Cụ bà neo đơn 103 tuổi mòn mỏi nhiều năm chờ công nhận hộ nghèo

Từ năm 2015 đến nay, cụ bà Trần Thị Lan nhiều lần đề nghị xét duyệt hộ nghèo nhưng vẫn chưa được chính quyền sở tại chấp nhận.

Từ năm 2015 đến nay, cụ bà Trần Thị Lan (trú xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) nhiều lần đề nghị xét duyệt hộ nghèo nhưng vẫn chưa được chính quyền sở tại chấp nhận.

Tồn tại với 270.000 đồng trợ cấp

Ở tuổi 103, cụ Trần Thị Lan sống một mình trong cảnh không chồng con, không người thân ruột thịt, không bè bạn thân thích. Em trai cụ là liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cô em gái cũng đã ngoài 80 nhưng chăm chồng bệnh tật ở xa nên cũng thường xuyên qua lại thăm cụ được.

Cụ sống cô đơn trong căn nhà tồi tàn không có bất cứ một thứ đồ đạc nào giá trị. Thậm chí, cụ không có được cái nhà vệ sinh tử tế để sinh hoạt.

Cụ Trần Thị Lan sống cô đơn ở tuổi 103. Ảnh: Đình Trường

Hàng ngày, cụ Lan phải tự làm tất cả mọi việc từ nấu cơm bằng bếp củi đến chia từng viên thuốc bảo hiểm cho cái bệnh dạ dày kinh niên của mình.

Cũng bởi ăn uống kham khổ lại không có ai ở cạnh chăm sóc, trò chuyện nên thể trạng của cụ Lan bị suy giảm trầm trọng, người cụ chỉ còn da bọc xương, đôi mắt đã bị hỏng, giọng nói thều thào. Đã vậy, cụ còn bị lãng tai, nên việc giao tiếp với hàng xóm làng giếng cũng trở nên khó khăn hơn.

Mỗi tháng, cụ được trợ cấp theo chính sách tuổi già 270.000 đồng. Nhưng quá nửa trong số ấy đã phải dành ra để mua thuốc dạ dày nên việc chi tiêu hàng ngày hết sức hà tiện, khó khăn.

Căn nhà tồi tàn nơi cụ Lan ở.

Lủi thủi trong căn nhà rêu phong phủ kín hai bậc thềm, mái xi măng thủng lỗ chỗ phía trên, người ta vẫn bảo trời phú cho cụ cái sức khỏe mới có thể sống tới ngày hôm nay. Lâu lâu, cụ mừng rơi nước mắt khi có người cháu rể ở cách xa tận mấy cây số mang đến cho hộp cơm, bát cháo thịt để ăn...

"Chúng tôi thương cụ lắm, lần nào đến thăm cụ cũng khóc, cụ bảo nhiều khi tủi thân vì không ai trò chuyện cùng, có chúng tôi đến thì cụ thấy đỡ buồn nhiều hơn”, một người hàng xóm tâm sự.

Những vết dột lớn trên trần nhà.

Theo Quyết định 59/2015/Đ – TTg về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 ở khu vực nông thôn chỉ cần đáp ứng tiêu chí có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống. Chiếu theo quy định này, trường hợp của cụ Lan hoàn toàn đủ điều kiện.

Dù vậy, suốt từ năm 2016, ông Đỗ Xuân Tuấn - cháu rể của cụ Lan nhiều lần đề nghị với chính quyền xã An Nội cho cụ vào diện hộ nghèo để giúp cụ bớt khó khăn hơn cũng như có chính sách để sửa lại căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, tất cả cho đến nay vẫn vô vọng bởi đủ mọi lý do mà chính quyền đưa ra.

Những tàu lá được đắp tạm bợ xung quanh để chắn mưa bão.

Theo tìm hiểu của PV, khi bắt đầu đề nghị đưa cụ vào diện hộ nghèo năm 2015, cán bộ xã cho rằng cụ vẫn sống với em gái có mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng thì không thể là hộ nghèo được. Nhưng thực tế, người em gái này suốt một thời gian dài đi biền biệt và cụ vẫn sống một mình trong thời gian đó.

Năm 2016, để đúng với thủ tục, cụ được tách ra thành một hộ riêng biệt. Tuy vậy, trong mọi đợt xét duyệt hộ nghèo tại địa phương, hồ sơ của cụ vẫn không được thông qua, bởi một lý do rất khó hiểu: “Không được dân bầu”.

Rêu phong phủ kín nền...

Cuối tháng 6/2018, ông Tuấn tiếp tục làm đơn gửi UBND xã An Nội đề xét bổ sung cụ Lan vào hộ nghèo. Tuy nhiên, đã hai tháng trôi qua, trường hợp đặc biệt này vẫn chưa có sự hồi đáp từ phía chính quyền địa phương.

“Chúng tôi chỉ là cấp trung gian”

Để làm rõ vấn đề xung quanh việc xét duyệt hộ nghèo cho cụ Trần Thị Lan, ngày 16/8, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã An Nội (Bình Lục, Hà Nam).

Là chị gái của liệt sỹ những suốt nhiều năm cụ Lan vẫn chưa được công nhận hộ nghèo.

Lý giải về việc chậm trễ đối với trường hợp này, ông Toàn cho biết: “Cái này là do dân, bình bầu hộ nghèo là do dân bầu lên thôi, chúng tôi chỉ là cấp trung gian”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc ông Đỗ Xuân Tuấn (cháu rể cụ Lan) đã làm đơn đề nghị suốt từ năm 2016 và mới đây cuối tháng 6/2018 lại tiếp tục có đơn nữa trình bày hoàn cảnh của cụ mà không nhận được hồi đáp từ chính quyền, ông Toàn cho hay: “Chúng tôi có nhận được đơn từ gì đâu, cái này về nguyên tắc là trưởng thôn phải tổ chức họp dân, dân đồng ý thì trình lên xã mới giải quyết”.

Căn nhà siêu vẹo đón bão sắp về...

Tuy nhiên, vị phó chủ tịch xã cũng cho biết, về trường hợp của cụ Lan, xã đã nhận được đề xuất và nhất trí đề nghị với huyện để thông qua, trong thời gian tới bổ sung cụ vào diện hộ nghèo theo đúng tiêu chí của nhà nước.

Như vậy, sau hơn 3 năm, cụ Lan vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ được công nhận hộ nghèo để cuộc sống bớt khổ cực. Trong khi đó, sức khỏe cụ ngày càng yếu đi còn căn nhà luôn tối tăm do không có tiền mua điện. Nhiều người dân địa phương lo ngại, tới đây khi mưa bão ập về, căn nhà dột nát của cụ liệu có đủ sức chống chọi với thiên tai?.

Theo GiadinhNet


hộ nghèo

cụ bà


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.