Bỏ Tết Nguyên Đán: Có ai nghĩ đến hàng triệu người ly hương đang mong về nhà?

10 năm trước, lần đầu tôi biết đến khái niệm "Vận xuân", cuộc di cư thường niên của hàng trăm triệu lưu dân về quê ăn tết.

10 năm trước, lần đầu tôi biết đến khái niệm "Vận xuân", cuộc di cư thường niên của hàng trăm triệu lưu dân về quê ăn tết.

Đó là khi tôi xem bộ phim "Thiên hạ vô tặc" của Phùng Tiểu Cương, với bối cảnh là chuyến tàu cuối năm chở đầy những người lao động nghèo xuyên Trung Hoa về quê ăn tết.

Muộn hơn, và với quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng giống câu chuyện của quốc gia láng giềng, một quá trình nhiều năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư đã tạo ra những vùng trọng điểm kinh tế, hầu hết tập trung ở những đô thị lớn, thuận tiện về hạ tầng, và thu hút lao động ở khắp các miền quê ly hương để mưu sinh.
 

Bỏ Tết Nguyên Đán: Có ai nghĩ đến hàng triệu người ly hương đang mong về nhà?

Bỏ lại làng quê, hàng chục triệu lao động nông thôn lên phố mưu sinh, họ tạo nên sự phồn vinh của thị thành, nhưng thu nhập thấp không thể giúp họ trở thành cư dân đô thị. Đó là một bi kịch thầm lặng của những con người bị lãng quên trong những bản báo cáo phát triển. Mỗi năm một lần, người ta thoáng nhìn ra thân phận lưu dân của hàng chục triệu con người, bởi vận xuân.

Chúng ta nhìn thấy gì mỗi mùa vận xuân?

Các thị dân cấp tiến, đau đáu với khát vọng văn minh nhìn ra những chuyến xe quá tải, nhìn ra tình trạng khan hiếm vé tàu tết lặp lại mỗi năm. Họ tìm thấy động lực để lên tiếng phê phán kỳ nghỉ tết nguyên đán, như là một nguyên nhân tạo ra cuộc di cư mùa xuân phiền toái kinh hoàng.

Các thị dân cấp tiến khác, nặng lòng với công cuộc phát triển đất nước thì nhìn ra sự đình đốn kinh tế khi một lực lượng lớn lao động lãng phí sức lực, thời gian cho một kỳ nghỉ dài. Họ tìm thấy động lực để đề xuất nên ăn tết như Tây cho đất nước phát triển.

Các thị dân tỉnh táo và nhạy bén kinh doanh thì nhìn ra nhu cầu đoàn viên dường như đang bị các doanh nghiệp thổi phồng để tạo nên cuộc đua mua sắm để tăng doanh số bán hàng. Họ tìm thấy động lực để lên án truyền thông vì cổ suý tết đoàn viên vô lối.

Các thị dân dĩ nhiên sẽ không có nhiều động lực để nhìn thấy nhu cầu đoàn viên là điều có thật, không nhìn thấy vận xuân được hình thành bởi sự thôi thúc thầm lặng nhưng mãnh liệt của bất cứ lưu dân nào.

Cuộc di cư mùa xuân của những con người ấy không phải là một thói quen bị tác động bởi truyền thống, hay truyền thông. Đó là cơ hội, là sợi chỉ mong manh vắt ngang mùa xuân nối tâm hồn của hàng chục triệu con người với quê hương bản quán, với ngôi nhà của mình, với những người thân thương.

Và trên tất cả, sợi chỉ mùa xuân ấy là thứ duy nhất níu giữ ý niệm họ vẫn đang sống cuộc đời của một con người.

Nếu không còn tết nguyên đán, không còn vận xuân, cuộc đời của những lưu dân ấy thế nào?

Hôm qua, tôi phỏng vấn một cô gái, một nữ cử nhân trẻ đang khởi nghiệp ở Hà Nội. Cô gái say sưa kể về mơ ước thoát ly khỏi nông thôn của những người trẻ, say sưa nói về cuộc sống đang đi lên về vật chất ở ngôi làng miền trung quê mình, phần lớn nhờ nguồn lực của những người con đi xa và tích cóp gửi về.

Rồi cô gái nói về những ngày tết sắp tới, những ngày mà những người con xa quê sẽ trở về nhà. Đến đây, giọng cô gái chùng lại khi chợt nhận ra chỉ có những ngày ít ỏi đó thì những lưu dân như cô còn gắn bó với đời sống làng quê, dù đó là tất cả cuộc sống của họ.

Lưu dân hiện đại không chỉ là những người lang thang. Họ dịch chuyển từ quê nhà ra thành phố mưu sinh, nhưng thành phố không phải chỗ của họ, mà chỉ đơn giản là một thứ công cụ hút kiệt sức khỏe, tuổi trẻ của họ trong những công xưởng, trong những ngôi nhà mà họ làm ô sin, trong những công trường mà họ làm phu phen.

Sau giờ làm việc, họ mệt mỏi trở về xóm trọ với những bữa cơm đạm bạc, nhắn tin, gọi điện, nghe những chương trình giao lưu kết bạn qua radio, hoặc ngủ vùi chờ đến lúc vào ca.

Đôi khi, tôi tự hỏi: Họ làm thế nào để có thể vượt qua một cuộc sống như thế? Một cuộc sống không chỉ nghèo nàn, tạm bợ về vật chất, mà còn túng thiếu về tinh thần?

Cuối cùng, tôi nhìn thấy sức sống của họ, khát vọng sống của họ nơi hành trình vận xuân. Tôi nhớ đến nụ cười hạnh phúc của chàng phu hồ Dumbo trong bộ phim Thiên hạ vô tặc khi ôm bọc tiền công tiết kiệm cả năm trời để về quê ăn tết.

Trong bộ phim ấy, chàng phu hồ vượt qua quãng đường hơn 1000 cây số để về quê ăn tết. Một khoảng cách quá xa cho sự an toàn. Nụ cười hạnh phúc của chàng đã đánh thức sự thiện lương của những kẻ đạo tặc, nhờ sự đồng cảm. Còn trên hành trình vận xuân bây giờ, tôi không chắc những lưu dân hôm nay có nhận được sự cảm thông để mà giữ nụ cười.

Theo Trí Thức Trẻ


ngày Tết

Tết cổ truyền. Tết Nguyên Đán


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.