Những người không có Tết ở "lá chắn COVID-19 cuối cùng" của Hà Nội: Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời!

2 năm qua, từ khi bắt đầu lao vào cuộc chiến giành giật sự sống cho F0, anh bác sĩ trẻ Lê Văn Thiệu (SN 1989, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chưa dám nghĩ sẽ được về ăn Tết trọn vẹn 1 ngày với gia đình. Đôi lúc anh nói vui rằng mong ước của anh là được "thất nghiệp".

Những ngày cận Tết Nguyên đán với các y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có chút gì đó khá buồn, vì những năm chưa có dịch, những bác sĩ ở lại trực Tết sẽ được lãnh đạo bệnh viện đi khắp các phòng chúc Tết và lì xì, ngoài ra còn được đón Tết cũng bệnh nhân tại đây. Nhưng 2 năm nay thì khác.

Ở nơi không có khái niệm Tết

2 năm qua Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương luôn trong tình trạng "đầy ắp" bệnh nhân. Đặc biệt những tháng gần đây, Hà Nội ghi nhận mỗi ngày hàng nghìn ca bệnh. Các y, bác sĩ tại đây lúc nào cũng phải luôn tay, luôn chân theo dõi bệnh nhân, có nhiều lúc các bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ vội vàng qua cấp cứu.

Những người không có Tết ở lá chắn COVID-19 cuối cùng của Hà Nội: Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời!-1

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội này có những nhân viên y tế tình nguyện "bỏ Tết" tham gia chống dịch, có người chẳng có khái niệm Tết. 2 năm, ngoài căng thẳng với những bệnh nhân F0 bất chợt trở nặng, các anh chị em y bác sĩ không được hưởng không khí Tết vì khoa phòng nào sẽ biết khoa phòng đó do sợ nhiễm COVID-19.

Tết năm nay đối với bác sĩ trẻ Lê Văn Thiệu (SN 1989, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) anh chắc như đinh đóng cột là "sẽ đón Tết trong bệnh viện".

"Mỗi bác sĩ trung bình mỗi ngày nhận 20-30 ca bệnh nhân COVID-19, đặc biệt trong đợt này cơ cấu bệnh nhân thay đổi, bệnh viện chỉ nhận những ca F0 nặng, còn nhẹ thì đã được điều trị tại nhà. Chính vì thế, áp lực cho các bác sĩ cũng nặng nề hơn", bác sĩ Thiệu cho hay.

Áp lực nhất chắc phải kể đến hơn 1 tháng anh Thiệu vào nam chống dịch. Anh kể, ngày 9/9/2021, anh cùng 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng của bệnh viện xung phong lên đường vào chi viện cho TPHCM. Cả đoàn làm việc tại Khoa cấp cứu bệnh nhân nặng và khu chăm sóc và điều trị COVID-19 lầu 3, Bệnh viện 30/4, nơi có khoảng 150 bệnh nhân COVID-19.

Những người không có Tết ở lá chắn COVID-19 cuối cùng của Hà Nội: Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời!-2

Câu chuyện mà anh nhớ nhất đó là ngày 10/9 (sau khi vào TP.HCM tiếp nhận việc một ngày) thì anh tiếp nhận bệnh nhân N.V.T và ba của anh T. - cụ N.V.L vào đúng thời điểm mưa gió lớn.

Khi ấy, anh T. có triệu chứng ho khan, còn ông L. sốt nhẹ, mất khứu giác. Hai ba con được sắp xếp nằm cùng buồng bệnh. Khoảng 5 ngày thì tình trạng phổi của người cha xấu đi, cần can thiệp thở oxy, chuyển sang phòng cấp cứu.

Đến ngày 20/9, người con đủ thời gian không xuất hiện triệu chứng bệnh, 2 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính; trong khi người cha vẫn dương tính, chưa cai được oxy. Tôi có thông báo anh T. sẽ được xuất viện vào hôm sau. Tuy nhiên, anh T. tha thiết xin ở lại.

Hỏi ra mới biết, anh T. trước đó vẫn cố gắng đi làm và không may mắc bệnh, sau đó lây cho cả gia đình. Các thành viên khác không có triệu chứng nên điều trị tại nhà, còn anh và người cha phải nhập viện. 

"Anh T. lúc đấy rất ân hận và lo lắng cho ba nên muốn được ngày ngày theo dõi, chăm sóc ông. Sau đó, tôi giải thích kỹ cho bệnh nhân T. về tình trạng của người cha. Sau khoảng 15 phút trò chuyện, anh T. mới bình tĩnh và yên tâm.

Những người không có Tết ở lá chắn COVID-19 cuối cùng của Hà Nội: Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời!-3

1 tháng chống dịch trong TP HCM hay điều trị bệnh nhân F0 tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, áp lực lớn nhất là khi bác sĩ, nhân viên y tế trở thành F0, bị loại khỏi cuộc chiến, để lại gánh nặng cho đồng đội. Vì chúng tôi là một ê-kíp. Thiếu bất kỳ ai cũng tạo ra khoảng trống chuyên môn.

Với tôi, hình ảnh một nhân viên y tế, đồng nghiệp nửa đêm nhận được tin trở thành F0 bê đồ vào khu bệnh nhân trở thành bệnh nhân là hình ảnh khiến tôi cảm nhận rõ sự khốc liệt của trận chiến này", anh Thiệu nhớ lại.

Còn vài ngày nữa là đến Tết, nhưng với tình hình hiện tại hoặc tùy theo diễn biến của dịch các y bác sĩ sẽ có lịch nghỉ Tết. Tuy nhiên, khả năng cao họ sẽ không được nghỉ Tết, các bác sĩ được huy động hết trong bệnh viện mà không về nhà.

Tôi chỉ ước em bé đợi ba về hãy chào đời

Giữa tháng 10/2021, anh cùng đồng đội được lệnh rút khỏi TP HCM về lại bắc chống dịch, đúng như mong ước của anh là được "thất nghiệp" trở về nhà. 

"Tôi chỉ ước em bé đợi ba về hẵng chào đời vì khi đó vợ tôi bầu em bé thứ 2 đã 35 tuần tuổi. Thật may, sau 2 tuần cách ly trở về nhà được 1 ngày, vợ tôi chuyển dạ và sinh vào tối 30/10. Em bé nghe được tâm tư của tôi thì phải.

Đây cũng là ngày sinh nhật của tôi, cảm xúc vui không thể tả nổi, 2 ba con trùng ngày sinh nhật với nhau", anh Thiệu cười.

Những người không có Tết ở lá chắn COVID-19 cuối cùng của Hà Nội: Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời!-4

Sau khi vợ sinh, mãi nửa tháng sau anh mới xin nghỉ phép thai sản được 3 ngày về quê cùng vợ. Sau đó lại tiếp tục lao vào cuộc chiến giành giật sự sống cho F0 từ đó đến giờ. Những ngày sau đó, anh tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân F0, đến ngày 17/12 thì chuyển về khoa sản, vì lượng bệnh nhân F0 tăng lên, nhưng các bác sĩ ở khoa thì không có nhiều chuyên môn điều trị COVID-19.

"Cũng may vợ làm cùng nghề nên rất hiểu, như hồi quyết định xung phong vào nam chống dịch là tôi giấu vợ vì sợ vợ lo lắng. Nhưng công tác trong ngành y 5 năm rồi, nên gia đình rất hiểu. Tôi cũng rất cảm ơn vì điều đó", anh Thiệu nói.

Kể từ khi được gặp con mới chào đời, đã gần 3 tháng bác sĩ Thiệu chưa được gặp con và vợ. Cảm giác nhớ nhung nhưng không được ở gần với anh bác sĩ trẻ khá khó chịu. 

Những người không có Tết ở lá chắn COVID-19 cuối cùng của Hà Nội: Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời!-5

"Bình thường tôi sẽ dành 5-10 phút mỗi ngày để gọi điện về nhà rồi lại bắt tay vào việc chăm sóc bệnh nhân F0. Cứ như vậy, mỗi ngày tôi và vợ vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau. Nhưng cũng có nhiều hôm tôi bận, hoặc vợ bận chăm con cả 2 quên mất không gọi cho nhau, thì ngày hôm sau phải gọi sớm để hỏi thăm.

Năm nay chắc sẽ là cái Tết buồn nhất, gần như không còn Tết nữa vì người bệnh không khỏe được vào những ngày này, và bệnh viện vẫn phải tiếp nhận những ca bệnh mới nhập viện vào những ngày đầu năm mới.

Sang năm tới chúng ta tưởng tượng chỉ toàn COVID là COVID, vì hiện tại lượng người mắc khá là nhiều, từ đó cũng có thể sinh ra những biến thể mới và chúng ta không thể biết được mức độ nguy hiểm từ nó như thế nào", bác sĩ Thiệu chia sẻ.

Ước mơ lớn nhất ở "nơi không có Tết": Chỉ mong con đợi ba về rồi hãy chào đời! - Ảnh 6.

Theo Nhịp Sống Việt 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/nhung-nguoi-khong-co-tet-o-la-chan-covid-19-cuoi-cung-cua-ha-noi-chi-mong-con-doi-ba-ve-roi-hay-chao-doi-22202230119474503.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.