Bầu bí nhưng ham việc, con dâu bầu 7 tháng vẫn làm việc quần quật đến 1 giờ sáng mới nghỉ

Mấy nay lên mạng đọc nhiều vụ mẹ bầu đột quỵ thương tâm quá, nghĩ đến cảnh con dâu mình từng như vậy đến giờ tôi vẫn còn ân hận, day dứt.

Con dâu về nhà chồng được 13 tháng thì có bầu, con không bị ốm nghén nên rất khỏe mạnh. Chính vì thế, mọi công việc vẫn làm bình thường.

Con trai tôi làm công sở sáng đi tối về còn con dâu bán hàng online. Con nhập giầy thể thao về bán và rất đắt khách nên phải thuê thêm 2 nhân viên phụ. Ngày nào con cũng phải làm việc đến 10 giờ đêm.

Bận bán hàng nhưng sáng trưa tối con dâu đều nấu nướng cho bố mẹ chồng chu đáo. Hôm nào bận quá không nấu được, con luôn gọi đồ bên ngoài về cho chúng tôi ăn. Nhiều lúc thấy con bận quá, chúng tôi bảo không cần bận tâm sẽ tự lo ăn uống nhưng con nói:

“Ông bà đều đi làm công nhân, giờ giấc phụ thuộc vào người ta nên đến giờ mới về nhà được. Mọi chuyện ở nhà bố mẹ cứ để con, con lo được”.

Bầu bí như vậy nhưng bận khách nên con dâu ăn uống thất thường lắm. Có khi con ăn sáng lúc gần trưa, ăn bữa trưa vào 4-5h chiều, bữa tối thì toàn 9-10 giờ đêm. Ăn xong, 2 nhân viên về thì con lại tắm giặt và ngồi cộng sổ sách đến tận khuya. Thấy con bận rộn như vậy, tôi và con trai đi làm về lại giúp lau dọn nhà cửa, sắp xếp lại hàng hóa lên kệ gọn gàng.

Bầu bí nhưng ham việc, con dâu bầu 7 tháng vẫn làm việc quần quật đến 1 giờ sáng mới nghỉ-1

Có những hôm thấy con dâu cộng sổ sách đến gần 12h đêm chưa đi ngủ, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi giục con đi ngủ sớm. Tôi thường bảo, bầu bí đừng ham làm quá, bớt việc đi 1 chút nhưng con bảo công việc theo guồng, giờ muốn làm ít đi cũng không được.

Có lẽ vì làm lụng luôn chân tay và ít được nghỉ ngơi như vậy nên con tăng cân trong thai kỳ rất ít. Dù vậy mỗi lần đi khám thai định kỳ, bác sĩ vẫn khẳng định thai nhi phát triển tốt. Bác sĩ chỉ khuyên con nên nghỉ ngơi nhiều hơn, có thời gian dưỡng thai tốt để không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Dù vậy con không bớt việc được, cứ bảo cố gắng cày cuốc để sớm mua được nhà cao cửa rộng, cuộc sống ổn định an nhàn sớm.

Thấy con dâu chăm chỉ vậy tôi cũng không dám can thiệp nhiều. Hôm vừa rồi con làm việc đến 1h sáng vẫn chưa xong. Thấy vậy tôi pha cho con cốc sữa nóng để con uống. Uống xong, con tranh thủ giải lao một chút và đứng bên cửa sổ nhìn ra sân nhà. Được 1 lúc con lại lao vào làm việc tiếp, làm thêm khoảng 20 phút thì con mệt mỏi bảo:

“Con mệt quá, không cố được nữa, để sáng mai con làm tiếp, con đi nằm đây ạ”.

Rồi con dâu đi nằm ngủ nhưng sau đó con rơi vào tình trạng lơ mơ, huyết áp tăng cao, mạch nhanh, co giật, buồn nôn, khó thở nên gia đình vội đưa đến viện cấp cứu ngay trong đêm.

Qua các kết quả kiểm tra đã ghi nhận con dâu mang bầu của tôi bị xuất huyết não vùng thái dương phải, thai 7 tháng vẫn còn sống khiến bác sĩ sau hội chẩn các chuyên khoa đã quyết định phẫu thuật cấp cứu lấy thai trước để đảm bảo an toàn cho thai nhi khi con dâu tôi đang diễn tiến dần hôn mê. Ca phẫu lấy thai thành công, cháu trai tôi nặng 2,3kg chào đời và chuyển đến viện nhi điều trị tiếp.

Sau phẫu thuật, con dâu tôi được chuyển đến khoa đột quỵ điều trị nội khoa tích cực, thở máy, kháng sinh, chống phù não. Cuối cùng sau mãi 5 ngày sau sinh con dâu tôi mới tỉnh lại, đã ngưng máy thở đang được điều trị và chăm sóc tại khoa đột quỵ.

Hiện cả con dâu và cháu nội tôi đều đã được về nhà và sức khỏe ổn định hơn. Nhưng tôi cứ nghĩ đến chuyện con dâu vì làm việc liên tục khi mang bầu không được nghỉ ngơi dẫn tới đột quỵ là thấy đau lòng. Vì thế mọi bà bầu đừng quá tham việc, đừng để đến khi nói câu giá như thì đã muộn.

Làm gì để phòng ngừa đột quỵ khi mang thai

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não trong thai kỳ là một bệnh cảnh đặc thù của mẹ bầu. Người ta thống kê tỷ lệ bị tai biến mạch máu não của thai phụ lên đến 30/100.000 ca sinh nở, tức là gấp 3 lần so với những phụ nữ cùng tuổi không mang thai. Trong đó, giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ và thời kỳ hậu sản là những giai đoạn có nguy cơ cao nhất.

Có nhiều cơ chế giải thích cho sự gia tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ mang thai, như sự thay đổi huyết động học của hệ tim mạch, sự thay đổi của các yếu tố đông máu, độ nhớt máu, rối loạn chức năng lớp biểu mô, viêm nhiễm trong thai kỳ… Ngoài ra, các biến chứng như tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP, huyết khối tĩnh mạch, tăng đông, thuyên tắc ối, bệnh cơ tim chu sinh… cũng được xem là yếu tố nguy cơ đột quỵ ở thai phụ.

Các dấu hiệu đột quỵ ở thai phụ cũng tương tự như ở người không mang thai. Thường gặp là đột ngột chóng mặt mất cân bằng, nhìn mờ một bên mắt, méo miệng, yếu/liệt tay chân, nói đớ, đau đầu dữ dội, lú lẫn, hôn mê.

Đặc biệt, việc điều trị tai biến mạch máu não trên thai phụ cũng đặt ra rất nhiều thách thức khi phải bảo tồn cả tính mạng người mẹ và thai nhi. Lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ, thời gian bị tai biến, vị trí, phạm vi tổn thương, tuổi của thai nhi.

 

Theo Báo PNTĐ

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisonggiadinh.baophunuthudo.vn/chuyen-gia-dinh/bau-bi-nhung-ham-viec-con-dau-bau-7-thang-van-lam-viec-quan-quat-den-1-gio-sang-moi-nghi-c73a30312.html

Hôn Nhân


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.