Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin

Bực mình với người giúp việc, nói thẳng thì sợ người ta dỗi bỏ về, không nói thì ấm ức, nhiều người đành xả bức xúc… trên mạng.

Bực mình với người giúp việc, nói thẳng thì sợ người ta dỗi bỏ về, không nói thì ấm ức, nhiều người đành xả bức xúc… trên mạng.

Điên đầu với osin tắt mắt, buôn chuyện

Với nhiều gia đình, nhất là những nhà có trẻ nhỏ hoặc người già, osin (người giúp việc) là thành viên không thể thiếu. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt với osin lại khiến gia chủ điên đầu. Im lặng thì không được, nói thẳng cũng không xong, trên một số diễn đàn thậm chí còn mở cả… chuyên đề nói xấu osin cho chị em vào xả stress. Muôn mặt những tật xấu của osin như lười biếng, thích làm việc theo ý mình, nghiện phim Hàn Quốc, nói dối… đều được chia sẻ, nhưng gây bực mình nhất là tật tắt mắt và buôn chuyện.

Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin 1

Một bà mẹ trẻ lên mạng than chuyện osin... chảnh.


Chị M.O chia sẻ trên một diễn đàn: "Điên tiết với bà osin nhà bố mẹ mình. Ông bà nội mình già yếu nên không thể không thuê người chăm sóc. Lúc đầu thuê một bà hơn cả tuổi mẹ, chuyên đời ăn vụng thức ăn, sữa và nước cam của ông bà, nhưng mời ăn đoàng hoàng thì không thèm ăn. Bánh trái, hoa quả họ hàng đến biếu ông bà, bà biết ý đã để riêng trên phòng nhưng osin vẫn thản nhiên lục ăn. Bà nhắc khéo thì cãi: 'Không ăn thì lấy sức đâu mà làm'. Một hôm bà mách mẹ thì đổ tội ngay: 'Bà lẫn rồi, toàn nói linh tinh'. Chính mình về nhà mà còn thấy ngứa mắt. Ông bà thì càng lúc càng gầy, osin thì cứ béo trắng ra, giường chiếu ông bà thì toàn bụi bẩn, rác đầy gầm giường. Nhà có osin nhưng thỉnh thoảng mẹ vẫn phải tự tay dọn dẹp, lại lôi ra một đống vỏ bánh hay hộp kẹo được nhét trên sân thượng, góc tủ, góc giường. Đến khi phát hiện ra bà này còn trộm tiền ông bà để đi đánh đề, uống rượu nữa thì mới quyết định thải".

Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin 2
Nhà chị đã đổi nhiều người giúp việc, nhưng chưa tìm được người ưng ý.

Mẹ B.C, một thành viên khác cũng góp chuyện: "Nhà mình cũng vừa cho thôi việc một chị osin. Thuê người ở tận vùng sâu vùng xa cho thật thà, ai ngờ thấy nhà mình dễ dãi, cũng tham như ai. Mỗi lần thấy mình dọn tủ quần áo là y như rằng chị ta đứng canh, thấy cái nào hơi cũ là chộp ngay xin về quê. Thế thì không sao, nhưng bực nhất là mỗi lần kiểm tra quần áo của cả nhà, thể nào cũng thấy hụt mất dăm bảy chiếc, nhất là tất của cu Bi thì toàn bị cọc cạch. Cách đây mấy hôm chị ta xin về quê thăm nhà, mình bắt đổ hết đồ ra kiểm tra thì thấy những quần áo "mất tích" và cả túi tất cọc cạnh của Bi, hỏi lại thì chị ta lại cãi 'mấy thứ quần áo này chật rồi, em có mặc vừa nữa đâu, còn đống tất thì cọc cạch sẵn (?!), chị thấy tiếc nên gom lại đem về quê'. Bực quá, mình cho nghỉ việc luôn".   

Thói đưa chuyện cũng là một tật ôsin thường mắc mà bất cứ gia chủ nào cũng dị ứng. Nói tốt, cảm thông với gia đình nhà chủ hoặc tâm sự cuộc sống với nhau thì ít, nhưng chuyện của các osin chủ yếu là nói xấu hoặc moi móc những điều rất riêng tư của các gia đình mà họ đang giúp việc.

Thành viên Mẹ C.C bức xúc kể: "Nếu không phải mình đang sắp sinh bé nữa, tìm mãi không ra được người, mình cũng chẳng để bác giúp việc này tồn tại lâu đâu. Bác ấy có tật rất buồn cười là hay lôi bé nhà mình ra đường ăn rong, từ khi bé ăn bột đến giờ đã biết ăn cơm rồi. Cuối tuần, bố mẹ ở nhà, bảo con ngồi yên trên ghế ăn là nó nước mắt ngắn nước mắt dài đòi ra đường hay sang nhà hàng xóm ngồi ăn. Mình nói thì bà cự lại: 'Trẻ con phải cho nó ra ngoài cho thoáng, giao lưu với các trẻ khác mới chóng khôn, chứ ru rú suốt ngày trong nhà làm sao tinh nhanh được'. Mình sợ bà ấy dỗi, đành để yên, ai ngờ bà osin toàn kiếm cớ cho bé đi ăn để buôn chuyện với osin các nhà khác, thăm dò từ chuyện lương, thưởng cho đến chuyện 'cô chú ấy đáng lẽ chưa muốn đẻ đâu vì năm nay không hợp tuổi, nhưng lỡ rồi đành chịu', chuyện 'mẹ chồng nhà này soi ghê lắm' cho đến việc 'chủ nhà này làm sếp, tuần nào cũng có người đến biếu quà cáp'… Một hôm, bé nhà mình đi ăn rong về còn hồn nhiên hỏi: 'Mẹ ơi bác sĩ bắt phải cưới là gì' vì nghe bà giúp việc nói chuyện với hàng xóm".

Ngậm đắng chiều osin như chiều… vong

Bực bội với nhiều tật xấu của osin, nhưng không ít chị em vẫn phải chiều osin như chiều… vong vì họ mát tay chăm con giỏi hoặc trông nom được người già.

Người giúp việc nhà chị M.Q có hoàn cảnh đặc biệt: chồng đã qua đời, hai đứa con nhỏ, đứa bé mới học lớp 3 gửi ở nhà cho ông bà ngoại nuôi nên chị rất để ý, quan tâm. Chị Q chia sẻ: "Trộm vía, từ ngày có bác, cháu tăng cân, bớt ốm, lại rất quấn quýt bác, mình đi làm về nhà thấy nhà cửa cũng tạm ổn nên những chuyện lặt vặt khác đành bỏ qua hết. Chuyện canh mặn, rau nhừ, thức ăn nấu không đúng kiểu cũng thường gặp. Tối chị ấy thường ngủ sớm, gần 9 giờ tối đã kêu buồn ngủ rồi. Sáng mình dậy từ 6 giờ sáng đi chợ, có hôm gần 7 giờ mà chị ấy vẫn chưa dậy, mình phải gọi dậy chuẩn bị bữa sáng cho con. Cuối tháng nào cũng phải thu xếp cho chị ấy về quê 3 ngày thăm con. Nhỡ hôm nào con ốm, không đến trường mầm non được, mình cũng phải xin nghỉ nửa ngày để giúp đỡ chị ấy. Nhưng mình chấp nhận hết, miễn là con mình được chăm sóc cẩn thận."

Chuyện chiều chuộng osin như chị M.Q cũng không phải là hiếm. Trên trang cá nhân của mình, chị H.N chia sẻ bực dọc về osin. Chị sắp sinh con nên nghỉ trước hai tuần ở nhà. Bụng to, không thể trông con nên chị hỗ trợ osin một số việc nhà như nấu cơm, rửa bát. Ai ngờ, bà giúp việc lên nước, hoạnh họe cả chủ nhà nấu món này món kia không đúng ý, không ngon. Chị H.N tức lắm nhưng đang ở thế yếu nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

"Ngày 2 bận nấu cơm cho rồi, thế mà vào bữa osin còn cao giọng hỏi:
- Thịt hôm nay ngọt thế? (Thịt kho tàu không ngọt thì là kho nước mắm à? Ăn được 1 miếng ngúng nguẩy không ăn nữa, bỏ nọ bỏ kia rồi đi ra đường buôn chuyện với osin nhà bên).
- Canh không cho gia vị à? (Rau luộc chứ có phải nấu đâu mà cho đẫm gia vị vào).
- Bột nấu đặc ơi là đặc (Đặc tí chứ mấy, người có phải máy đâu mà ngày nào cũng vừa vằn vặn như nhau).
Nhịn cho dĩ hòa vi quý chứ muốn chửi từ lâu rồi ý. Cái thể loại này có nên cố gắng đào tào hay đá đi cho đỡ bực mình?".


Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin 3
Không ít status than vãn về người giúp việc như thế này trên mạng xã hội.


Nhiều chị em bức xúc kể chuyện, osin nhà họ chẳng khác gì… mẹ chồng. Một thành viên hóm hỉnh kể: "bà ấy bảo các cháu cứ coi cô như là mẹ cháu là được". Không ít đôi vợ chồng trẻ ngoài 30 tuổi, ở riêng với bố mẹ, có con nhỏ nên đành thuê ôsin gần 50 tuổi. Bà osin tự coi mình là quản gia, "dạy bảo" vợ chồng chủ nhà đủ điều, từ chuyện "không được đóng bỉm cho con mà phải dùng khăn xô mà làm tã, mẹ gì mà lười thế", chuyện "có khách đến nhà phải rót trà cho chồng trước rồi mới rót cho khách chứ" hay lên lớp chủ nhà phải nuôi con thế nào cho chuẩn. 

Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin 4

Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin 5
Sắp sinh con nên người mẹ trẻ này "không dám" sa thải osin.


"Cao cơ" hơn, nhiều người giúp việc biết tầm quan trọng của mình nên đòi hỏi đủ điều. Thành viên T. T kể chuyện chi phí điện, nước, điện thoại nhà mình từ ngày có giúp việc tăng đột biến. Con chị đã lớn, nhưng bố mẹ chồng đã già nên nhà vẫn cần giúp việc. Từ ngày tìm được bà osin sàn sàn tuổi mình, chị yên tâm hơn hẳn vì osin chăm sóc bố mẹ chồng chị rất tốt, quần áo giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng ngăn nắp, "dụ" được hai cụ đi tắm thường xuyên và dỗ được hai cụ ăn.

Đổi lại niềm vui ấy, gia đình chị tháng nào cũng phải trả tiền điện tăng gấp đôi vì bà osin có thói quen bật tivi liên tục, có khi vừa nấu cơm vừa nghe tivi, có khi mở tivi cho… dễ ngủ. Bình nóng lạnh cũng được cũng được bà osin bật 24/24, mùa đông thì bảo để giặt giũ, rửa bát, lau chùi nhà cửa cho đỡ cóng tay, mùa hè thì lấy cớ chuẩn bị tắm cho ông bà. Bực nhất là tiền điện thoại, tháng nào cũng lên đến 400.000 – 500.000 đồng toàn mã vùng quê osin. Hỏi lại thì bà ta viện cớ “nhà tôi chưa có điện thoại, phải gọi nhờ nhà người ta nên còn cả thời gian chờ nữa chứ!"

Biết khó tìm người giúp việc chiều được bố mẹ chồng, chị T. T bực lắm nhưng chỉ "dám" dỗ dành, nhắc khéo để không làm bà ấy phật ý, bỏ về quê. Vợ chồng chị đành đi mua điện thoại di động riêng cho osin, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị "mơi" tiền nạp thẻ hoặc thắc mắc "sao điện thoại của tôi không có màn hình to, không có màu như của cô?"

Bức xúc, chị em lên mạng nói xấu … osin 6
Sau nhiều lần tìm kiếm osin mới, chị quyết định tự chăm con.

 

Có 1001 chuyện bực mình, xích mích với osin được chia sẻ trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, nhưng như chính các thành viên chia sẻ, nói cho đỡ tức vậy thôi, chứ muốn những bực dọc này không tái diễn, hoặc phải đổi người giúp việc cho đến khi thật ưng ý, hoặc ít cầu toàn đi, hay tốt nhất là… tự chăm sóc con và làm việc nhà.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.