Tính toán chi tiêu Tết khi ngân sách gia đình eo hẹp

Nhà giàu có thể tốn hàng chục triệu đồng cho một cuộc vui chơi ăn uống, còn những gia đình nhỏ chỉ có từ 3 đến 10 triệu vẫn có thể đón một cái Tết đầy đủ với bánh chưng xanh, câu đối đỏ….

Nhà giàu có thể tốn hàng chục triệu đồng cho một cuộc vui chơi ăn uống, còn những gia đình nhỏ chỉ có từ 3 đến 10 triệu vẫn có thể đón một cái Tết đầy đủ với bánh chưng xanh, câu đối đỏ….

Tính toán chi tiêu Tết khi ngân sách gia đình eo hẹp 1
  
Quà biếu là một trong những danh mục không thể thiếu của các bà nội trợ trong dịp Tết. Ảnh: Ngoisao

Theo chị Phương Minh - kế toán trưởng của một công ty thương mại tại TP HCM, để chi tiêu Tết hợp lý, điều đầu tiên các bà nội trợ cần làm là liệt kê danh sách những khoản cần thiết. Sau đó, dự tính số tiền cho mỗi khoản mục trên, và bạn chỉ cho phép mình được tiêu trong khoản tiền ấy. Kể cả khi có tiền dự trữ, bạn cũng không nên tiêu quá số mà mình đã dự định nếu không muốn bị thâm hụt ngân sách gia đình sau này.

Với những người đã lập gia đình, chi tiêu trong dịp Tết thường bao gồm các khoản sau: Biếu bố mẹ hai bên, tặng quà những người giúp đỡ mình trong năm, mừng tuổi lì xì, trang trí nhà cửa, mua sắm quần áo mới; chuẩn bị thực phẩm cho cả mâm cúng và bánh kẹo, chi phí dành cho đi lại, vui chơi…

Bà Quỳnh sống cùng vợ chồng anh con trai út tại quận 7, TP HCM, dự định sắm Tết chỉ hết 3 triệu đồng. Bà vốn nổi tiếng là người tằn tiện, chỉ bằng tiền lương hưu và buôn bán tạp hóa nhỏ mà bà gom góp rồi vay mượn thêm để mua đất. Từ một mảnh đất nhỏ 40 m2 hồi năm 1995, đến nay bà đã có hơn 400 m2 đất xây nhà trọ cho công nhân thuê.

Trong khoản 3 triệu tiền tiêu Tết đó, bà định dành 900.000 đồng mua quà cho những người thuê nhà và con cháu (chủ yếu là dầu ăn và nước mắm). Bà đi chợ đầu mối Bình Điền mua thực phẩm tươi cho 4 người (gồm bà, vợ chồng người con và đứa cháu nội đang học mẫu giáo) gồm các loại xương, thịt lợn, cá, rau hết 500.000 đồng. Ngày thường, giá thực phẩm ở chợ đầu mối chỉ bằng 2/3, thậm chí có mặt hàng chỉ bằng 1/2 so với mức bán tại chợ gần nhà bà. Bà cho biết, ngày Tết giá cả ở chợ đầu mối không tăng, hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Bà không sắm thực phẩm nhiều vì đến mồng 3, gia đình anh con trai sẽ về bên vợ ăn Tết.

Lương thực và thực phẩm khô như măng, miến, mì gói... bà tính toán hết 400.000 đồng. Trong đó, bà chơi sang so với ngày thường khi mua 10 kg gạo ngon hơn một chút, hết 150.000 đồng. Chả lụa và bánh chưng bà để riêng 200.000 đồng, chờ đến ngày 29 Tết mới lấy hàng.

Bà cũng đổi 600.000 đồng tiền mới để mừng tuổi các cháu, mỗi đứa cháu ruột có tiêu chuẩn 50.000 đồng còn những đứa trẻ khác bà chỉ lì xì 10.000 đồng. Ngân sách dành cho mua nước ngọt, bánh kẹo và hạt dưa của bà là 200.000 đồng. Bà chọn mua những loại kẹo trong nước sản xuất để không quá tốn tiền. Riêng nửa kg hạt dưa đã tiêu tốn của bà hết 70.000 đồng.

Cuối cùng, bà dự kiến chỉ mua mâm ngũ quả thắp hương với số tiền trong phạm vi 200.000 đồng. "Tôi sẽ chọn những loại quả giá vừa phải, nếu người khác mua bưởi da xanh, tôi chỉ mua bưởi năm roi, giá chưa bằng một nửa mà cũng rất ngon, còn xoài tôi cũng chỉ chọn mua loại 10-15 nghìn một kg", bà cho biết.

Theo bà, như thế là đủ một cái Tết, không cần con cháu mua sắm thêm gì nữa. Vợ chồng cậu con trai năm nay làm ăn khó khăn nên bà không muốn các con phải chi tiêu nhiều. Thậm chí, khi con trai đề nghị mua cây mai chưng Tết, bà cũng gạt phắt đi.

Vợ chồng chị Thủy đều là công nhân khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP HCM). Năm nay anh chị ăn Tết ngay tại phòng trọ mà không về quê. Chị kể, hai vợ chồng được thưởng lương tháng thứ 13 cộng thêm khoản tiết kiệm từ mấy tháng trước nên có khoảng 6 triệu đồng tiêu Tết. Chị gửi biếu bố mẹ nội ngoại mỗi bên 500.000 đồng qua đường bưu điện.

Chủ nhật vừa rồi, chị dẫn chồng và con trai đi mua sắm quần áo giày dép tại khu chợ đêm của công nhân hết 800.000 đồng. Cả nhà, mỗi người đều có một bộ cánh mới để đón Tết. Chị cũng dành riêng 200.000 đồng để mua mâm ngũ quả cúng ông bà. Chị nhờ người quen đổi 500.000 đồng tiền mới loại 10.000 và 20.000 đồng để mừng tuổi.

Trong số 1 triệu dành để mua sắm lương thực thực phẩm, chị dự định mua: 1 kg thịt lợn, 10 hột trứng vịt để kho một nồi thịt hết khoảng 130.000 đồng, 1 kg giò ngon ở chợ gần nhà (150.000 đồng - tăng 10.000 đồng so với ngày thường), 1 con gà (120.000 đồng), 1 thùng bia 333 (200.000 đồng), 10 kg gạo (140.000 đồng), còn lại là mua dưa hành, rau và các loại gia vị…

Chị dự định dành 500.000 đồng để mua quà biếu người bác đã giúp đỡ vợ chồng chị rất nhiều cũng đang sống tại TP HCM. Cuối cùng chị còn 1 triệu để dự phòng (trong đó sẽ phải trích 200.000 để rửa xe thay nhớt cho 2 chiếc xe máy). Có thể, vợ chồng chị sẽ dẫn con đi chơi Tết ở Suối Tiên hay Đầm Sen. Chị cho biết không mua sắm bánh kẹo, bởi thế nào gia đình cũng được cho một hai gói, và như thế là đủ cho cả Tết.

Quý Tỵ là cái Tết đầu tiên ra ở riêng, nhưng chị Phương (nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội) chỉ dự định tiêu Tết trong vòng 10 triệu đồng. Năm nay, chị không được thưởng Tết, chồng chị được thưởng 5 triệu. Vợ chồng khi mua nhà phải vay ngân hàng một khoản tiền, trả góp hàng tháng nên tiền dư ra từ lương không còn nhiều.

Chi tiết các khoản tiêu Tết của chị như sau: 6 triệu đồng dành mua quà và bỏ phong bì mừng bố mẹ hai bên; 1 triệu tiền lì xì; 3 triệu mua sắm thực phẩm, mâm cúng, cành đào và đồ dùng. Theo tính toán của nữ nhân viên kế toán này, nặng nhất vẫn là khoản biếu bố mẹ hai bên, và khoản này nên là khoản cứng, bỏ riêng. Còn ngân sách dành cho lì xì hay mua sắm có thể xê dịch, cồng kênh cho nhau.

Kỳ nghỉ Tết kéo dài cả 9 ngày, bằng đúng 1/3 thời gian của cả tháng 2, nhưng chị không dự trữ quá nhiều thức ăn, bởi vợ chồng sẽ có nhiều bữa về nhà nội, ngoại ăn uống. Chị cũng không mua nhiều bánh kẹo tiếp khách bởi theo chị, bây giờ đến nhà ai cũng có, mọi người không còn nhiệt tình với đồ ngọt. Tốt nhất là nên chọn những loại bánh kẹo đóng gói riêng biệt từng cái một, ăn cái nào bóc cái đó, không nên mua những loại ăn một lần không hết. Chỉ cần 1 kg hạt dưa cắn tí tách, một ấm trà nhấm nháp lúc nói chuyện là đủ. Ở nhà mới, vợ chồng chị mua một cành đào nhỏ chưng cho có không khí Tết.

Chị Linh Hương (nhân viên một công ty phần mềm tại TP HCM) cũng có 10 triệu đồng để tiêu tết. Chị để riêng 2 triệu dành cho việc đi lại khi đưa chồng con về nhà ngoại. 2 triệu để mừng tuổi bố mẹ hai bên. 2 triệu tiền mua quà biếu những ân nhân của gia đình. 500.000 đồng mua mâm ngũ quả, hoa và các đồ trang trí trong ngày tết. 1 triệu để mua thực phẩm mặn tại siêu thị bao gồm 5 kg gạo, 2 con gà, 1 kg chả lụa và 1 kg thịt lợn, 1 tấm bánh chưng và rau. 500.000 đồng chị dùng để mua bánh kẹo, hạt dưa và bia. 1 triệu, chị sắm váy cho mình và con gái, cùng một bộ quần áo cho chồng. Còn 1 triệu chị dành để mừng tuổi và dự phòng.

“Tuy nhiên, mình không lo khoản lì xì vì bé nhà mình cũng sẽ được mừng tuổi, lấy từ túi áo bỏ sang túi quần thôi”, chị cười khoe danh sách chi dùng được viết kín nửa trang giấy nhỏ.
 
Theo VnExpress


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.