Sinh con mắc chứng tự kỷ, lập tức bị người yêu ruồng rẫy, "quất ngựa truy phong"

Mới chỉ ở tuổi 30 nhưng chị Vinh đã trải qua bao nỗi đau bi đát, lần lượt mất đi các thành viên trong gia đình vì bệnh tâm thần...

Mới chỉ ở tuổi 30 nhưng chị Vinh đã trải qua bao nỗi đau bi đát, lần lượt mất đi các thành viên trong gia đình vì bệnh tâm thần, người yêu chị cũng bỏ chị mà đi. Niềm hi vọng cuối cùng cũng vụt tắt khi đứa con trai của chị mắc bệnh tự kỷ.

Những thành viên trong gia đình đều lần lượt ra đi vì tâm thần. Người yêu chị cũng vì không chấp nhận được hoàn cảnh gia đình mà quyết định chia tay. Niềm an ủi duy nhất chị dành trọn cho đứa con đang lớn dần trong bụng. Thế nhưng, hi vọng cuối cùng vụt tắt khi con trai chị mắc phải căn bệnh tự kỷ. Cuộc sống của chị Trần Thị Vinh (SN 1985, ngụ xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) không còn gì ngoài nỗi đau và nước mắt.

Cuộc đời đẫm nước mắt của người phụ nữ bị người yêu chối bỏ khi sinh con tàn tật
Chị Vinh chia sẻ về hoàn cảnh bi đát của mình.
 
Bất lực nhìn em trai tâm thần giết chết mẹ    

Căn nhà chị Vinh nằm cuối con đường liên thôn đã xuống cấp trầm trọng, mới nhìn vào chẳng khác nào căn nhà hoang. Phía trong trống hơ trống hoắc, chẳng có một vật dụng gì đáng giá. Chị Vinh bế cậu con trai 4 tuổi trên tay, người lấm tấm mồ hôi nhoẻn miệng cười cho biết cả hai mẹ con vừa đi vót tăm tre ở làng bên về. Đồng tiền công nhận được sau mỗi ngày vót tăm là 50.000 đồng nhưng chị vẫn cố gắng làm vì ngoài công việc này, chị không biết làm gì khi trên tay đang còn đứa con bị bệnh tự kỷ cùng đứa em trai mắc bệnh tâm thần.

Vì gia đình khốn khó, vật lộn với cuộc sống nên mãi đến năm 2011, khi đã bước qua tuổi 26 chị Vinh mới có người yêu, biết yêu và được yêu. Cùng sống cảnh xa nhà, làm thuê nơi đất khách nên giữa chị và Nguyễn Văn Ngọc (tên người đàn ông) nhanh chóng tìm được tiếng nói chung rồi yêu nhau khi nào không hay. Khi yêu, chị sẵn sàng chia sẻ về hoàn cảnh bất hạnh của gia đình mình. Về một gia đình có 6 người mà chỉ có mình chị là may mắn bình thường, khỏe mạnh. Những thành viên trong gia đình đều ốm đau, bệnh tật, lần lượt ra đi vì căn bệnh tâm thần.

Năm 2005, ông Trần Văn Việt (bố chị Vinh) qua đời sau ba năm chống chọi với căn bệnh tâm thần. Bố mất mới được hai năm thì người mẹ là bà Hồ Thị Thảo cũng phải chết tức tưởi dưới bàn tay của người con trai là Trần Văn Linh (SN 1988) trong một cơn điên loạn.

Một ngày cuối đông năm 2007, người em trai lại bỏ nhà đi khi phát bệnh. Cũng như những lần trước, bất chấp cái lạnh rét cắt da thịt, bà Thảo vẫn lặn lội đi tìm con. Tối hôm đó, không thấy mẹ trở về, chị Loan định đi tìm thì thấy Linh đang dùng xẻng đào đất trong vườn nên gặng hỏi thì bàng hoàng khi nghe em trai mình cho biết đã đánh chết mẹ.

“Nó nói đào huyệt chôn mẹ. Mẹ bị nó đánh chết rồi. Mới đầu nghe nó nói tôi rất bàng hoàng nhưng kịp trấn an tinh thần vì nghĩ nó bị tâm thần nên nói nhảm. Nhưng rồi chỉ một lát sau, có người hàng xóm tới nhà báo tin, nói ra nhận xác mẹ về. Nhìn thân thể mẹ lạnh ngắt, trên người đầy những vết bầm tím, trầy xước, nằm bất động bên vệ đường tôi chỉ biết ôm choàng lấy thi thể mẹ mà khóc. Cuộc đời mẹ vốn khổ cực, nay lại phải chết tức tưởi dưới bàn tay của con trai mình", chị Vinh nức nở nhớ lại ngày mẹ bị em trai đánh chết.

Sau khi mai táng xong cho người mẹ, chị Vinh gạt nước mắt, nhìn em trai mình gào khóc, la hét khi bị đưa vào trại tâm thần. Chỉ sau đó hai tháng, tim chị như dao cắt khi nghe tin Linh chết trong trại. Nỗi đau chồng chất nỗi đau như vắt kiệt tâm can cô gái trẻ. Chỉ trong vòng 5 năm, tai ương liên tiếp giáng xuống đã cướp đi sinh mạng của ba người thân trong gia đình. Suốt những năm tháng ấy, trên bàn thờ của gia đình chị lúc nào cũng nghi ngút khói hương.

Cha mẹ và người em trai qua đời, căn nhà nhỏ chỉ còn lại mình chị Vinh cùng hai cậu em trai tự chăm sóc nhau. Nhìn gia đình liên tiếp xảy ra cảnh tang thương nhiều hàng xóm láng giềng không dám đến gần ngôi nhà của ba chị em chị đang ở. Họ đồn rằng nhà chị có ma, khuyên chị nên bán nhà, tìm mua một ngôi nhà khác ở để được sống yên ổn. Dù không phải là người mê tín nhưng chị vẫn sợ một ngày nào đó một trong hai đứa em mình phải gánh chịu bất hạnh nên quyết định bán nhà. Thế nhưng, suốt nhiều năm liền, ngôi nhà cũ nát dù có rao bán với giá rất rẻ nhưng cũng chẳng ai hỏi mua vì họ sợ rước họa vào thân. Không bán được nhà, không có tiền mua nhà khác ở, ba chị em chị Vinh đành chịu an phận, gắn bó với ngôi nhà mà bà con lối xóm vẫn thường gọi là ngôi nhà ma quỷ.

Chán nản vì cuộc sống hiện tại, chị Vinh quyết định vào miền Nam làm công nhân để kiếm tiền về nuôi hai đứa em và để quên đi quá khứ đau buồn. Cũng chính nơi đây, tình yêu bắt đầu nảy nở, nụ cười lại nở trên môi người con gái bất hạnh.

Nghe kể về hoàn cảnh người yêu, anh Ngọc tỏ ra đồng cảm, nắm chặt tay chị, hứa sẽ mãi bên cạnh, che chở cho chị suốt cả cuộc đời. Chị đã từng rất hạnh phúc vì nghĩ mình là người may mắn gặp được người đàn ông tốt, từng mơ về một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, với chị, mọi thứ như thể là một giấc mơ, khi chị nhận ra điều này thì đã quá muộn.

Phát hiện con trai bị tự kỷ, người yêu lạnh lùng chia tay

Đang hạnh phúc bên người yêu thì nghe tin người em trai út là Trần Văn Thái (SN 1996) bị bệnh tâm thần nên chị Vinh lại khăn gói về quê. Về được một tuần thì người yêu chị cũng tìm về. Nhìn thấy hoàn cảnh gia đình chị, nghe người dân kể nhiều về việc nhiều người trong gia đình lần lượt mắc bệnh tâm thần, anh này đã lạnh lùng nói lời chia tay.

“Anh ta nói rất yêu tôi nhưng không thể cưới tôi làm vợ vì sợ tương lai của anh ta, những đứa con sau này nữa. Dù đau đớn nhưng vì số phận mình, tôi không dám níu kéo, đành chấp nhận để anh tìm hạnh phúc mới. Trước lúc chia tay, tôi xin anh cho tôi một đứa con với ý định sẽ ở vậy nuôi con và làm chỗ dựa cho hai đứa em mình. Trong thời gian mang thai, anh ta vẫn điện thoại thường xuyên, quan tâm, hứa hẹn sau này sẽ tìm về để gia đình nhỏ được đoàn tụ. Tôi đã rất hạnh phúc, trông chờ từng ngày để thấy mặt con, để được gặp lại người yêu. Thế nhưng, khi biết con trai bị bệnh tự kỷ anh đã bặt vô âm tín", chị Vinh nghẹn ngào chia sẻ.

Cuộc đời đẫm nước mắt của người phụ nữ bị người yêu chối bỏ khi sinh con tàn tật
Chị Vinh bên con trai bị bệnh tự kỷ.

Giữa năm 2012, đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Sinh ra, nó cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi càng lớn, cậu bé càng có những biểu hiện khác thường. Đã 4 tuổi mà không biết nói, không hiếu động, nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. Đưa đi khám chị mới chết lặng khi biết con mình bị tự kỷ. Đứa trẻ từ lúc chào đời đến nay chưa một lần được nhìn thấy mặt cha, phải mang họ mẹ, lớn lên trong tình thương và nước mắt. Số phận như vậy chị không dám trách ai, tự trách mình bất hạnh, đành lặng thinh, cầu mong cho người yêu gặp được người phụ nữ tốt.

Cuộc sống cứ vậy trôi qua trong buồn bã. Mức sống của hai chị em cùng đứa con thơ phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền 800 nghìn đồng trợ cấp hàng tháng của nhà nước dành cho người tâm thần, tàn tật của người em và con trai. Để có tiền trang trải cuộc sống, cứ sáng sớm, chị lại lấy xích để xích chân em trai tâm thần lại, nhốt trong nhà, khóa trái cửa rồi bế con qua xưởng làm tăm tre gần nhà. Số tiền công hàng ngày tuy ít ỏi nhưng đổi lại chị có thời gian trông nom con. Hiện tại, em trai bị tâm thần ngày càng nặng, sợ sẽ làm ảnh hưởng đến người khác nên chị đã quyết định đến chính quyền làm đơn xin đưa em vào trại tâm thần.

Hỏi về cuộc sống hiện tại của cha đứaa trẻ và dự định trong tương lai, người phụ nữ bất hạnh nhìn con thở dài. “Từ ngày biết tin con bị tự kỷ đến nay tôi không biết cuộc sống của anh ta như thế nào. Tôi cũng không muốn níu kéo, trở thành gánh nặng cho người đàn ông ấy. Chắc anh đã có gia đình, đang sống hạnh phúc ở một nơi nào đó. Tôi sẽ sống như vậy để nuôi con, làm chỗ dựa cho đứa em bất hạnh".

 * Tên nhân vật đã được thay đổi

 Theo Trung Hiếu / Trí Thức Trẻ

chứng tự kỷ

người yêu ruồng rẫy

quất ngựa truy phong


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.