“Yêu” khi mang thai, em bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ hơn
Kiêng khem nhưng chồng vẫn yêu
Chị Quỳnh Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ rằng hơn một năm sau ngày cưới chị mới mang thai nên vợ chồng chị rất kiêng khem. Tuyệt đối không gần gũi chồng suốt cả thời gian mang thai để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Được bạn bè cảnh báo chuyện các ông chồng thường “ăn chả” khi vợ mang bầu nên chị thẳng thắn trao đổi với chồng về vấn đề chính của vợ chồng lúc này là đứa con.
Cũng may chồng chị là người tâm lý nên hoàn toàn đồng ý với ý kiến kiêng… 100%. Anh dùng biện pháp “tự xử” khi có nhu cầu. Tuy nhiên, để tình cảm vợ chồng không phai nhạt, hai vợ chồng chị cùng nhau dành thời gian đi ăn bên ngoài, xem phim, thăm viếng những người bạn hay cùng đi sắm đồ cho em bé vào dịp cuối tuần. Ngoài ra, chị còn tiết lộ một bí mật nữa là “nghệ thuật nhờ chồng”. Vì lý do bầu bì nên việc lớn việc nhỏ gì chị cũng “anh ơi, anh à!”, thỉnh thoảng lại kèm theo câu khen ngợi, khiến chồng chị cảm thấy giúp vợ là hạnh phúc.
“Yêu” theo kiểu bà bầu
Khác với chị Nga, chị Ngọc Quyên (Đống Đa, Hà Nội) không cảm thấy mệt mỏi trong suốt thai kỳ, nên chị hoàn toàn không bỏ chồng “nhịn đói”, mà chị còn chủ động “chuyện ấy” với chồng. Buổi tối, vợ chồng chị cùng lên mạng tham khảo các tư thế “chăn gối” phù hợp với hoàn cảnh bầu bì. Ban đầu vợ chồng chị cũng hơi có chút e ngại nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ. Và cứ thế, “chuyện ấy” diễn ra khá suôn sẻ, không xảy ra chuyện gì lớn.
Chị còn cho biết, được chồng “yêu” trong giai đoạn mang thai đã mang cho chị cảm giác rất tuyệt vời, như “nữ hoàng” trên giường vậy. Vì mỗi hành động của anh không chỉ là thông điệp của yêu thương mà còn là cả ý thức, trách nhiệm của người sắp làm cha. Theo chị “yêu” khi mang thai, em bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ hơn. Điều quan trọng là chị luôn nói cho chồng biết chị muốn gì và thích gì trong “chuyện ấy”.
Đẹp cả khi mang bầu
Một bí quyết giữ chồng khác là phải luôn giữ hình ảnh của mình trông sạch đẹp. Chị Thanh Hằng (Q.7, TP.HCM) cho biết. Nhiều bà bầu trông rất “lùi xùi”, không quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình. Chị sắm cho mình những mẫu đầm bầu thật đẹp, tóc bới cao gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng. Nhiều lần chồng chị không ngừng khen chiếc cổ cao của chị trông rất quý phái.
Đặc biệt là chị không muốn về ở với mẹ chờ sinh như những người phụ nữ khác, chị nói thẳng với chồng là chị muốn có anh luôn bên cạnh chị từ đầu thai kỳ đến khi em bé chào đời. Cách tốt nhất giữ chồng, theo chị là chia sẻ với anh những khó khăn chị phải trải qua. Từ cảm giác đau lưng, đau ngực, sưng phù chân tay đến cả cảm hứng khi hai vợ chồng quan hệ bị giảm sút từ ngày mang bầu. Chị còn chia sẻ với anh những cảm nhận về đứa con đang lớn lên từng ngày và kéo anh sống cùng cảm giác mới lạ, hồi hộp của người sắp làm cha, làm mẹ.
Trong thực tế không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được đức lang quân tâm lý, hiểu hết tâm trạng cũng như sức khỏe của người vợ khi mang thai. Có những người đàn ông dù rất yêu vợ nhưng lại khá vụng về trong ứng xử, nhiều ông chồng lần đầu sắp làm cha cũng lúng túng và thiếu kiến thức, vì vậy người vợ luôn phải biết khôn khéo “dìu dắt” chồng cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có như vậy, dù kiêng hay không kiêng, dù chồng có khó tính hay vụng về bao nhiêu, người phụ nữ vẫn dễ tìm được sự đồng thuận, tình yêu thương của chồng, bởi giữa hai người lúc này có một giọt máu chung đang hình thành và lớn lên mỗi ngày.