'Ông lớn' ngân hàng bi quan về lợi nhuận 2013

Thừa nhận khó cán đích lợi nhuận năm nay, nhiều ngân hàng lớn cũng tỏ ra bi quan khi nghĩ đến mục tiêu cho năm tới.

Thừa nhận khó cán đích lợi nhuận năm nay, nhiều ngân hàng lớn cũng tỏ ra bi quan khi nghĩ đến mục tiêu cho năm tới.

Lợi nhuận giảm dần sau mỗi quý, không ít ngân hàng đã bắt đầu "đánh tiếng" xin cổ đông cho điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012. Tính đến 30/9, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 4.394 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch năm (6.550 tỷ đồng) và nhà băng này sẽ xin cổ đông giảm chỉ tiêu.

Nguyên nhân theo đại diện Vietcombank là năm 2012 đã thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh một loạt lãi suất cho vay, do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm.

Ông lớn ngân hàng bi quan về lợi nhuận.
Ông lớn ngân hàng bi quan về lợi nhuận 2013.

Một "ông lớn" trong hệ thống cũng vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông để giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Trao đổi với VnExpress, đại diện ngân hàng quốc doanh này cho biết HĐQT "đang xem xét" việc điều chỉnh giảm kế hoạch bởi lẽ sau 9 tháng, ngân hàng ông mới đạt hơn 60% chỉ tiêu các cổ đông đề ra.

Ở khối cổ phần, các nhà băng lớn như Sacombank, ACB, Eximbank... cũng đang cách đích lợi nhuận đặt ra từ đầu năm khá xa. Sacombank mới đạt 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng. Trong khi mục tiêu mà nhà băng này đặt ra là đạt 3.400 tỷ lợi nhuận. Tương tự, Eximbank đặt mục tiêu lãi 4.600 tỷ nhưng giờ cũng mới thực hiện được 53%. Chật vật nhất là ACB, tính đến 30/9, ngân hàng này mới hoàn thành 22% của kế hoạch lợi nhuận 5.500 tỷ đồng.

Lý giải về sự sa sút lợi nhuận trên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho rằng, bên cạnh những khó khăn về điều kiện kinh tế, việc nhiều lãnh đạo chủ chốt của ACB lần lượt từ nhiệm và vướng vào mặt pháp lý là nằm ngoài dự đoán. Mặt khác, một lý do quan trọng theo ông Toại là năm nay ACB cũng như nhiều ngân hàng không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà chỉ đặt mục tiêu an toàn hệ thống và phát triển bền vững.

Ông Toại thông tin thêm, 26/12 tới, nhà băng sẽ họp đại hội cổ đông bất thường để bầu lại các thành viên ban quản trị. "Bên cạnh đó, vấn đề điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận cũng có thể được đặt ra tại cuộc họp này nếu cổ đồng có ý kiến", ông nói.

Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận cho năm tới, ông Toại cho rằng đây là một dấu hỏi lớn, nếu nền kinh tế tiếp tục khó khăn thì ngân hàng cũng không thể thoát khỏi tình cảnh chung. Ngoài ra, ông cho biết nhà băng vẫn theo mục tiêu an toàn hệ thống là trên hết. "Do đó, kế hoạch lợi nhuận năm tới sẽ không thể khả quan và cổ đông chắc chắn cũng thông cảm và hiều về điều này", ông nói.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng thông tin, theo kế hoạch ban đầu, bình quân lợi nhuận hàng tháng của ngân hàng khoảng 300 tỷ đồng, tức khoảng 3.600 tỷ đồng một năm. Do trích lập dự phòng rủi ro lớn cho các khoản đầu tư trước đó nên lợi nhuận cuối năm nay chỉ đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tương đương 75-80% kế hoạch năm.

"Đạt 75-80% kế hoạch lợi nhuận đã là kết quả tương đối so với các ngân hàng bạn trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Và tôi nghĩ rằng, cổ đồng chắc chắn không làm khó ban lãnh đạo chúng tôi về kết quả này", ông Khang bộc bạch.

Nhìn nhận về kế hoạch năm tới, ông Khang cho rằng tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và phức tạp, Sacombank bước đầu đã có kế hoạch sơ bộ cho năm 2013. Theo đó, chỉ tiêu nợ xấu không quá 2,5%, riêng lợi nhuận thì còn phải cân nhắc.

Lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần trong nhóm G14 cho biết sẽ nỗ lực đến cùng và không có ý định điều chỉnh kế hoạch. "Nếu vẫn không đạt thì nên nhìn nhận thẳng thắn những cái không đạt của mình trước các cổ đông", ông chia sẻ với VnExpress.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn, KienLong Bank là một trong những ngân hàng đầu tiên chính thức thông báo giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Ngân hàng này cho biết, các cổ đông đã thông qua kế hoạch giảm một loạt các chỉ tiêu như tổng tài sản, lợi nhuận, cổ tức, nợ xấu.

Theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm từ 620 tỷ xuống 530 tỷ đồng, nợ xấu được khống chế dưới 3% thay vì dưới 2% như kế hoạch ban đầu. Về chỉ tiêu tổng tài sản đạt được trong năm 2012, KienLong Bank điều chỉnh giảm xuống khoảng 18.000 - 19.500 tỷ thay vì 20.500 tỷ đồng như kế hoạch. Trước đó, HDBank cũng thông báo tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh.

Trước viễn cảnh lợi nhuận ngân hàng ảm đạm, một lãnh đạo của Vietinbank nhận xét, đề ra mục tiêu hàng nghìn tỷ đồng là tùy vào quy mô vốn của mỗi ngân hàng. Cổ đông của các nhà băng có vốn lớn này đương nhiên họ muốn tỷ suất lợi nhuận phải cao. Do đó kế hoạch lợi nhuận vài nghìn tỷ mới phù hợp và mới được họ chấp nhận.

"Dù sao ban điều hành ngân hàng cũng phải đảm bảo điều kiện tốt nhất về lợi nhuận cho họ dù điều kiện thị trường thực tế khó khăn", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Theo Vnexpress



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.