Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị về công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi

Chiều 23/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người cao tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị về công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi-1

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam.
 
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức bảo, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn.
 
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc, tính đến tháng 06/2022, toàn Thành phố có 1.032.357 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 11,76% dân số Thành phố. Trong đó, có gần 6 vạn người có công với nước; trên 29 vạn cán bộ hưu trí; hơn 7 vạn cán bộ khoa học, trí thức văn nghệ sỹ; hơn 5 vạn là cựu chiến binh. Tổ chức Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội được hình thành ở 3 cấp: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận, huyện, thị xã và Hội Người cao tuổi cơ sở.
 
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp, Hội Người cao tuổi cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và Thành phố, tạo điều kiện cho người cao tuổi “Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.
 
Công tác chăm sóc người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Thành phố trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho trên 67.206 người cao tuổi có công với cách mạng, hơn 371.751 nghìn người cao tuổi đang hưởng lương hưu và hơn  63.374 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng... Người cao tuổi Thành phố được đi xe buýt miễn phí. Thành phố cũng có 02 cơ sở dưỡng lão của Nhà nước, 12 cơ sở dưỡng lão của các doanh nghiệp đang hoạt động.
 
Trong 5 năm (2016-2021), toàn Thành phố đã tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho trên 633.222 người cao tuổi, với tổng số tiền trên 407,3 tỷ đồng; hỗ trợ trên 252.400 lượt người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 68,5 tỷ đồng; cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trên 834.110 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 81,01%. Hầu hết Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn đã xây dựng quỹ “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”.
 
Vai trò của người cao tuổi tiếp tục được phát huy, nhất là trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19... Hiện nay, toàn Thành phố có trên 61.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở, tổ an ninh tự quản. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của Thành phố, địa phương được người cao tuổi tham gia tích cực, như bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
 

Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị về công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi-2

Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thành ủy Hà Nội và kết quả công tác người cao tuổi trên địa bàn Thành phố trong những năm qua. Đồng chí cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác người cao tuổi trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường xây dựng tổ chức hội vững mạnh, từ Thành phố đến quận, huyện, xã phường, các tổ dân phố để cùng chung tiếng nói, cùng hành động với cấp ủy, chính quyền, với nhân dân. Cùng với đó, quan tâm hơn nữa công tác vận động, tập hợp hội viên; tiếp tục cấp thẻ hội viên hội người cao tuổi; quan tâm, phối hợp giữa hội người cao tuổi với các sở, ngành của Thành phố trong quá trình hoạt động; chỉ đạo để phát huy vai trò người cao tuổi tham gia trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh trật tự tại thôn, tổ dân phố, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh...
 
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dân tộc ta có truyền thống “kính già, yêu trẻ”, thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn và tình cảm thương yêu sâu sắc đối với người cao tuổi. Đây cũng là tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Thành phố khi xây dựng cũng như triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi thời gian qua. 
 
Thông tin về tình hình công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, Bí thư Thành ủy trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đối với  các cấp Hội Người cao tuổi Thành phố; đồng thời, khẳng định, những kết quả mà Thành phố đạt được đều có sự đóng góp rất quan trọng của người cao tuổi. 
 
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chính sách đối với người cao tuổi hiện thành, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, báo cáo nhằm bổ sung, hoàn thiện để chăm sóc, bảo vệ cũng như phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của người cao tuổi trong xã hội. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống y tế nhằm chăm sóc tốt hơn nữa sức khoẻ người dân nói chung, trong đó có người cao tuổi. Trước mắt từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ đầu tư mạnh nhằm nâng cấp hệ thống y tế, ngoài đầu tư cho cơ sở, Thành phố xây dựng một số bệnh viện đa khoa lớn, trong đó, có một Bệnh viện Lão khoa quy mô 300 giường bệnh với mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng tại huyện Sóc Sơn.
 

Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị về công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi-3

Hội Người cao tuổi Việt Nam trao tặng 100 triệu đồng hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội

Ghi nhận và thống nhất những ý kiến cũng như đề xuất, kiến nghị tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo xem xét, có biện pháp giải quyết cụ thể, phù hợp. Ban Dân vận Thành ủy nghiên cứu, xây dựng sớm trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Dự thảo Chỉ thị nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cấp Hội Người cao tuổi Thành phố, tăng cường bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, vị trí của người cao tuổi trong đời sống xã hội Thủ đô.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố tiếp thu những ý kiến đóng góp, định hướng của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam trong tổ chức các hoạt động, phong trào; tranh thủ tối đa các nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng nghiên cứu tham mưu, đề xuất với thành phố về các cơ chế, chính sách nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trên địa bàn.  
 
Nhân dịp này, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trao tặng 100 triệu đồng cho Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội để hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Theo Hanoi.go.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2853274/ha-noi-se-ban-hanh-chi-thi-ve-cong-tac-cham-soc-bao-ve-va-phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-cao-tuoi.html?

người cao tuổi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.