Dọa nạt có thể gây hại cho bé

Khi con không vâng lời, nghịch ngợm, nhiều bậc phụ huynh dùng cách dọa để trẻ nghe lời. Điều đó có nên không?

Nhiều cha mẹ đã biến nỗi sợ của con thành vũ khí để chúng nghe lời và tránh xa những điều không tốt hoặc có thể gây hại cho bé. Phương pháp đó có thật sự tốt cho trẻ? Hãy nghe chia sẻ của một số người về vấn đề này.

Câu chuyện 1:

Anh Lê Công Toàn, ngụ ở huyện Dĩ An, Bình Dương kể: "Vợ tôi vốn là y tá, cô ấy chăm con rất kỹ. Đã bao lần cô ấy bỏ mặc những món ăn cháy khét trên bếp để chạy ra bế cu Ti khi thấy thằng bé đi chân đất. Vừa rửa chân cho con, cô ấy vừa mắng: "Sao con không mang dép? Con có biết đi chân đất thì vi trùng, giun sẽ chui qua chân vào người con không?".

Bây giờ, cu cậu sợ đến nỗi không có giày, dép là không chịu được. Ngay cả khi ở trong nhà, dù sàn nhà được lau sạch boong, thằng bé cũng nằng nặc đòi mang dép. Chẳng biết có cách nào để xóa đi nỗi sợ này của thằng bé không?".

Với những đứa trẻ cứng đầu, dọa dẫm càng làm cho chúng bất trị và xa cách với bố mẹ hơn

Câu chuyện 2:

Chị Trần Thị Hòa, sống tại Q. Thủ Đức, TP. HCM kể: "Con gái tôi năm nay 4 tuổi. Bé rất bụ bẫm, đáng yêu, ai cũng muốn bẹo má. Bà nội bé từ khi nghe được những tin về lạm dụng tình dục trẻ em cứ luôn miệng căn dặn: "Khi gặp người lạ, nhất là đàn ông, con đừng cho họ lại gần hoặc đụng vào người con. Họ là người xấu. Họ sẽ bắt con đi bán cho mẹ mìn đấy!".

Kể từ đó, chú nào, bác nào lạ đến nhà chơi là bé đều tìm cách lẩn tránh. Ngày em trai tôi đi du học về, tôi dắt con bé sang nhà ngoại đón cậu. Thấy cháu, em trai thôi chạy ào ra bế thốc con bé lên. Vì cậu ấy chưa kịp cạo râu, lại cắt tóc đinh, chẳng giống trong ảnh nên bé không nhận ra. Vừa giãy giụa, con gái tôi vừa đấm túi bụi vào mặt cậu và hét lên: "Ông là người xấu...".

Câu chuyện 3:

Cháu gái của chị Nguyễn Kim Oanh, giáo viên một trường trung học tại TP. HCM, rất sợ bà buôn ve chai trong xóm. Chị tâm sự: "Bé Na vốn hiếu động, nghịch ngợm. Mỗi lần đến giờ ăn là cả nhà lại loạn cả lên. Con bé hết nhào lên, thụp xuống lại chạy khắp nhà, đút được một muỗng cơm đã khó nhưng nó lại thường xuyên nhè ra.

Một lần, khi đang cho Na ăn, thấy bà buôn ve chai đi ngang qua, mẹ bé gọi với ra: "Bà ơi, tôi bán bé Na này, bà bỏ vào bao mang đi nhé!". Rồi cô ấy vờ bế bé Na đi ra cửa. Con bé giãy nảy, khóc thét lên.

Khi mẹ hứa không bán bé cho bà ve chai nữa, cháu tôi ngồi ăn cơm rất ngoan. Từ đó, mỗi lần bé Na quấy, cô ấy lại lấy bà ve chai ra dọa. Thế nhưng, con bé nghe mẹ dọa hoài riết cũng quen, chẳng những không sợ mà còn lỳ lợm hơn trước".

Lời bàn:

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, khoa Tư vấn Tâm lý, phòng khám đa khoa Tân Định cho rằng: "Kiểu dọa con trong hai trường hợp đầu có thể chấp nhận được nhưng nên có chừng mực. Tuy không hoàn toàn chính xác, khoa học nhưng nó cũng có cơ sơ (ở dơ sẽ bị bệnh, cần cảnh giác với người lạ vì họ có thể rất nguy hiểm)".

"Bạn cảnh báo con mình không tiếp xúc với người lạ là đúng, nhưng người lớn cũng không nên "vơ đũa cả nắm", cần phân tích để trẻ biết người lạ là người nào. Chẳng hạn, người lạ là những người bé gặp ngoài đường, người bé không quen... Bạn bè của bố mẹ đến nhà chơi, cần đưa bé ra chào để con không cảm thấy xa lạ vào những lần gặp sau".

"Trường hợp thứ ba, dù bé biếng ăn, mẹ cũng không nên dọa bán cho bà ve chai. Một số người còn dọa mang con cho công an bỏ tù, đến bác sĩ chích thuốc hay để cho thằn lằn cắn mông... Tất cả những kiểu dọa này hoàn toàn không có cơ sở. Trong những lần đầu, trẻ có thể sợ và nghe lời. Nhưng khi không thấy có chuyện gì xảy ra, bé sẽ lờn thuốc, cứng đầu hơn".

"Thỉnh thoảng, bạn có thể lấy hình ảnh ông ba bị, bà phù thủy, con nhện... để răn đe khi bé hư, không nghe lời. Tuy nhiên, điều quan trọng là không được lạm dụng vì có thể gây ra tâm lý hoảng loạn, kinh hoàng ở trẻ".

Sự sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh. Bé trở nên nghi ngờ, không có niềm tin vào cuộc sống. Thấy con gì bé cũng sợ, gặp ai bé cũng e dè, dần dần, con bạn trở nên rụt rè, tự ti.

Với những đứa trẻ cứng đầu, dọa dẫm càng làm cho chúng bất trị và xa cách với bố mẹ hơn. Do đó, bạn có thể cảnh cáo, nhắc nhở con trong chừng mực hợp lý. Nên cân nhắc khi bạn quyết định dùng sự sợ hãi của con để làm vũ khí.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.