Sở Xây dựng Hà Nội lý giải nguyên nhân mất nước kéo dài

Bảy ngày sau sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, hàng ngàn hộ dân một số khu vực Hà Nội vẫn chưa có nước sinh hoạt hoặc nước chảy rất ít.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Hà Nội giải thích nguyên nhân hàng ngàn hộ dân mất nước kéo dài trong những ngày qua, tại buổi họp báo chiều 19.8 thông tin về tình hình sản xuất và cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố.

Ngày 19.8 - bảy ngày sau sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, ghi nhận của PV tại khu vực Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên, Đống Đa), khu Hà Trì 1 (Hà Cầu, quận Hà Đông)…, hàng ngàn hộ dân vẫn chưa có nước sinh hoạt hoặc nước chảy rất ít.

Đặc biệt, khu vực tổ dân phố số 1, phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), gần 300 hộ dân mất nước từ khoảng 2 tuần nay. Hiện người dân phải dùng nước giếng khoan, mua nước bình để nấu ăn.
 so xay dung hn ly giai nguyen nhan mat nuoc keo dai - 1
Chiều 19.8, gần 300 hộ dân ở tổ 1, phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) vẫn chật vật vì thiếu nước sinh hoạt.
 
Chiều cùng ngày, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình sản xuất và cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Hồng Quân - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng - cho biết, nguyên nhân hàng ngàn hộ dân vẫn chưa có nước sinh hoạt do là Công ty cấp nước Viwaco đóng van tại điểm đầu cấp nước (khu vực Big C) vào địa bàn của Công ty nước sạch Hà Nội.

Thêm vào đó, sau khi khắc phục sự cố vỡ đường ống lần thứ 11 và 12, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco, đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước Sông Đà) đã giảm áp lực tuyến ống tại km23 (Ngọc Liệp, Quốc Oai) và giảm lượng nước cấp cho Công ty nước sạch Hà Nội.

“Nhiều khu vực phía trong các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai bị cấp nước gián đoạn kéo dài cho đến ngày 17.8. Đến 7h cùng ngày, Công ty cấp nước Viwaco đã mở van trở lại và duy trì cấp nước như trước khi xảy ra sự cố vỡ ống lần thứ 13”, ông Quân cho hay.

Tại buổi họp, ông Trịnh Kim Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội, đơn vị cấp nước sạch cho các quận: Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình - cho biết, trước ngày 20.7, đơn vị vẫn cung cấp nước đầy đủ cho người dân với lưu lượng 2.000m3/ngày đêm. Sau khi vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà về Hà Nội lần thứ 11-12, lưu lượng nước cấp cho đơn vị giảm 33%. Ngay sau đó, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án cấp nước luân phiên cho người dân. Tuy nhiên, đến ngày 13.8, đường ống nước Sông Đà lại tiếp tục vỡ lần thứ 13. Sau 5 ngày, nước từ nhà máy Sông Đà mới được cấp trở lại cho phía công ty.

“Sau khi đường ống nước Sông Đà gặp sự cố, chúng tôi bị thiếu hụt nguồn nước khoảng 55.000m3/ngày đêm. Như vậy, việc mất nước đã ảnh hưởng tới khoảng 55.000 hộ dân ở 3 quận chúng tôi quản lý”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, sau khi đường ống nước bị vỡ vào ngày 13.8, đơn vị đã phải dùng giải pháp cấp nước luân phiên ở một số khu vực, đồng thời huy động thêm nguồn nước từ các xí nghiệp nước Hoàn Kiếm, Ba Đình hỗ trợ cho khu vực quận Đống Đa và Cầu Giấy.

“Hằng ngày, công ty của chúng tôi đã huy động 5 xe téc (mỗi xe téc chở được từ 5-10 khối) chở nước tiếp viện cho người dân ở khu vực quận Đống Đa. Xe téc chở nước tới cấp nước cho người dân hoàn toàn miễn phí và có xác nhận của địa phương”, ông Giang nói thêm.

so xay dung hn ly giai nguyen nhan mat nuoc keo dai - 2
  Chiều 19.8, Sở Xây dựng TP.Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về việc mất nước sạch ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố thời gian vừa qua.
 
Cũng tại buổi họp, ông Trương Quốc Dương - Phó Tổng giám đốc Viwasupco - cho hay, ngay sau khi sự cố vỡ đường ống lần thứ 13 xảy ra, đơn vị đã huy động công nhân khắc phục sự cố, cung cấp nước trở lại cho người dân. Hiện tại, đơn vị đang cung cấp nước ổn định cho người dân với lưu lượng 230.000m3/ngày đêm.

“Công ty đang hoàn tất hồ sơ và dự kiến khởi công xây dựng tuyến ống số 2 vào tháng 10.2015. Dự kiến, đến trước ngày 30.5.2016, đường ống số 2 sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác”, ông Dương nói.

Ông Dương cho biết, trong thời gian tới, khả năng vỡ đường ống nước hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi sự cố vỡ đường ống xảy ra, đơn vị sẽ cố gắng huy động phương tiện, công nhân nhanh nhất đến hiện trường khắc phục sự cố, cấp nước lại cho người dân Thủ đô.

Trong buổi họp, phóng viên đặt câu hỏi, "việc vỡ đường ống đã khiến nhiều hộ dân bị mất nước, cuộc sống bị đảo lộn, vậy phía công ty có xem xét đền bù thiệt hại hay không?". Ông Dương nói rằng: “Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý và vận hành”. Chưa thỏa mãn câu trả lời, phóng viên tiếp tục hỏi, "vậy ai là đơn vị chịu trách nhiệm đền bù thiệt cho người dân?". Ông Dương trả lời: “Tôi chưa xác định được đơn vị nào”.
 
Trước đó, khoảng 3h ngày 13.8 đã xảy ra sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 13 tại km28 đại lộ Thăng Long. Công ty Viwasupco đã huy động máy móc và gần 100 công nhân khắc phục sự cố. Trong quá trình sửa chữa khắc phục, bộ phận kỹ thuật phát hiện thêm 2 điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, do vậy công ty đã quyết định xử lý đồng thời.
 
Đến 2h ngày 14.8, Viwasupco thông báo sự cố đã được khắc phục và bắt đầu cấp nước trở lại. Tuy nhiên, đến ngày 19.8, hàng ngàn hộ dân Thủ đô vẫn bị thiếu nước sinh hoạt.
 
Theo Tất Định - Nguyễn Đức (Dân Việt)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.