Điều tra vụ 2 máy bay suýt đối đầu nhau tại ACC Hồ Chí Minh

Sự cố không lưu xảy ra giữa chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Lạt và một chuyến bay khác từ TP HCM đi Thanh Hóa, vào sáng 19-6 tại không phận Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Điều tra vụ 2 máy bay suýt đối đầu nhau tại ACC Hồ Chí Minh-1

Chiều 21-6, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết đã nhận được báo cáo sơ bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam về sự việc liên quan đến các chuyến bay HVN 1575, HVN 1557 và VJC 244 tại Phân khu 1 (Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh), có cảnh báo xung đột ngắn hạn (STCA).

Sau khi Hệ thống ATM phát tín hiệu cảnh báo, kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh để điều chỉnh quỹ đạo các chuyến bay liên quan; đồng thời, các tổ lái cũng thực hiện vòng tránh, đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Ngay khi sự việc xảy ra, kíp trực đã báo cáo. Công ty Quản lý bay miền Nam đã tạm thời đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan và tiến hành xác minh sự việc, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, khi tiếp nhận thông tin, ngay lập tức đã ra quyết định thành lập Tổ điều tra xác minh nội bộ do Trưởng ban An toàn chất lượng làm tổ trưởng để làm rõ nguyên nhân sự việc.

Tổ điều tra đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Công ty Quản lý bay miền Nam. Khi nào có kết quả chính thức, bộ phận chức năng sẽ chính thức thông tin theo quy định.

Theo báo cáo ban đầu của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, sự cố không lưu giữa chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Lạt và một chuyến bay khác từ TP HCM đi Thanh Hóa, sáng 19-6 tại không phận ACC Hồ Chí Minh.

Theo đó, khoảng 6 giờ 30, kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho máy bay HVN1575 trong hành trình từ Hà Nội đi Đà Lạt xuống mực bay 300 và sau đó huấn lệnh xuống mực bay 340, máy bay xác nhận.

Cùng thời điểm này, khoảng 6 giờ 31, máy bay VJC244 từ TP HCM đi Thanh Hóa thiết lập liên lạc với phân khu 1, báo cáo đang bay thẳng, duy trì mực bay 330. Kiểm soát viên không lưu nhận dạng máy bay và yêu cầu duy trì mực bay 330, máy bay xác nhận.

Lúc 6 giờ 34, kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho HVN1575 tiếp tục xuống mực bay 240, máy bay xác nhận lại lần 2.

Tuy nhiên, tới gần 6 giờ 35, màn hình ATM xuất hiện cảnh báo STCA (cảnh báo xung đột ngắn hạn). Ngay lập tức, kiểm soát viên không lưu hối hả cấp huấn lệnh cho HVN1575 duy trì mực bay 340, rẽ trái vì lý do traffic. Kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh cho VJC244 rẽ phải hướng bay 040o. Máy bay VJC244 thông báo có cảnh báo TCAS RA (hệ thống cảnh báo va chạm máy bay được thiết kế để giảm tai nạn do va chạm trên không giữa các máy bay).

May mắn, sau đó, khoảng 6 giờ 35 phút 45 giây, HVN1575 xác nhận đã nhận huấn lệnh xuống mực bay 240 trước đó. Tới 6 giờ 36, màn hình ATM hết cảnh báo STCA.

Đánh giá sự cố ban đầu, cả 2 máy bay HVN1575 và VJC244 cũng như các máy bay khác khi thiết lập liên lạc với kiểm soát viên không lưu phân khu 1 - ACC Hồ Chí Minh đều đã được nhận dạng và cung cấp dịch vụ radar. Tổng số chuyến bay mà kiểm soát viên không lưu kiểm soát tại phân khu 1 thời điểm đó là 12 máy bay.

Thời tiết phân khu 1 tại thời điểm xảy ra sự cố có rất nhiều mây, các máy bay xin thay đổi hướng bay nhiều lần, tần suất liên lạc giữa kiểm soát viên không lưu với các máy bay khá cao.

Đáng chú ý, kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh cho HVN1575 đang duy trì mực bay 340 xuống mực bay 240 nên dẫn tới thiếu phân cách với VJC244 đang giữ mực bay 330 và bay ngược chiều, dẫn tới hệ thống TCAS của VJC244 cảnh báo.

Tại thời điểm HVN1575 cắt qua mực bay của VJC244, hai máy bay đang đối đầu với khoảng cách gần nhất giữa 2 máy bay khoảng 8NM (nautical mile - đơn vị đo hàng không được ICAO sử dụng), tương ứng khoảng 15 km.

Theo đơn vị quản lý không lưu, khi 2 máy bay bay qua nhau, chênh lệch độ cao giữa 2 máy bay là 900 FT. Vai trò của kiểm soát viên không lưu trực hiệp đồng (PLC) và trực giám sát chưa trợ giúp cho kiểm soát viên không lưu chịu trách nhiệm.

Đánh giá ban đầu, đây là sự cố nằm trong danh mục vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các tàu bay và "báo động tránh va chạm trên không". Vụ việc phải báo cáo theo quy chế báo cáo an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam.

Đơn vị quản lý cho biết kíp trực đã tổ chức bình giảng ngay sau ca trực về sự cố trên. Công ty Quản lý bay miền Nam cũng đã tổ chức bình giảng rút kinh nghiệm tình huống trên cho toàn thể lực lượng kiểm soát viên không lưu ACC Hồ Chí Minh.

Đồng thời, không bố trí vào ca, kíp trực điều hành bay gồm kíp trưởng kíp trực, kiểm soát viên trực tiếp điều hành và trực hiệp đồng, kiểm soát viên giám sát để phục vụ công tác điều tra sự cố.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định luôn xác định điều hành bay an toàn, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay là mục tiêu hàng đầu. Lãnh đạo đơn vị luôn chủ trương không ngừng nâng cao năng lực và đảm bảo chất lượng dịch vụ bay.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích hơn 1 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên hơn 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

 

Theo Dương Ngọc (Nld.com.vn)

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/dieu-tra-vu-2-may-bay-suyt-doi-dau-nhau-tai-acc-ho-chi-minh-196240621184224645.htm

máy bay


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.