Chồng mỉa mai: "Cô còn thua kém người giúp việc nên đừng kể lể công lao", vỏn vẹn 3 tháng sau anh đã được "sáng mắt"

Sau 3 tháng thuê người giúp việc, Tuấn mới nhận ra sự so sánh của mình khi trước thật quá khiên cưỡng và thiếu thấu đáo, đầy ích kỷ và nực cười.

Không ít người chồng đi làm gánh vác kinh tế gia đình đã nảy sinh tâm lý coi thường vợ ở nhà trông con, quán xuyến việc nhà. Họ cho rằng ra ngoài vật lộn với xã hội để kiếm tiền mới vất vả, khó khăn chứ ở nhà làm mấy việc lặt vặt đơn giản thì chẳng đáng kể gì.

Duyên (31 tuổi) chia sẻ do cô nhỡ kế hoạch sinh dày nên 4 năm qua đều ở nhà trông con. “Ban đầu chính chồng tôi năn nỉ vợ ở nhà chăm con để anh yên tâm phấn đấu. Con đầu lòng lên 2 tuổi, tôi quyết định đi làm lại vì đã thấm thía cảnh ở nhà trông con không hề nhẹ nhõm và vui vẻ gì. Chính anh ấy sau đó lại thường xuyên tỏ vẻ khinh thường vợ không kiếm ra tiền”, Duyên nói.

Mang thai con thứ hai ngoài dự tính nên kế hoạch đi làm lại của Duyên tạm thời phải gác lại. Có 2 con thành ra chi phí cũng đội lên rất nhiều, sự khó chịu, bất mãn của Tuấn - chồng Duyên lại càng tăng thêm.

Chồng mỉa mai: Cô còn thua kém người giúp việc nên đừng kể lể công lao, vỏn vẹn 3 tháng sau anh đã được sáng mắt-1

Ảnh minh họa

Tối hôm đó Tuấn đi nhậu với bạn về muộn. Mở mâm cơm đã nguội ngắt, anh xông vào phòng ngủ lớn giọng gọi vợ dậy hâm nóng đồ ăn. Con vừa ngủ xong lại bị bố đánh thức khiến Duyên rất khó chịu. Song cô vẫn cố nén cơn giận: “Anh tự hâm nóng lại đồ ăn nhé, nếu không có em ở đây thì con không ngủ lại được”.

Dỗ con ngủ lại xong, Duyên vừa vào bếp thì Tuấn hầm hầm tức giận chỉ tay quát: “Đi hâm lại đồ ăn đi! Cả ngày tôi mệt mỏi kiếm tiền, còn cô ở nhà chẳng làm ra xu lẻ nào mà tôi vẫn phải tự tay đun nóng bữa tối à?”.

Thái độ khinh thường và trịch thượng, cậy làm ra tiền của Tuấn khiến Duyên rất phản cảm. Cô từ tốn kể lại cho chồng tất cả những việc mình làm trong suốt 4 năm qua. Ai ngờ Duyên chưa nói hết câu thì Tuấn phũ phàng ngắt lời:

“Cô không thấy xấu hổ à mà còn kể lể như thể mình tài giỏi lắm? Những việc cô làm giống hệt công việc của người giúp việc, tôi chỉ cần bỏ tiền ra là có thể thuê được người làm tốt hơn cô rất nhiều, nấu ăn ngon lại biết nghe lời chứ không ương bướng như cô. So ra cô còn thuê người giúp việc đấy nên biết thân biết phận đi...”.

Những lời lẽ tối đó của Tuấn như giọt nước tràn ly, Duyên gằn giọng: “Vậy anh thuê giúp việc đi, tôi sẽ đi làm lại”. Tuấn tức tối nghĩ vợ thách thức mình nên hôm sau anh lập tức nhờ dịch vụ tìm ngay một giúp việc chuyên nghiệp.

“Tôi may mắn có bạn bè giới thiệu công việc mà được đi làm lại ngay. Công việc không quá tốt vì bản thân đã nghỉ trong thời gian dài nhưng tôi tin chỉ cần mình cố gắng thì mọi thứ sẽ ổn. Đứa con bé nhà tôi mới 1 tuổi chưa đi lớp. Giúp việc không thể vừa dọn dẹp, nấu nướng và trông trẻ cùng lúc vì từng ấy công việc là quá sức, em bé sẽ không được chăm sóc cẩn thận. Chồng tôi cần phải thuê 2 người mới đáp ứng được tất cả nhu cầu. Nghe tới phải tốn từ 12-15 triệu cho 2 người giúp việc mà chồng tôi tái mặt.

Nhưng đã trót lớn giọng với vợ nên anh đành thuê 1 người rồi mang con gửi sang bác hàng xóm về hưu, bác ấy trông 2 bé cùng lúc, con vẫn được chăm sóc cẩn thận mà chi phí sẽ giảm. Về người giúp việc, viễn cảnh không hề tươi đẹp như chồng tôi nghĩ. Anh nói nặng 1 câu họ đã tự ái, cả ngày chẳng thèm làm việc”, Duyên kể.

Đến lúc này Tuấn mới nhận ra cái giá phải trả cho người giúp việc không hề đơn giản, kể cả là tiền bạc hay sự tử tế. Nếu Duyên nghỉ việc ở nhà thì riêng khoản lương cho người giúp việc và gửi trẻ bé thứ hai không cần anh lo. Xét trên khía cạnh kinh tế, cô không làm ra tiền nhưng lại tiết kiệm được tiền trong nhà, rõ ràng cô đã tạo ra tiền bạc một cách gián tiếp.

Chồng mỉa mai: Cô còn thua kém người giúp việc nên đừng kể lể công lao, vỏn vẹn 3 tháng sau anh đã được sáng mắt-2

Ảnh minh họa

Công việc ban đầu còn khó khăn, Duyên thường xuyên đi sớm về muộn, lúc ấy Tuấn mới nhận ra khi thiếu đi người vợ thì căn nhà trở nên thật tẻ nhạt và trống vắng. Người giúp việc chỉ làm việc được giao và nhận tiền chứ họ không hề đặt tình cảm, tâm tư vào đó. Họ nấu ăn ngon nhưng không biết Tuấn bị đau dạ dày phải kiêng ăn cay, dù đã nhắc mà lần nào họ vẫn quên.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ nhất, còn rất nhiều điều mà giúp việc không bao giờ có thể sánh được với một người vợ. Sau 3 tháng thuê giúp việc, Tuấn mới nhận ra sự so sánh của mình thật quá khiên cưỡng và thiếu thấu đáo, đầy ích kỷ và nực cười. Duyên không chỉ đảm nhận vai trò của người giúp việc mà cô còn làm mẹ nuôi dạy các con, làm vợ chăm sóc cho chồng. Cô là linh hồn của ngôi nhà, là người giữ lửa, là động lực tinh thần, là điểm tựa bình yên cho chồng con.

“Sau đó chồng tôi đã thành tâm xin lỗi vợ, thừa nhận những suy nghĩ và hành động sai lầm của anh đồng thời hứa sẽ sửa đổi. Tôi vẫn đi làm, trong nhà vẫn thuê người giúp việc. Chồng tôi đã chủ động sắp xếp công việc về sớm chới với con để con cái không thiếu thốn tình cảm…”, Duyên chia sẻ.

Hi vọng những người đàn ông sẽ hiểu thấu ý nghĩa của câu nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cho dù họ có làm ra bao nhiêu tiền, có xây được căn nhà to đẹp đến đâu mà không có người phụ nữ thổi hồn vào thì nhà cao cửa rộng cũng lạnh lẽo chẳng chút hơi ấm. Và rồi căn nhà cũng chỉ là nơi tránh mưa nắng chứ không bao giờ trở thành một tổ ấm thật sự.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chong-mia-mai-co-con-thua-kem-nguoi-giup-viec-nen-dung-ke-le-cong-lao-von-ven-3-thang-sau-anh-da-duoc-sang-mat-162212201223110486.htm

người giúp việc

Vợ Chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.