13 năm tiền trực, phụ cấp của y bác sĩ không thay đổi, thấp nhất 15.000 đồng

Mức tiền trực, phụ cấp của nhân viên y tế từ năm 2011 tới nay chưa thay đổi, trong khi đó lương cơ sở đã 8 lần điều chỉnh.

Sau ca trực dài, bác sĩ Nguyễn Hoàng (công tác tại 1 bệnh viện hạng 2 ở Hà Nội) mệt mỏi bước ra khỏi bệnh viện. Anh và đồng nghiệp vừa tham gia tua trực cuối tuần kéo dài từ 7h30 sáng Chủ nhật tới thứ Hai. Ngày cuối tuần, các gia đình cho con đi chơi, về thăm ông bà nhưng bác sĩ Hoàng phải trực theo lịch. 

Hai vợ chồng anh Hoàng đều làm trong ngành y nên 2 con gái đã quen với việc bố mẹ trực đêm, trực cuối tuần. Nói về tiền trực, bác sĩ Hoàng buồn bã: “Chúng tôi đi làm vì trách nhiệm nghề nghiệp, nếu nói tới tiền trực sẽ không ai muốn đi làm”. Số tiền trực cuối tuần là 115.000 đồng/ngày (24 tiếng) đã bao gồm tiền ăn, ngày thường là 67.000 đồng. 

Bác sĩ Phạm Hoàng Thiên (từng công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia định TPHCM) cho biết anh làm tại Khoa Cấp cứu, bệnh viện hạng 1 của thành phố đông dân nhất cả nước nhưng một tua trực đêm, bác sĩ được phụ cấp gần 80.000 đồng/12 tiếng. Một tháng, nam bác sĩ này ước tính trực 7 ngày được nhận gần 700.000 đồng. Nhân viên y tế tự gọi đồ ăn đêm về, nhiều người mang thực phẩm từ nhà. Một số bác sĩ trẻ ăn tạm gói mì tôm rồi bước vào làm việc đến hết ca.

Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết hiện nay các bệnh viện chi trả tiền trực theo Quyết định số 73/2011. 13 năm qua, 8 lần điều chỉnh lương cơ sở nhưng mức phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn giữ nguyên, đây là thiệt thòi cho y bác sĩ.

Theo ông Thành, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến và dự kiến đề xuất mức phụ cấp sẽ tăng theo lương cơ sở. 

Hiện tại, một ca mổ đặc biệt kéo dài cả chục tiếng nhưng bác sĩ chỉ được nhận 280.000 đồng phụ cấp dù vật giá đã thay đổi liên tục.

Chế độ phụ cấp đối với người lao động thường trực 24/24 giờ như sau:

Theo hạng cơ sở y tế Số tiền/phiên trực/đồng
Bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt 115.000
 Bệnh viện hạng II 90.000
Các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương 65.000
Trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y 25.000

Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ hưởng 50% mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.

Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ hưởng 75% mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.

Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực.

Phụ cấp 1 ca phẫu thuật phân chia theo mức độ cụ thể:

Đối tượng Mức phụ cấp (đồng/người/phẫu thuật)
Loại đặc biệt Loại 1 Loại 2 Loại 3
Người mổ chính, gây mê hồi sức hoặc châm tê chính 280.000 125.000 65.000 50.000
Người mổ phụ, gây mê hồi sức phụ hoặc châm tê phụ 200.000 90.000 50.000 30.000
Người giúp việc cho ca mổ  120.000 70.000 30.000 15.000

Nói về vấn đề này, bác sĩ Phạm Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, cho biết so với ngành nghề khác, mức lương ngành y rất thấp. Một đêm trực vất vả nhưng nhân viên y tế nhận 115.000 đồng. Trong khi đó, một bác sĩ học 6 năm ra trường và học thêm 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề. Thậm chí, nhiều người có thời gian học kéo dài chục năm.. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất ở TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc là áp lực kinh tế, thu nhập thấp và mong muốn tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/13-nam-tien-truc-phu-cap-y-bac-si-khong-thay-doi-thap-nhat-15-nghin-dong-2329628.html

Bác sĩ

mức lương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.