Từ vụ nữ sinh bỏ nhà đi ngày Tết: Cảnh giác 'cạm bẫy ngọt ngào' trên mạng xã hội

Từ vụ nữ sinh 17 tuổi ở Sơn La bỏ nhà đi cùng người lạ nhiều ngày, chuyên gia khuyến cáo các bạn nữ cần cảnh giác với bạn trai quen qua các ứng dụng mạng xã hội.

Mới đây, bà Cà Thị Xuân (43 tuổi, quê Sơn La) trình báo Công an với nội dung: Vào khoảng 15h ngày 2/2 (mùng 5 Tết), con gái bà là Quàng Hương G. (17 tuổi, học sinh lớp 11) đi khỏi nhà cùng một nam thanh niên. G. và nam thanh niên mới quen nhau qua mạng xã hội.

Đây là một trong rất nhiều vụ việc xảy ra khi học sinh, trẻ vị thành niên quen biết người lạ qua mạng xã hội, khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Nguy hiểm hơn khi các đối tượng xấu thông qua mạng xã hội để tuyển dụng, kết bạn với thanh thiếu niên nhằm mục đích buôn người, xâm hại tình dục...

Thực tế, nhiều vụ việc đã được lực lượng công an triệt phá, xử lý nghiêm. Điển hình, vào tháng 8/2023, Công an huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Vi Hồng Luân (22 tuổi, ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) về hành vi mua bán người sau khi đối tượng này tuyển người trên Facebook rồi lừa bán 3 cô gái với giá 20 triệu đồng.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, tháng 8/2024, TAND tỉnh này tuyên xử về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với bị cáo L.C.H. (18 tuổi) trú huyện Long Thành sau khi đối tượng này lên Facebook và làm quen với cháu N.K. (14 tuổi) rồi nảy sinh tình cảm yêu đương, dẫn đến quan hệ tình dục.

Trước các vụ việc trên, Bộ Công an và Công an các tỉnh, TP nhiều lần cảnh báo các thủ đoạn những đối tượng xấu thường sử dụng để người dân phòng tránh.

Riêng về hoạt động tội phạm lợi dụng mạng xã hội để mua bán người, cơ quan chức năng cho biết: Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là dụ dỗ, tạo niềm tin, kết bạn làm quen qua mạng xã hội, rủ đi du lịch, mua sắm, tìm việc làm.

Thậm chí, đối tượng còn tìm về tận quê nhà nạn nhân, trao đổi cùng gia đình về cơ hội công việc ở thành phố để đưa nạn nhân di chuyển qua nhiều tỉnh và bán cho các cơ sở kinh doanh có điều kiện tại nhiều địa phương.

Trả lời VietNamNet, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Thanh Thuận (TP Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Tâm lý của trẻ vị thành niên khá phức tạp, dễ gây ra việc cảm xúc xuất hiện trước hành vi và suy nghĩ chưa thấu đáo dễ đưa ra những quyết định bồng bột.

Theo bà Thuận, học sinh ở độ tuổi vị thành niên đang xuất hiện một mâu thuẫn đó là cơ thể lớn, phát triển tuy nhiên nhận thức chưa đủ để đưa ra quyết định thấu đáo, dẫn đến dễ có những sai lầm.

Để giảm thiểu, phòng tránh những hệ lụy khi sử dụng mạng xã hội như những vụ việc đã xảy ra, theo bà Thuận, các bậc phụ huynh và các em học sinh cần quan tâm về dinh dưỡng, giấc ngủ và tham gia các hoạt động thể thao, trải nghiệm. Từ đó các em biết lên kế hoạch về học tập, công việc có sự hỗ trợ của phụ huynh.

Đồng thời, các bậc phụ huynh cần nắm bắt, hiểu đặc điểm của trẻ trong giai đoạn này và lắng nghe tích cực từ phía các con.

Đặc biệt, bà Thuận lưu ý thêm, ở các khu vực vùng cao, miền núi còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh sự chăm sóc của phụ huynh học sinh cần có sự chung tay của nhà trường, địa phương tạo các hoạt động cộng đồng, ngoại khóa để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra với các học sinh, trẻ vị thành niên.

TS tâm lý, giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội) cũng cho hay, từ 0 – 22 tuổi là giai đoạn não con người phát triển, hoàn thiện.

Trong quá trình này, các tác động bên ngoài có thể gây ra những phản ứng tiêu cực cho não. Sử dụng điện thoại, tivi quá nhiều có thể khiến các con bị suy giảm trí nhớ, tư duy kém nhạy bén... Ngoài các vấn đề sức khỏe, các vấn đề tâm lý và tính cách của trẻ khi sử dụng thiết bị điện tử, tham gia mạng xã hội cũng không hiếm gặp.

Vậy nên, cha mẹ, nhà trường cần giáo dục, trang bị kỹ năng cho trẻ để trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Chuyên gia cho hay, những buổi thảo luận, hướng dẫn các con sử dụng mạng xã hội là luôn cần thiết.

Trẻ cần biết các nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng mạng xã hội từ các kiến thức đó, cha mẹ và nhà trường hướng dẫn trẻ bỏ qua hình ảnh gây tò mò mạnh mẽ vì chúng có thể là cái bẫy nguy hiểm với trẻ.

Các con cũng cần tạo thói quen không trả lời tin nhắn kết bạn trên các trang mạng xã hội, trừ người thân hay bạn bè của con ở ngoài đời. “Thực và ảo” được gắn lại làm một sẽ dễ dàng kiểm soát tình hình hơn là các nhân vật ảo mà chúng ta không biết là ai.

Các con cũng cần biết từ chối các lời mời hẹn gặp khi chưa xác minh được thông tin về đối phương. Khi có các buổi tụ họp đã được xác minh cẩn thận, các con cũng nên rủ bố mẹ đi cùng để đảm bảo an toàn.

Các cơ quan chức năng nên tổ chức những buổi gặp gỡ, hướng dẫn cha mẹ cách quản lý thời gian và nội dung sử dụng mạng xã hội của trẻ.

Với sự hướng dẫn kĩ thuật từ các chuyên gia, cha mẹ sẽ có cách thức quản lý thời gian và nội dung mạng mà con tham khảo cũng như các trang mạng mà con tham gia hoạt động.

“Cha mẹ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các con được làm việc nhà, được vui chơi tập thể cùng bố mẹ, anh chị em, bố trí thời gian sinh hoạt, học tập và vui chơi của các con cho hợp lý. Nhà trường, cần thiết tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận với học sinh về các vấn đề các con hay gặp phải trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ bạn bè”, chuyên gia nói thêm.

Theo số liệu khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2022, Việt Nam có 82% trẻ em 12-13 tuổi và 93% trẻ em 14-15 tuổi sử dụng internet hàng ngày.

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngoài thời gian học, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội 5-7 giờ mỗi ngày. Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

 Theo VietNamNet

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/tu-vu-nu-sinh-bo-nha-tu-mung-5-tet-canh-giac-ban-trai-quen-qua-mang-xa-hoi-2369246.html

mất tích

nữ sinh


Tung tin sai sự thật 'sắp có bạo loạn', nam thanh niên bị phạt 7,5 triệu đồng
Nguyễn Hữu Vương (23 tuổi, trú thôn 9, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vừa bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi tung tin sai sự thật trên không gian mạng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.