Khóc cười chuyện moi tiền chồng

Có người móc ví, có người giao cho chồng phải trực tiếp đóng một số khoản cụ thể nào đó trong tháng như tiền điện, tiền học của con... Nhưng không ít bà vợ đành phải bất lực kêu trời và gọi điện đến các trung tâm tư vấn.

Có người móc ví, có người giao cho chồng phải trực tiếp đóng một số khoản cụ thể nào đó trong tháng như tiền điện, tiền học của con... Nhưng không ít bà vợ đành phải bất lực kêu trời và gọi điện đến các trung tâm tư vấn.

Suốt hai tháng nay, gia đình chị Thuận, Đống Đa, Hà Nội, liên tục bị cắt điện do chậm đóng tiền. Con gái chị đang học lớp hai cũng bị cô giáo nhắc nhở vì chưa đóng học phí. Nguy cơ con gái bị đuổi học khiến lòng chị rối bời, không biết nên bỏ tiền túi ra đóng hay tiếp tục chờ chồng mang tiền về.

Chị Thuận lấy chồng đã gần chục năm nay, có hai đứa con gái. Anh Cường chồng chị kinh doanh khung nhôm kính. Cả hai đều là dân tỉnh lẻ đến Hà Nội lập nghiệp, nhà vẫn phải đi thuê. Mặc dù thu nhập của chị Thuận khoảng 6 triệu đồng một tháng, do phải đảm trách chi tiêu trong gia đình từ A đến Z nên chẳng để ra được đồng nào.

Thuận bảo chồng đóng tiền hằng tháng, anh Cường ậm ờ lúc có lúc không. Nếu có thì số tiền anh đóng cũng chẳng đáng bao nhiêu, chị lại phải mất thời gian suy nghĩ, nhiều khi còn trở nên chán nản vì thái độ vô trách nhiệm của chồng. Do đó, chị Thuận đành tặc lưỡi, coi như “có mà như không”. Vì vậy suốt gần chục năm nay, chị một mình “kéo cày” nuôi con và chi trả mọi khoản chi tiêu trong gia đình.

Mọi sự sẽ cứ trôi đi êm ả trong sự “chấp nhận” nếu như chị Thuận không gặp lại những người bạn học cũ thời cấp ba. Chị vốn là lớp trưởng, bí thư chi đoàn, lại là người duy nhất thi đỗ đại học nên khi gặp lại, họ trách chị nhiều lắm, rằng chị thành đạt rồi quên hết bạn bè. Họ không hề biết rằng trong số bạn bè, chị nghèo nhất vì cho đến giờ vẫn chưa mua được nhà.

Sau khi đến thăm nhà mấy người bạn cũ, chị Thuận thấy mình không thể thả trôi vấn đề tài chính của gia đình được nữa. Chị lấy lý do cơ quan giảm thu nhập, không đủ tiền chi trả các khoản như trước nên anh phải đóng thêm khoản tiền điện, học phí cho con, ngoài khoản tiền thuê nhà anh vẫn đóng từ trước đến nay.
 
Khóc cười chuyện moi tiền chồng 1
Con gánh hậu quả

Tháng đầu tiên thực hiện chiêu “moi” tiền kể trên, được chồng đỡ cho khoản học phí của con, chị Thuận mừng lắm. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau ba lần nhận thông báo đóng tiền điện, gia đình chị bị cắt điện. Do được “thả rông” trong suốt nhiều năm qua nên anh Cường chưa quen với bổn phận mới. Lúc thì anh quên, lúc lấy lý do chưa có tiền, lúc lấy lý do bận... nên tờ thông báo đóng tiền điện cứ bị đá qua đá lại từ vợ sang chồng. Hậu quả là ba mẹ con chị Thuận phải sống trong tăm tối suốt ba ngày liền, còn anh Cường thì đang đi công tác tại Quảng Ninh.

Nỗi kinh hoàng vì bị mất điện chưa kịp nguôi ngoai thì đã bước sang tháng mới. Tiền học phí của con thường đóng vào ngày mùng một nhưng lần này chồng chị đóng chậm mất 10 ngày. Mỗi lần đi đón con, cô giáo nhắc khiến chị vô cùng xấu hổ. Vậy nhưng nghĩ đến “tương lai”, chị đành lấy lý do này nọ để hoãn, chờ chồng. Chị quyết tâm thực hiện chiến lược buộc trách nhiệm tài chính của gia đình với chồng.

Sự ràng buộc chính đáng này không thành công. Gia đình chị Thuận vẫn bị cắt điện và con gái chị lại tiếp tục bị nhắc nhở vì đóng học phí muộn. Đến tháng ba này, chị Thuận đã réo rắt giục chồng ngay từ đầu tháng: "Nếu anh không đóng tiền, cô giáo ghét con là coi như con thất học luôn đấy!”. Nhưng đến nay, học phí của con chị vẫn chưa được đóng. Dịp 8/3, trong khi các phụ huynh khác đã có quà cho cô giáo từ mùng 6 nhưng anh chị thì đến tận trưa mùng 8 vẫn im hơi lặng tiếng. Chị Thuận ngồi chờ chồng, còn anh Cường vẫn mải miết đi... công tác xa.

Không thể chịu đựng thêm, chị Thuận gọi điện đến Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống để tìm hướng giải quyết. Rốt cuộc, chị đành phải trở về “cái máng lợn” của mình, bỏ hết mọi ưu tư về tiền bạc, nhà cửa, lại một mình chèo chống lo nuôi dạy con đến nơi đến chốn.

Chiêu “moi” tiền chồng của chị Thuận coi như thất bại, nhưng theo chị, đó chỉ là tạm thời. Hiện chị vẫn tiếp tục nhờ chuyên gia tư vấn tìm cách buộc trách nhiệm tài chính của chồng với gia đình.
 
Theo Dân Trí


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.