Nhật hỗ trợ ASEAN về an ninh hàng hải

Mỹ cho phép bán thêm hai tàu khu trục cho lãnh thổ Đài Loan.

Mỹ cho phép bán thêm hai tàu khu trục cho lãnh thổ Đài Loan.

Báo Japan Times (Nhật) đưa tin ngày 11-3, chính phủ Nhật đã trình cho Hội đồng Bộ trưởng Sách trắng về viện trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là báo cáo thường niên về viện trợ phát triển ở nước ngoài của Nhật.

ASEAN rất quan trọng với Nhật

Trong Sách trắng, Bộ Ngoại giao Nhật xác định tầm quan trọng phải bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực.

Sách trắng ghi nhận các nước ASEAN cực kỳ quan trọng đối với Nhật về chính trị cũng như kinh tế bởi các nước này nằm dọc các tuyến đường biển then chốt với Nhật và có mối quan hệ kinh tế vững chắc với các nhà đầu tư Nhật.

Sách trắng nêu lên các biện pháp củng cố quan hệ giữa Nhật với ASEAN như phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố pháp quyền, an ninh hàng hải, an ninh mạng, củng cố các biện pháp hòa bình.

Các chuyên gia nhận định Sách trắng về viện trợ phát triển chính thức của Nhật năm nay khác với năm trước vì đã gián tiếp nói đến biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng Nhật cam kết giúp đỡ bảo đảm an ninh hàng hải, đặc biệt ở biển Đông, nhằm củng cố các đồng minh trong khu vực để đối phó với Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Báo Nikkei Asian Review ghi nhận Nhật xem đường biển từ eo biển Malacca đến biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch để vận chuyển dầu mỏ và các mặt hàng nhập khẩu khác.

Trong khi đó, Trung Quốc cứ gây căng thẳng trong khu vực với hành động tôn tạo hàng loạt xây đảo nhân tạo nhằm phục vụ yêu sách chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

GD Christopher Hughes ở ĐH Warwick (Anh) nhận định Nhật muốn sử dụng vốn ODA để củng cố chiến lược chung của Nhật là nỗ lực duy trì an ninh hàng hải.


Máy bay huấn luyện TC-90 của lực lượng phòng vệ biển Nhật. Ảnh: REUTERS

Chuyển giao thiết bị quốc phòng

Trong khi đó, tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 10-3 đã đăng bài viết của chuyên gia Yuki Tatsumi ở Trung tâm Stimson (Mỹ) phân tích về thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng được Nhật ký kết với Philippines hôm 29-2.

Sau khi chính phủ Nhật đề ra Ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng hồi tháng 4-2014, Nhật đã ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng với nhiều nước ngoài Mỹ như Anh, Úc, Ấn Độ. Tuy nhiên, thỏa thuận Nhật ký với Philippines là thỏa thuận đầu tiên giữa Nhật với một quốc gia Đông Nam Á.

Theo chuyên gia Yuki Tatsumi, thỏa thuận Nhật-Philippines khác với thỏa thuận của các nước khác về động cơ.

Đối với các nước khác, động cơ chủ yếu của Bộ Quốc phòng Nhật là quốc tế hóa công nghiệp quốc phòng trong nước, duy trì nền tảng quốc phòng đủ vững chắc và cạnh tranh đồng thời tránh lệ thuộc nhiều vào công nghiệp quốc phòng nước ngoài.

Ví dụ điển hình như thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng Nhật-Úc rõ ràng đã tạo điều kiện cho các nhà thầu Nhật tham gia dự án hiện đại hóa tàu ngầm SEA1000 của Úc.

Thỏa thuận Nhật-Ấn Độ cũng tương tự. Tokyo hy vọng thỏa thuận sẽ mở đường để Nhật chuyển giao máy bay tìm kiếm và cứu hộ, cứu nạn US-2 của Nhật cho Ấn Độ.

Hỗ trợ quốc phòng trực tiếp

Còn đối với thỏa thuận Nhật-Philippines, chuyên gia Yuki Tatsumi nhận định đây là phản ứng trực tiếp của Nhật trước hành động hung hăng kiểm soát các thực thể tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông.

Trong chiến lược an ninh quốc gia và Hướng dẫn Chương trình quốc phòng, (NDPG), Nhật đã xác định xây dựng năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu.

Trước khi Nhật ban hành Ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng, Nhật xác định trọng tâm xây dựng năng lực cho Đông Nam Á là đào tạo nhân lực, chuyển giao thiết bị phi quân sự phục vụ an ninh hàng hải và hỗ trợ mua sắm trang thiết bị.

Còn sau khi ban hành ba nguyên tắc, Nhật đã trực tiếp chuyển giao thiết bị quốc phòng dưới danh nghĩa hỗ trợ xây dựng năng lực. Thỏa thuận giữa Nhật-Philippines là một ví dụ. Theo thỏa thuận, Tokyo sẽ cho Manila thuê năm máy bay huấn luyện TC-90 của lực lượng phòng vệ biển để Philippines tuần tra trên biển Đông.

Chuyên gia Yuki Tatsumi nhận định nói chung, Nhật cho thuê thiết bị quốc phòng đã qua sử dụng vì hai mục đích:

Một mặt, Nhật có thể tận dụng các trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trong các thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng với Mỹ, Anh, Úc để đầu tư xây dựng năng lực quân sự tiên tiến của Nhật trong tương lai.

Mặt khác, các thỏa thuận cho thuê thiết bị giữa Nhật và các nước Đông Nam Á mở thêm cơ hội kinh doanh cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật. Nhật có thể cung cấp dịch vụ đào tạo sửa chữa và bảo trì thiết bị quốc phòng, duy tu dây chuyền sản xuất…

Theo Pháp luật TP



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.