Hà Nội: Vỡ ống nước sông Đà, người dân đào tung nhà xây bể chứa

Không chỉ phục hồi những giếng nước đã bỏ đi hơn chục năm, người dân còn đào cả nền nhà để xây bể chứa nước.

Không chỉ phục hồi những giếng nước đã bỏ đi hơn chục năm, người dân còn đào cả nền nhà để xây bể chứa nước.

"Hàng ngày chỉ dám xin một vài xô nước"

Không chỉ phục hồi những giếng nước đã bỏ đi hơn chục năm, nhiều người dân phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) còn đào cả nền nhà để xây bể chứa nước đối phó với trình trạng thường xuyên mất nước trong thời gian dài.

Trong những ngày Hà Nội nắng nóng, nguồn nước của nhiều hộ dân phường Mỹ Đình 1 “cạn kiệt” khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Chiều 15/8, phóng viên có mặt tại tổ 12, 13 phường Mỹ Đình để tìm hiểu về thực trạng mất nước ở đây. Theo phản ánh của người dân, đợt mất nước gần nhất kéo dài gần 1 tháng nay (từ ngày 25/7 – 15/8) vẫn chưa có nước.
 

Trước tình trạng mất nước, chiếc giếng khoan của gia đình bà Nguyễn Thị Tú được phục hồi lại sau hơn 10 năm bỏ không để cấp nước cho hàng chục hộ dân quanh đây.

Tình trạng mất nước kéo dài tại đây khiến cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn. Đa phần các hộ gia đình phải chấp nhận sử dụng nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Vì mất nước kéo dài, cả tháng nay, từ người lớn đến trẻ nhỏ phải thức đêm để bơm nước nhưng cũng chỉ nhỏ giọt.

"Chúng tôi đã phản ánh lên đơn vị cung cấp nước nhưng cũng chỉ được 1-2 hôm lại đâu vào đấy”, bà Bạch Thị Quế (70 tuổi) cho biết.
 

Chị Huệ hàng ngày xác xô đi xin nước để phục vụ sinh hoạt cho gia đình 4 người.

Cũng theo bà Quế, chiếc giếng khoan ở cuối ngõ là của gia đình đã bỏ không chục năm nay. Tuy nhiên, trước cảnh mất nước kéo dài và liên tục gần đây, gia đình bà đã phục hồi lại để lấy nước sinh hoạt.

“Nhiều hộ gia đình quanh đây không có giếng khoan đều phải đến để nhờ bơm. Việc bơm nước diễn ra suốt ngày. Nhà này xong, lại đến lượt nhà kia. Khổ nhất là những gia đình không có bể chứa phải dùng xô chậu đi múc nước”, bà Quế cho hay.
 

Trong mỗi gia đình, những thùng dự trữ nước là không thể thiếu.

Cùng chung cảnh mất nước sinh hoạt, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (phường Mỹ Đình 1) hàng ngày cũng phải mang xô đi xin nước giếng khoan tại khu nhà trọ sinh viên bên cạnh.

“Gia đình tôi chỉ có 2 người lớn, 2 trẻ nhỏ, việc sinh hoạt hàng ngày không cần đến số lượng nước lớn. Nhưng, để có nước tắm giặt hàng ngày, tôi phải đi xin nước của nhà bên cạnh. Mỗi ngày chỉ xin vài xô chứ không dám xin nhiều vì trong ngõ cũng nhiều người xin như mình”, chị Huệ nói.

Mặc dù biết chất lượng nước giếng khoan không được đảm bảo nhưng để khắc phục tình trạng mất nước kéo dài, người dân phải “nhắm mắt” sử dụng.
 

Dây ống loằng ngoằng khắp ngõ, xô chậu luôn sẵn sang…

“Nhiều khả năng là do nước nhiễm asen, nước ở đây khi bơm lên thường có mùi tanh và đồ dùng bị xám khi qua sử dụng nước.

Cho nên khi bơm lên phải mua máy lọc về xử lý nhưng vẫn sợ không dám lấy nấu ăn mà chủ yếu để tắm giặt”, bà Nguyễn Thị Tú (SN 1959, phường Mỹ Đình 1) cho biết.

Đào nhà xây bể chứa nước

Đi vào nhiều ngõ khác tại tổ 12 phường Mỹ Đình 1, chúng tôi bắt gặp các công trình đào bể chứa nước đang còn ngổn ngang. Tại số nhà 258 đường Mỹ Đình, hộ gia đình này đang phải ngừng mọi hoạt động kinh doanh do đang đào bể chứa nước giữa nhà.
 
“Trước đây nhà tôi xây không có bể dự trữ nước dưới nền nhà. Đến nay, tình trạng cấp nước sạch không liên tục, lúc có lúc không khiến cho việc sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn.
 
Đặc biệt, nhiều lúc có nước thì nguồn nước lại yếu không đẩy lên bình trên mái nhà. Do đó, phải xây bể chứa dưới nhà để khi có nước sẽ dự trữ được và dùng máy bơm để đẩy lên bể trên”, chủ nhà chia sẻ.
 

Nhiều hộ gia đình phải xây thêm bể chứa nước ngầm để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên diễn ra.

 
Cùng ở trong phường Mỹ Đình I, hàng trăm hộ dân tại thôn Nhân Mỹ cũng rơi vào tình trạng mất nước, thiếu nước sạch sử dụng.
 
Theo bà Nguyễn Thị Lan (tổ 1, phường Mỹ Đình 1) cho hay: “Tình trạng thiếu nước sạch diễn ra nghiêm trọng nhất trong 2 tháng gần đây. Nguồn nước về các hộ dân trong tổ thường rất ít và thường xuyên bị mất 2-3 ngày liên tiếp. Lần mất gần đây nhất rơi vào lúc vỡ ống nước Sông Đà lần 13 (ngày 13/8 – PV)”.
 
Cũng theo bà Lan chia sẻ, để khắc phục tình trạng trên, nhiều hộ dân phải sử dụng lại nước giếng khoan để sinh hoạt. Người dân ở đây phải mua nước đóng thùng về để ăn uống hàng ngày.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, các hộ dân trên đều sử dụng nước sạch của Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Đình ,địa chỉ tại Đội 6 Sông Đà 2.
 
Trước đó, vào khoảng 3h30ngày 13/8, đường ống dẫn nước sông Đà lại bị vỡ tại vị trí km28+650 trên đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Thạch Thất (Hà Nội).
 
Đây là lần thứ 13 đường ống nước sông Đà bị vỡ. Được biết, việc vỡ ống đã ảnh hưởng đến khoảng 70 nghìn hộ dân thủ đô. Tới chiều tối ngày 14/5, nhiều nơi đã có nước sạch trở lại, nhưng nhiều nơi cũng vẫn chịu ảnh hưởng bởi nguồn nước yếu và không có nước.
 
Theo Trần Kháng (Phụ Nữ TPHCM)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.