Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi

Nhiều nơi các gia đình, nhà trường còn nuông chiều, thậm chí buông lỏng quản lý khi giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh từ xe điện

Hiện nay trên cả nước vẫn còn tình trạng nhiều học sinh dù chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy điện đến trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Đã có không ít vụ va quệt, tai nạn giao thông xảy ra với lứa tuổi này khi sử dụng xe máy điện.

Điều đáng nói là nhiều phụ huynh còn khá thờ ơ với các quy định, “vô tình” để con em mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Với hình dáng thiết kế gọn, nhẹ, sử dụng tiện lợi, dễ điều khiển, giá cả phải chăng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, vận tốc tối đa từ 25km/giờ đến 60km/giờ (có một số xe máy điện có thể lên cao hơn), xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh.

Tuy nhiên, do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT) cho chính người điều khiển.

Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi-1

Nhiều học sinh đi xe máy điện vi phạm từ trong sân trường ra đến ngoài đường 

Trên địa bàn thành phố Hà Nội nhất là ở khu vực quanh các trường học, vào giờ tan trường, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định về trật tự, ATGT. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân nên không ít trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy dàn hàng ngang trò chuyện, chạy xe ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân các em và những người xung quanh. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không di chuyển có tiếng động rất nhỏ nên khi xe vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh… dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi khuất tầm nhìn.

Chị Phạm Thu Hương (ở Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi gần trường học, theo tôi quan sát, lượng học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện đến trường tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh những em tuân thủ quy định về ATGT thì còn một bộ phận không nhỏ học sinh vi phạm, có em ra khỏi sân trường là không đội mũ bảo hiểm nhưng phóng xe rất nhanh, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ từng tốp một trên đường vô cùng nguy hiểm. Những hành vi này vừa vi phạm quy tắc giao thông vừa gây ra những hình ảnh rất phản cảm”.

Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi-2

Nhiều nơi các gia đình, nhà trường còn nuông chiều, thậm chí buông lỏng quản lý khi giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi

Ông Trần Việt Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Tôi nghĩ cần xử phạt thật nghiêm những trường hợp giao xe máy điện cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện này và những học sinh chưa đủ tuổi đã điều khiển là vi phạm quy định. Bởi phương tiện này rất nguy hiểm nếu các em không chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Nhiều lần khi đang lưu thông trên đường, tôi bị giật mình phải phanh xe gấp vì gặp học sinh đi xe đạp, xe máy điện phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là khi các em đi từ trong cổng trường ra. Các em chưa nhận thức đầy đủ về ATGT nên rất dễ gây tai nạn. Thực tế, hầu hết phụ huynh khi mua xe đạp, xe máy điện cho con, em mình chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản, còn kiến thức về ATGT, xử lý tình huống thì ít nói tới”. 

Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi-3

Học sinh điều khiển xe máy điện vi phạm nhan nhản ngoài cổng trường

Học sinh đi xe máy điện đến trường cần có điều kiện

Chị Hà Thị Thắm (thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) chia sẻ: “Mặc dù biết con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện, nhưng do trường học cách nhà xa trong khi vợ chồng tôi đi làm từ sáng sớm nên không thể đưa đón con đi học. Vì vậy, ngay từ khi con vào lớp 9, tôi đã mua xe máy điện để cháu tự đi học”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết: “Tôi biết việc cho con em đi xe điện khi chưa đủ tuổi là vi phạm, nhưng quả thực rất khó cho người dân chúng tôi bởi nhà xa trường các con vẫn cần phải có phương tiện để đi lại. Con nhà tôi và các nhà khác gần đây học lớp 8, lớp 9 đã được mua xe máy điện để đi lại cho đỡ vất vả. Tôi cũng thường nhắc nhở con điều khiển xe cẩn thận, không được phóng nhanh và luôn phải đội mũ bảo hiểm…”.

Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi-4

Học sinh đi xe máy điện vi phạm tràn lan trên phố Hà Nội

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 và xe đạp điện, xe máy điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện gây ra. Ngoài ra, hiện nay có trên 50% số học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy. Đáng lo ngại là do thiếu hành lang pháp lý nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng xe máy điện đang gia tăng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Học sinh đi xe máy điện đến trường cần có điều kiện

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, theo quy định hiện hành, học sinh từ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe máy điện, đây được xem là quy định phù hợp với thực tiễn. Việc này, đảm bảo quyền tự do đi lại của học sinh: "Học sinh là người đã đủ tuổi trưởng thành, có quyền tự do đi lại theo quy định của pháp luật. Xe máy điện là phương tiện di chuyển thuận tiện, giúp học sinh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Không phải tất cả học sinh đều có điều kiện để đi bộ hoặc đạp xe đến trường. Đặc biệt xe máy điện là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, không thải khí độc hại ra môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu".

Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi-5

TS. Nguyễn Hữu Đức

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, xe máy điện sử dụng nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Sử dụng pin lithium-ion, được sạc bằng điện. Việc sử dụng xe máy điện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió,...Tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Giúp hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức ở rất nhiều nơi học sinh điều khiển xe máy điện đến trường còn lộn xộn. Đặc biệt, khi điều khiển không chấp hành các quy định giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi không đúng quy tắc giao thông,…gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí có vụ việc phát sinh hậu quả nghiêm trọng.

"Thực tế này cho thấy ở nhiều nơi, phụ huynh, nhà trường và xã hội đang thiếu sự quan tâm đúng, thậm chí nuông chiều, buông lỏng quản lý đối với học sinh dưới 16 tuổi. Vì vậy, việc để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm cần có điều kiện. Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, cần thực hiện các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh. Các trường học cần phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để tuyên truyền, giáo dục học sinh về Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện. Các trường học cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các tuyến đường đi bộ và xe đạp an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ học sinh đi xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác đến trường", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Rất nhiều gia đình cố tình giao xe máy điện cho học sinh dưới 16 tuổi-6

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an)

Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện. Cần xem xét chất lượng của các xe máy điện, đặc biệt chú ý về tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như xe máy điện sử dụng pin lithium-ion, đây là loại pin có khả năng phát nổ nếu bị tác động bởi nhiệt độ cao, va đập mạnh hoặc sử dụng không đúng cách. Do đó, việc học sinh mang xe máy điện đến trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Thậm chí, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) cần thực hiện một số biện pháp quyết liệt như: “Khi phát hiện các trường hợp là học sinh, sinh viên điều khiển xe điện vi phạm, lực lượng CSGT sẽ tiến hành thông báo đến nhà trường để phía nhà trường có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục nghiêm khắc thông qua việc bình xét hạnh kiểm, thi đua của cá nhân học sinh, sinh viên vi phạm và tập thể lớp có người vi phạm. Tuy nhiên, quy định hiện nay, người điều khiển xe điện không bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người điều khiển các loại phương tiện này có thể chưa được trải qua những khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe an toàn. Đây chính là một trong những bất cập lớn.

"Trong thực tế, những loại phương tiện này có trọng lượng khá lớn, vận tốc tối đa có thể đạt đến 60-70km/h, nếu không có kỹ năng lái xe và không biết quy định về an toàn giao thông thì sẽ là nguồn gây nguy hiểm không kém gì các phương tiện khác", Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/rat-nhieu-gia-dinh-co-tinh-giao-xe-may-dien-cho-hoc-sinh-duoi-16-tuoi-post1128587.vov

học sinh

xe máy điện

vi phạm luật giao thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.