Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo và 4 điều kiêng kỵ nhất định phải lưu ý

Theo quan niệm dân gian, 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, là ngày lễ quan trọng trong tâm thức người Việt.

Theo quan niệm truyền thống, ngày 23 tháng chạp hằng năm là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là ngày quan trọng vì vậy dù có bận rộn đến đâu đi nữa thì vào ngày này người dân khắp nơi trên cả nước cũng đều chuẩn bị đầy đủ nghi lễ, vật phẩm để ông Táo về chầu trời. Phong tục này có hẳn một sự tích thú vị cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc hướng con người ta tích cực làm nhiều việc tốt, sống lương thiện.

Cùng tìm hiểu để biết rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa ngày ông Công ông Táo cũng như những điều kiêng kị không nên làm trong ngày này.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo và 4 điều kiêng kỵ nhất định phải lưu ý-1

1. Sự tích ông Công ông Táo

Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" đó là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Tích của người Việt kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, Trọng Cao hay kiếm chuyện, gây gổ với vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày tháng đi qua, tìm mãi, hết gạo hết tiền Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, tình cờ Cao tìm xin ăn đúng nhà của Nhi đúng lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may lúc sau Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Ngọc Hoàng thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân. Giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Vào cuối năm âm lịch, ngày 23 tháng chạp, Táo quân lên chầu Ngọc Hoàng tâu lại mọi điều đã xảy ra trong nhà mình ở.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo và 4 điều kiêng kỵ nhất định phải lưu ý-2

Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc.

2. Ý nghĩa của ngày ông Công ông Táo

Việc thờ thần bếp ở mỗi gia đình là tín ngưỡng có từ xa xưa, với mong muốn một cuộc sống luôn đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu, quý trọng nhau.

Ngoài ra, việc cúng ông Táo có ý nghĩa đề cao tầm quan trọng của bếp lửa trong mỗi gia đình. Bếp lửa ngoài công dụng nấu nướng thì nó còn là nơi cả gia đình quây quần hạnh phúc bên nhau. Các gia đình xưa luôn có bếp lửa trong nhà, ngày nào mà lửa không cháy thì ngày ấy gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương. Chưa kể, các lễ hội xưa nay bao giờ cũng gắn với nghi thức thắp lửa thiêng.

Thông qua sự tích và tập tục này, người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Việc thờ cúng ông Táo chính là tự nhắc nhở bản thân luôn phải sống đúng, làm đúng vì bất cứ chúng ta làm việc gì cũng có thần linh soi chiếu.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo và 4 điều kiêng kỵ nhất định phải lưu ý-3

Người dân thành kính phụng thờ, tin tưởng thần lực của các vị Táo quân. Họ thường nghĩ đến Táo quân khi trong nhà có việc không suôn sẻ.

3. Một số kiêng kỵ ngày 23 tháng chạp

Không nên cúng sau 12h trưa ngày 23 âm lịch

Theo quan niệm trong dân gian, lễ cúng Ông Công, Ông Táo phải được cúng trước giờ Táo Quân bay về trời báo cáo với Ngọc Hoàng tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Do đó, thời điểm để cúng Táo Quân thích hợp nhất là vào khoảng trưa và tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp. Đặc biệt lưu ý là không nên cúng lễ ông Công, ông Táo sau ngày 23.

Không nên đặt mâm lễ dưới bếp
 
Điều kiêng kỵ thứ hai là không được đặt mâm lễ cúng dưới bếp. Bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác không sạch sẽ nên nếu hành lễ ở đây sẽ thiếu trang trọng. 

Bởi vậy việc hành lễ phải được tiến hành tại ban thờ chính, là nơi trang trọng nhất trong nhà chứ không nên thực hiện ở bếp. Nếu nhà bạn không có bàn thờ Táo Quân riêng thì nên thắp hương ở bàn thờ thần linh hoặc gia tiên để giữ được sự linh thiêng, tôn nghiêm nhất.

Không được thả cá chép từ trên cao xuống

Cá chép tượng trưng cho thần linh nên khi thả phóng sinh cần nhẹ nhàng đưa cá xuống nước. Đặc biệt không được đứng từ trên cầu ném cá từ trên cao xuống nước rất có thể cá sẽ bị thương, khó có thể sống sót.

Sau khi thả cá, nên lưu lại một chút xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt trong túi, rác, chỗ nước nông không thể bơi đi được.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo và 4 điều kiêng kỵ nhất định phải lưu ý-4

Không nên cầu xin tài lộc, sung túc

Ngày lễ cúng ông Công ông Táo là để tiễn các vị thần về chầu trời, tâu với Ngọc Hoàng những chuyện tốt, xấu của gia đình trong năm vừa qua chứ không nói gì đến vấn đề tài lộc, tiền bạc.
 
Bởi vậy khi cúng Ông Công, Ông Táo không nên xin được làm ăn phát đạt, tài lộc. Các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt, không nói điều xấu với thiên đình.

 

Theo Tâm An - Vietnamnet


Ông Công ông Táo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.