Hãi hùng sán "đóng ổ" trong não bệnh nhân 16 tuổi

Búi sán dải heo "to bằng quả chôm chôm" như theo mô tả của bác sĩ, “đóng ổ” trong não bệnh nhân 16 tuổi suốt một thời gian dài.

Búi sán dải heo "to bằng quả chôm chôm" như theo mô tả của bác sĩ, “đóng ổ” trong não bệnh nhân 16 tuổi suốt một thời gian dài.

Sáng 31/3, bác sĩ Phan Minh Trí - khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, đơn vị vừa tiến hành ca phẫu thuật lấy ổ sán dải heo khá lớn nằm trong não của bệnh nhân A Lý H. ( (16 tuổi, người dân tộc Xơ-đăng, ngụ thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum).
 
Theo bệnh án, hơn 3 tháng trước, H. vào điều trị tại bệnh viện địa phương trong tình trạng đau đầu dữ dội. Khi được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã tiến hành chụp MRI và phát hiện có “khối bướu” đường kính hơn 5cm trong hộp sọ bệnh nhân.
 

H. sau ca mổ. Ảnh: Quốc Ngọc.

Bác sĩ Trí cho biết, do mắc chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh nên thể trạng bệnh nhân khá yếu, suy dinh dưỡng. Dù đã 16 tuổi nhưng H. trông như trẻ mới lên sáu với cân nặng chỉ hơn 20 kg, cao 1,2 m.

“Tình trạng suy kiệt của em không cho phép tiến hành một cuộc phẫu thuật quá lớn. Có lúc tưởng chừng như chúng tôi đã buông xuôi. Tuy nhiên, sau nhiều ngày được chăm sóc tại bệnh viện, sức khỏe của bệnh nhân khá lên. Chúng tôi đã quyết định phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Nhân dân 115 tiến hành ca mổ vào ngày 24/3”, bác sĩ Trí chia sẻ.

Trong ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã lấy ra một khối nang, bên trong chứa dịch, rất nhiều khe, to bằng quả chôm chôm. Đáng chú ý, khi cắt khối nang này ra, các bác sĩ phát hiện có ấu trùng sán dải heo bên trong.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1, sán dải heo có nhiều trong phân, chất thải của heo. Khi thải ra môi trường sẽ xâm nhập vào nguồn nước. Nếu uống nước không được đun sôi, sán dải heo có trong nước sẽ dễ dàng nhiễm vào máu và theo máu lên não bệnh nhân. Trường hợp ăn thịt heo không được nấu chín cũng dễ bị sán này xâm nhập vào cơ thể.

Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, ký sinh trùng gây nhiều thể bệnh và có thể “đóng ổ” ở bất kỳ đâu trong cơ thể người. Nếu vào não, ký sinh trùng sẽ gây động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức kèm nhức đầu dữ dội. Ấu trùng có thể “cư trú” ở mắt gây nang trong mí mắt, trong hốc mắt, kết mạc gây chèn ép sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực, chảy nước mắt, song thị, mù… Nếu “cư trú” ở cơ vân thì sẽ xuất hiện các nang dưới da với kích thước 0,5-2cm, di động, không ngứa, dễ nhầm lẫn với hạch. Các nang này thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực gây giật cơ, đau đầu mãn tính. Có khi nang ấu trùng ở cơ tim làm tim đập nhanh, bệnh nhân khó thở, dễ ngất xỉu.

Hiện tại, bệnh nhân H. đã giảm triệu chứng đau đầu, có thể ngồi, vết mổ khô. Tuy nhiên, bệnh nhân phải được tiếp tục theo dõi tình trạng miễn dịch, tăng thể trạng để có phương án điều trị hậu phẫu thích hợp. Qua trường hợp này, bệnh viện Nhi đồng 1  lưu ý phụ huynh nên chú ý giữ vệ sinh cho trẻ, ăn chín uống sôi tránh tình trạng lây nhiễm sán.
 
Theo Quốc Ngọc (Tiền Phong)

bệnh nhân

sán trong não


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.