Tết này con sẽ về

Ba năm rồi anh không về quê ăn Tết với bố mẹ. Năm thì bận trực, năm thì không mua được vé tàu, năm thì ở lại trông nhà cho ông chú họ.

Là anh viện cớ vậy, chứ trong phòng, anh là người có quê xa nhất, chẳng ai phân công trực Tết bao giờ. Ông chú họ sống độc thân, thương anh một mình nên gọi anh về đón Tết cùng.

>> Tết này bạn làm gì, chơi gì, ở đâu?

Đi xa nhà dằng dặc như thế, khi Tết đến xuân về, anh cũng nao lòng lắm. Nhớ tiếng sôi bùng bục của nồi bánh chưng, nhớ xoong giả cầy nấu với lá quýt, quện cùng mật mía ngọt lịm vần cạnh bếp than, tiếng trống, tiếng chiêng nhà thờ họ vang lên giờ khắc giao thừa… Nhưng anh sợ về quê, sợ gặp lại người con gái đó, chạm lại nỗi đau mà anh đã cố vùi lấp bấy lâu nay.

Anh đã từng có một mối tình rất đẹp với cô bạn gái cùng xóm. Hai người cùng tuổi, học cùng khóa. Tình cảm nhen nhóm từ ngày còn cấp III rồi cùng lớn lên theo những năm tháng đại học. Những tưởng sẽ nắm tay nhau đi đến cùng trời cuối đất, nhưng rồi một ngày cô bạn nghẹn ngào chia tay anh. Cô ấy lấy một người mà cô không yêu. Anh ta có địa vị, kinh tế khá giả và quan trọng hơn, sẽ lo được cho cô một công việc ổn định. Ra trường với tấm bằng loại khá nhưng lận đận mãi cô vẫn không xin được một công việc tử tế. Kiếm được vài việc làm thời vụ, lại thêm nỗi lo số nợ mà mẹ đã vay mượn khi nuôi cô học đại học, bố thì ốm đau liên miên khiến cô lâm vào tình trạng bế tắc, mệt mỏi. Cô không đủ can đảm để bước tiếp cùng anh. Vì vậy, cô dừng lại và rẽ sang một hướng khác.

Anh cố tỏ ra mạnh mẽ để bố mẹ yên tâm nhưng tinh thần khủng hoảng trầm trọng. Anh bỏ công việc đang làm ở một công ty gần nhà vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh vùi đầu vào công việc để quên nỗi đau đầu đời.

Thu nhập hàng tháng của anh khá cao. Nhờ tiền anh gửi về mà bố mẹ đã xây được ngôi nhà khang trang và nuôi hai đứa em ăn học. Anh đã làm được nhiều thứ cho bố mẹ và cho chính anh. Nhưng… Cuối năm, anh lại đứng trước một sự lưỡng lự.

Một buổi chiều, trong khi ngồi chờ sửa xe, anh tranh thủ đánh giày. Thằng bé đánh giày đặt vào chân anh đôi dép lê rồi cầm đôi giày ra một góc khác. Lúc nó quay lại, đôi giày đã sáng bóng trên tay.

- Anh chưa có bạn gái à? - thằng bé đột nhiên hỏi.

- Sao biết?

- Nhìn giày thì biết.

Thằng bé gãi đầu cười khiến anh có chút ái ngại:

- Anh cũng người Bắc à?

Nghe anh trả lời, thằng bé hớn hở vì nhận ra đồng hương. Nó nán lại nói chuyện với anh. Rồi không hiểu sao, nó lại đem chuyện nhà nó kể với anh. Gia cảnh nhà nó thật khổ. Bố rượu chè, bài bạc, mẹ nó một mình quần quật làm lụng nuôi ba đứa con mà còn bị bố nó chửi mắng. Nó chịu không nổi nên bỏ học vào đây kiếm tiền.

- Em giận bố em lắm, nhưng giận bố mà không về thì thật tội cho mẹ và các em nên dù xa, Tết năm nào em cũng về. Em thường đi chuyến xe vét cuối cùng trong năm, có khi về đến nhà thì vừa đón giao thừa. Ông chủ nhà xe biết hoàn cảnh của em nên chẳng mấy khi lấy tiền.

Rồi sực nhớ ra, thằng bé móc túi trả anh tiền thừa nhưng anh xua tay:

- Coi như anh mừng tuổi cho em sớm.

Thằng bé ríu rít cảm ơn rồi chào anh, tiếp tục rong ruổi trên những con phố. Anh nhìn theo nó. Thằng bé đã đánh thức trong anh một điều gì đó thật lớn lao. Lòng anh ngập tràn xúc cảm khi nghĩ đến ánh mắt ràn rụa mừng vui của mẹ, nụ cười hân hoan của bố, sự nhắng nhít của hai đứa em, bữa cơm đầm ấm chiều tất niên…

Rồi anh lấy máy gọi cho mẹ, giọng reo lên như một đứa trẻ: Mẹ ơi, Tết này con sẽ về.

Hãy chia sẻ với Tintuconline về những dự định, mong muốn trong ngày Tết của mình qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn.

Hãy đón đọc những chia sẻ của bạn trên trang Tintuconline.

Theo PNO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.