấm nệm của chồng hay ngủ, bà Lê Thị Phương (vợ ông Thạch) bần thần: “Khi nghe tin chồng liên quan đến vụ tai nạn khiến cháu H. tử vong. Tôi từ quê lên Hà Nội ngay. Cháu bé tử vong tôi đau lắm. Tôi khóc mấy ngày nay rồi, cháu cũng như cháu ruột tôi. Nỗi đau này không biết bao giờ nguôi ngoai cho nhà hàng xóm và gia đình tôi”.

Bà Phương kể, do hoàn cảnh khó khăn, bà về quê Hà Nam làm ruộng, con cái cũng đi làm ăn xa. Ông Thạch ở lại cũng anh em trai trong ngôi nhà cấp 4. Hàng ngày, ông Thạch chạy xích lô nhận chở hàng thuê. Hôm xảy ra tai nạn, ông Thạch được thuê chở tôn giá 20.000 đồng.

“Hôm chồng tôi bị tạm giữ, tôi được vào thăm hỏi, thấy nhà tôi bơ phờ tôi không cầm được nước mắt. Chồng tôi còn dặn về lo tang cho cháu bé. Tính nhà tôi gàn nhưng rất thương người. Đang bị bệnh, dính vào lao lý, không biết chồng tôi có chịu được không”, bà Phương gạt nước mắt.

Ông Đinh Ngọc Thái (56 tuổi, anh trai ông Thạch) cho biết ông Thạch là người con thứ ba trong gia đình nghèo có những 8 người con, bố mẹ lại mất sớm. Trong gia đình ông thì hai người em đã mất vì bệnh tật, người em út lại mắc bệnh tâm thần. Bản thân ông cũng là người chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh.

Căn phòng của người đàn ông này nằm ngay cửa ra vào trong ngôi nhà chật chội, hầu như không có đồ đạc gì ngoài chiếc nệm cũ, và tấm màn rách quá nửa vắt gọn bên trên.

“Nó từng là lính chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). Sau thời gian đi lính về thì lưng nó còng gập xuống, người không được khôn ngoan như bình thường. Nó có biệt danh là Bình Còng từ đấy. Gia đình cho đi khám sức khoẻ thì mới biết nó bị thương tật 19%”, ông Thái kể.

Bi kich cua nguoi linh Vi Xuyen cho ton gay chet nguoi hinh anh 1
Hàng xóm đến chia sẻ với gia đình ông Thạch. Ảnh: Thắng Quang.

Mong nhận được cảm thông, chia sẻ

Khi tìm đến nhà người lái xích lô, cựu binh Vị Xuyên Nguyễn Đình Thắng – Phó ban liên lạc Sư đoàn 356 tại Hà Nội cho biết sự việc xảy ra với ông Thạch khiến tất cả mọi người trong ban liên lạc đều thấy thương xót.

“Thạch sức khỏe rất yếu, trình độ thì không có, đến khi ra quân thì xe máy không biết đi, chỉ biết mưu sinh bằng cái nghề xích lô ấy thôi. Việc xảy ra thì không ai mong muốn, nó khổ như thế”, ông Thắng nói.

Ông Thắng kể, ông và ông Thạch nhập ngũ cùng ngày, huấn luyện trong đơn vị khác nhưng sau này đều sinh hoạt trong ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 356.

“Năm 1985, trong chiến tranh biên giới, Thạch bị thương vào đầu khi chiến đấu ở Hang Mán (Vị Xuyên, Hà Giang) nên đầu óc cũng không còn bình thường. Đơn giản như chuyện khai tên tuổi quê quán. Tên khai sinh là Đinh Ngọc Thạch, nhưng lại mở ngoặc tức Bình. Thế nên toàn bộ giấy tờ bảo hiểm và các giấy tờ khác đều là Bình”, ông Thắng cho hay.

Ông Thạch trong mắt anh em đồng đội Sư đoàn 356 là người hay tự ti mặc cảm. Trong những lần đi thăm lại chiến trường xưa, anh em đều đi nhưng ông Thạch khái tính nên tránh. Từ những chuyện đơn giản như Thạch không có tiền để góp, anh em góp vào thì khi chụp ảnh lại trốn, không có mặt.

“Chúng tôi cũng đang tìm cách xin cho Thạch tại ngoại vì biết sức khỏe nó rất yếu. Còn sau đó, giúp được đến đâu chúng tôi cũng sẽ cố làm hết sức mình, vì đồng đội anh em từng vào sinh ra tử với nhau không nỡ bỏ nhau trong cơn hoạn nạn”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, những đồng đội của ông Thạch cũng chỉ muốn mọi người có một cái nhìn cảm thông và chia sẻ hơn với ông.

“Xin đừng buông thêm những lời đắng cay với nó vì tôi biết nó cũng đã phải chịu đủ hậu quả cho việc mình làm rồi. Nhưng chúng tôi cũng biết, Thạch sẽ không bao giờ lợi dụng danh nghĩa là lính Vị Xuyên, để làm gì ảnh hưởng đến thanh danh của những người lính”, ông Thắng xúc động.

Chiều 23/9, tại đầu ngõ 66 đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một bé trai 9 tuổi đang đạp xe thì đâm vào xích lô chở tôn dừng bên đường, góc miếng tôn cứa vào cổ, chảy nhiều máu. Được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng cháu bé không qua khỏi. 

Ngày 24/9, Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ hình sự ông Thạch để phục vụ cho công tác điều tra. Theo quy định, xe xích lô bị hạn chế lưu hành ở Hà Nội. Ngoài số xe xích lô chuyên phục vụ khách du lịch, loại phương tiện mà ông Thạch sở hữu bị cấm di chuyển trên phố vì gây cản trở giao thông.

Theo Thắng Quang (Zing.vn)


tấm tôn cứa cổ

người lính Vị Xuyên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.