Phát huy sức mạnh Nhân dân trong giải quyết hiệu quả nhiều việc mới, việc khó

​​​​​​​Sáng 26/10, Đoàn khảo sát (nhóm 5) của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong 40 năm qua đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát tại thành phố Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng đoàn khảo sát và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc cho biết, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới, Đoàn khảo sát của nhóm 5 tiến hành khảo sát tại thành phố Hà Nội nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố. Qua đó, góp phần bổ sung hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 Đảng bộ trực thuộc và trên 475.000 đảng viên. Do đó, những thuận lợi và khó khăn của đất nước trong quá trình đổi mới nói chung, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị nói riêng cũng chính là thuận lợi khó khăn đặt ra với Hà Nội. "Thực tiễn phong phú, sinh động về hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô không chỉ là chất liệu hình thành từ đường lối đổi mới của Đảng mà còn là nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới" -  đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Trưởng đoàn khảo sát Phan Đình Trạc đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận về 3 nhóm vấn đề lớn, về: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Hà Nội thời gian qua và từ thực tiễn của Hà Nội có những đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng thời gian tới…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày cho thấy, trải qua gần 40 năm kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn. Thế và lực của Thành phố đã ngày càng vững mạnh và hình ảnh, uy tín, sức ảnh hưởng của Thủ đô được nâng cao. Đặc biệt, Đảng bộ Thành phố luôn coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Theo đó, trong nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo bằng các chương trình công tác; khắc phục tình trạng ban hành quá nhiều nghị quyết, chỉ thị, tổ chức thực hiện không tập trung, ít hiệu quả. Nghị quyết Đại hội được cụ thể hóa thành 10 chương trình công tác lớn và 9 cụm công trình trọng điểm. 

Đối với xây dựng Đảng về tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng bộ có bước phát triển, kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng. Thành ủy đã tiến hành các cuộc tổng kết lớn (10 năm, 20 năm, 30 năm, 35 năm đổi mới). Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được Thành ủy đặc biệt chú trọng, chỉ đạo triển khai đạt kết quả tích cực với nhiều công trình khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. 

Trong xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, Thành ủy Hà Nội thường xuyên coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt quan tâm đến tính đoàn kết trong nội bộ Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng. 

Việc sắp xếp, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng từ Thành phố đến chi bộ được thực hiện thận trọng, bài bản, đã sắp xếp, xây dựng nhiều mô hình tổ chức Đảng phù hợp với quy mô, tính chất và thực tiễn của Thủ đô trong từng giai đoạn. Công tác phát triển đảng viên đã được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng. Kết quả kết nạp đảng viên hàng năm đều vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Những nhiệm kỳ gần đây, số lượng kết nạp đảng viên hàng năm của toàn Đảng bộ đều vượt kế hoạch (12.000 đảng viên/năm) vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, khóa XV, XVI đề ra. 

Trong công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, qua gần 40 năm đổi mới, hệ thống quy định, quy chế trong công tác cán bộ ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn hơn. Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho đến nay.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được những kết quả rất tích cực và đóng góp quan trọng vào việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung, đối tượng, phương thức thực hiện.

Trong gần 40 năm qua, Thành ủy Hà Nội cũng luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và tiến hành "không ngừng", "không nghỉ". Thành ủy Hà Nội đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và được Trung ương đánh giá là địa phương sớm nhất cả nước thành lập Ban Chỉ đạo…

phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng


Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của Đoàn khảo sát để hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu. Trao đổi thêm về các vấn đề Đoàn quan tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo vừa bảo đảm toàn diện, vừa sâu sát, cụ thể. Đây là nhân tố quyết định giúp Thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy đã tập trung lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cấp thiết, cấp bách đáp ứng yêu cầu của nhân dân, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng. Thành phố đồng thời tư duy tầm nhìn chiến lược tập trung triển khai các chủ trương lớn mà gần đây nhất là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhờ phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu, gần dân, sát dân, Thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, từ đó, giải quyết hiệu quả nhiều việc mới, việc khó, như: giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, vẫn còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Do đó, ngày 07/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố.

Làm rõ thêm các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Theo đó, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đánh giá cán bộ rất cần thiết, tuy nhiên, cũng phải phải thể chế hóa thật rõ về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để tạo động lực cho cán bộ thực thi nhiệm vụ. Hay, để tháo gỡ vướng mắc trong xử lý các dự án có sử dụng đất, Chính phủ cần tổng hợp, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề tháo gỡ được để tổ chức đấu thầu, đấu giá thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn để phát triển đất nước...

 

Theo hanoi.gov.vn

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2860361/phat-huy-suc-manh-nhan-dan-trong-giai-quyet-hieu-qua-nhieu-viec-moi-viec-kho.html;jsessionid=FiSCEb1y+GqWUqyoLbx4+8vt.undefined?fbclid=IwAR1XChcSlQWS0Hmu9DIk0Hm9F2gQmMC9rjt85v4lz5bzoRhmalclHZSefeo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.