Hội nghị do Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế, NN&PTNT, VH-TT&DL, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Trị.
Hội nghị sẽ báo cáo hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế sau khi 7 bộ, ngành, viện nghiên cứu cùng vào cuộc điều tra xác minh, nghe ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước xung quanh sự cố này.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sau thảm họa môi trường xảy ra tại một số tỉnh miền Trung, nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trước nhân dân đối với yêu cầu cấp bách sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp ngư dân tiếp tục bám biển, bảo đảm sinh kế, an toàn của người dân, phải nhanh chóng điều tra, đánh giá công bố diễn biến, hiện trạng, chất lượng môi trường biển trong và sau khi xảy ra sự cố.
“Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa, vùng biển nào sạch, vùng biển nào chưa sạch... để người dân cả nước yên tâm hoạt động sản xuất, đánh bắt, quay lại với sinh kế”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Ảnh: Quang Thành
|
GS.TS Mai Trọng Nhuận (Đại học quốc gia Hà Nội) đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày kết quả khảo sát môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua. Sau khi nghe ý kiến các chuyên gia, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà sẽ chủ trì phần hỏi đáp.
Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ báo cáo về chất lượng và mức độ an toàn đối với thuỷ sản, hải sản tại 4 tỉnh.
Trước đó vào đầu tháng 5, Bộ TN&MT đã tiến hành lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ tại 22 bãi tắm thuộc địa bàn 4 tỉnh, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế.
Thời điểm quan trắc mẫu nước biển 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm cách độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m. Trong đó Hà Tĩnh có 6 bãi tắm, Quảng Bình 4, Quảng Trị 3, Thừa Thiên – Huế 9.
Bước đầu, qua so sánh, đối chiếu kết quả quan trắc với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi tắm trên đều nằm trong giới hạn cho phép.
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 4 vừa qua, khởi đầu gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Theo thống kê, có khoảng 115 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh đã dạt bờ, Quảng Bình nhiều nhất với 100 tấn, số chìm dưới đáy chưa thống kê được.
Theo đánh giá, phải mất nửa thế kỷ, hệ sinh thái tại các tỉnh miền Trung nói trên mới có thể phục hồi.
Sự cố đã khiến hơn 4 vạn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 4.000 tàu thuyền phải nằm đắp chiếu rên bờ và gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch khi đồng loạt 4 tỉnh miền trung tỉ lệ khách hủy tour lên tới 50%, công suất sử dụng phòng chỉ còn 40-50%, cá biệt tại Hà Tĩnh chỉ còn 10-20%.
Sau nhiều tháng đấu tranh khôn khéo, Việt Nam đã buộc Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính như: Tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ công nghệ dập cốc khô (dùng khí trơ) sáng công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo cam kết...
Đến ngày 28/6, phía Formosa đã kí thỏa thuận về việc giải quyết sự cố môi trường tại 4 tỉnh với 5 nội dung chính: Công khai xin lỗi; thực hiện bồi thường 500 triệu USD; khắc phục hệ thống xử thải; xây dựng giải pháp kiểm soát môi trường và thực hiện đầy đủ các cam kết, không để tái diễn.
Đến ngày 29/7 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông báo, Formosa đã cam kết chuyển số tiền bồi thường ban đầu 250 triệu USD cho Việt Nam.
Theo VietNamNet