Giữa ngày nắng nóng, hàng nghìn hộ dân Thủ đô kêu trời vì mất nước sạch

Đó là nỗi khổ chung mà hàng nghìn hộ dân Thủ đô phải trải qua do sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13 gây ra.

Đau đầu nghĩ cách tiết kiệm nước, chấp nhận sử dụng lại nước thải, nước giếng nhiễm asen... là những nỗi khổ chung mà hàng nghìn hộ dân Thủ đô phải trải qua do sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13 gây ra.

>> Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 13

Mới đây, do ảnh hưởng của sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, nhiều khu vực dân địa bàn TP như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân (Hà Nội) rơi vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Trước đó, theo báo cáo của công ty Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco, ngay từ khi xảy ra sự cố, công ty này đã tích cực tham gia khắc phục và cố gắng cung cấp nước sạch trở lại cho nhiều khu dân cư trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, đến nay, một số khu vực ở xa nguồn nhất như Định Công (Hoàng Mai), Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), huyện Thanh Trì vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt. 

Khốn khổ vì thiếu nước sạch

Việc đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân Thủ đô. Rất nhiều người than phiền rằng, vì không có nước sạch để sử dụng nên cuộc sống của họ đang trở nên vô cùng bức bối, khó chịu, nhất là khi thời tiết Hà Nội những ngày này lại đang có xu hướng chuyển sang nắng nóng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ngõ 394 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), những ngày không có nước sạch, nhiều hộ dân ở đây phải tranh thủ bơm nước từ 1 chiếc giếng khoan rồi xách về nhà sử dụng. 

received_931050393615611-6c286
Nhiều người dân phải tiết kiệm từng xô nước nhỏ để dùng sinh hoạt.

"Nước giếng có mùi hơi khó chịu và nghe đâu là nhiễm asen nhưng chúng tôi vẫn dùng để dọn vệ sinh, tắm giặt còn nước nấu ăn thì phải mua các bình nước khoáng", bà Tú (70 tuổi sống tại khu vực này) tâm sự.

Không chỉ có mình khu vực Nam Từ Liêm chịu khổ vì mất nước sạch mà nhiều hộ dân khác sống tại Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang hết sức đau đầu vì "vấn nạn" chung. “Ở quanh khu này đã mất nước 2 ngày nay rồi. Mọi khi nếu chỉ một nhà mất thì còn đi xin hàng xóm được nhưng đàng này mất nước trên diện rộng nên chẳng biết xin ở đâu mà mua nước thì vô cùng tốn kém. Mới có 2 ngày, riêng tiền mua nước về nấu cơm, rửa bát, gia đình tôi đã tiêu hết gần cả triệu bạc", anh Tuấn, một người dân sống tại khu vực này cho biết.

received_931050416948942-6c286
Có hộ dân thậm chí còn phải tái sử dụng nước thải để dọn dẹp vệ sinh nhằm tiết kiệm tối đa
chi phí mua nước sạch.

Trong khi đó, chị Hồng, một người dân khác tại khu vực này, tâm sự: "Đến đêm 14/8, vòi nước nhà tôi mới bắt đầu chảy nhỏ giọt nên dù cố gắng mở vặn hết cỡ, hứng nước cả đêm, tôi cũng chỉ thu được có một xô nước nhỏ để tắm táp cho đứa con gái mới 2 tuổi. Tôi thấy rất mệt mỏi, không biết lúc nào mới có nước sạch để dùng".

Tương tự, tại khu vực Nam Đồng, (Đống Đa, Hà Nội), nhiều hộ dân cũng liên tục phàn nàn về tình cảnh khó khăn do việc mất nước gây ra. Nhiều gia đình đang phải hạn chế cả việc đi vệ sinh, tắm táp, ăn uống cũng chỉ vì lý do mất nước sạch. "Mấy ngày nay, bát đũa, quần áo ở nhà tôi ngổn ngang vì chưa có nước để giặt giũ, dọn dẹp. Nhà vệ sinh bốc mùi cũng bởi lại lý do chưa có nước. Nóng bức rồi mất nước sạch làm tôi muốn phát điên", chị Lê Thị Hội (Nam Đồng - Đống Đa) tâm sự.

Anh Hoàng, hàng xóm của chị Hội, lại kêu ca: "Tiền đi mua nước đắt đỏ vô cùng nên tôi phải hạn chế việc nấu ăn, giặt giũ ở nhà. Mấy hôm nay lại đi ăn hàng nên cảm thấy rất lo ngại vì ăn "cơm hàng cháo chợ" vừa đắt, vừa không đảm bảo vệ sinh".

Đau đầu nghĩ đủ 1001 kế ứng phó 

Để đối phó với tình cảnh mất nước sạch, rất nhiều người đã nghĩ ra đủ mọi cách để cách ứng phó với nạn mất nước, bao gồm từ việc tiết kiệm nước cho đến tái chế nước sinh hoạt.

Với kinh nghiệm nhiều lần bị mất nước sạch kéo dài, Lê Tú Uyên (sinh viên trường ĐH Phương Đông) tâm sự: "Khu vực Từ Liêm mình trọ rất hay mất nước sạch, nên mình cũng không lạ gì, mỗi lần như thế, phòng trọ của mình có 3 người thì cả ba đều đến nhà bạn bè "lánh nạn".

Trong khi đó, Nguyễn Văn Nam (một sinh viên khác) cho biết: "Không có nước sạch, mình toàn mua đồ ăn sẵn, khỏi chế biến nhiều. Tắm giặt thì sang nhà bạn bè nhờ rồi khi về phòng chỉ học bài và làm việc thôi nên cũng không thấy có ảnh hưởng gì nhiều".

received_931050460282271-6c286
Các hộ dân phải tranh thủ thâu đêm suốt sáng hứng từng chút nước nhỏ giọt.

Với sinh viên hay người độc thân thì còn dễ đi nương nhờ nhà người khác, nhưng với những người đã có gia đình, thì việc kéo cả nhà đi ở nhờ thật sự không khả thi.

Để có đủ nước sinh hoạt trong những ngày mất nước sạch, chị Hoa (Hoàng Ngân - Thanh Xuân) lại nghĩ ra những chiêu bài  "độc đáo" hơn. “Không có nước sạchnên gia đình phải tận dụng nước thải, ví dụ như nước rửa rau, vo gạo đều tích lại trong xô chậu và dùng để dọn vệ sinh. Thêm nữa là đồ ăn chủ yếu là mua đồ hộp, bát đũa thì sử dụng đồ dùng một lần, xong rồi bỏ đi, đỡ phải tích lại chờ có nước mới rửa được".

received_931050383615612-6c286
Để tiết kiệm tiền mua nước, một số người phải chấp nhận đi xa hàng cây số để đến được nơi có giếng khoan gom nước về dùng.

Tuy nhiên, theo nhiều người, việc mất nước sạch do sự cố vỡ đường ống sông Đà thường không kéo dài quá lâu và thực chất chỉ gây ảnh hưởng đên những người dân có thu nhập thấp. "Tôi sống ở đây đã hơn 30 năm, cũng hay mất nước sạch vì vỡ đường ống nhưng thường lâu nhất cũng chỉ một tuần. Tiền mua nước hoặc đi thuê chỗ tắm giặt, tôi nghĩ cũng không hết quá nhiều. Cứ cho là mỗi ngày hết gần 1 triệu đồng, nếu gia đình có con nhỏ thì tôi thấy như thế vẫn đủ sức chịu được", bà Hoàng (Vạn Phúc - Hà Đông) tâm sự.

Đồng tình với quan điểm này, anh Đoàn Văn Hưu (Mỹ Đình - Nam Từ Liêm) cho biết: "Từ sáng đến chiều, gia đình tôi sinh hoạt ở nhà bình thường. Riêng rối đến, sau giờ làm, hai vợ chồng và con nhỏ kéo vào nhà nghỉ thuê tạm qua đêm. Ở đó có phục vụ đầy đủ cả đồ ăn, nước uống mà giá cũng không quá đắt. Tôi nghĩ nếu mất nước sạch cả tháng thì lo nhưng một tuần thì không có ảnh hưởng gì lớn lắm".

Trước đó, vào rạng sáng ngày 13/8, đường ống dẫn nước sông Đà lại bị vỡ tại vị trí km28+650 trên đại lộ Thăng Long. Tuyến đường ống nước bị đóng để sửa chữa, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân Thủ đô. Trong quá trình khắc phục sự cố, đơn vị thi công đã phát hiện thêm nhiều điểm xung yếu nên phải gia cố, khiến thời gian tuyến đường ống bị ngừng lưu thông kéo dài hơn dự kiến.

Đây là lần thứ 13 tuyến đường ống nước sông Đà bị vỡ. Trước đó, cơ quan chức năng đã xác định chất lượng ống nước sông Đà không đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo Thu Hường - Trí Kiên / Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.