Nhà chồng "kĩ tính" bắt nàng dâu không được mặc váy, phải gập người xin phép khi ra ngoài

Không được mặc váy, phải cúi đầu xin phép cả 15 phút mỗi khi muốn ra ngoài… là những điều tưởng chừng như vô lý mà có thực trong cuộc sống của một nàng dâu 30 tuổi mới kết hôn được 1 năm.

Không được mặc váy, phải cúi đầu xin phép cả 15 phút mỗi khi muốn ra ngoài… là những điều tưởng chừng như vô lý mà có thực trong cuộc sống của một nàng dâu 30 tuổi mới kết hôn được 1 năm.

Phàm là phụ nữ, khi lấy chồng ai cũng mong mình sẽ chọn lựa được một nhà chồng gia giáo và nền nếp. Tuy vậy, thực tế vẫn có không ít trường hợp dở khóc dở cười khi sự gia giáo và nền nếp đó bị biến tướng, khiến chúng trở thành một chiếc thòng lọng thực sự "thít cổ" nàng dâu.

Mới đây, câu chuyện thật như đùa diễn ra trong một gia đình hiện đại nhưng khiến nhiều người nhầm tưởng với xã hội Việt Nam thế kỷ trước đã để lại một cuộc tranh luận gay gắt trên một diễn đàn lớn nổi tiếng mạng xã hội. Nàng dâu 30 tuổi, tuy mới kết hôn được chưa đầy 1 năm nhưng đã sớm nhận "trái đắng" khi chứng kiến hết sự kỳ lạ này tới kỳ cục khác trong lề thói sinh hoạt nhà chồng. Từ việc con dâu không được mặc váy, cúi đầu gập người xin phép mỗi khi muốn ra ngoài cho tới việc ăn cơm phân chia theo thứ bậc…. tất cả những hành động này đã khiến cô gái trẻ khiếp sợ, ngán ngẩm ví mình với "nô lệ thời trung cổ".

Chuyện khó tin về nhà chồng gia giáo bắt nàng dâu không được mặc váy, gập người xin phép khi ra ngoài - Ảnh 1.

Những lề thói sinh hoạt cổ hủ khiến cô con dâu phải khiếp sợ. (ảnh minh họa)

Sau khi được đăng tải, bài tâm sự này đã nhanh chóng nhận được rất nhiều ý kiến bình luận từ các thành viên. Đa số đều tỏ thái độ bức xúc với gia đình chồng "kỳ quặc" như nàng dâu kể. Có người còn cho rằng nên quay phim lại để đưa vào viện bảo tàng để gìn giữ giá trị văn hóa của thời đại phong kiến còn sót lại.

Nguyên văn bài tâm sự gây bức xúc của một nàng dâu 30 tuổi:

Mình năm nay 30 tuổi và kết hôn đã được gần một năm. Anh và mình yêu nhau khi hai đứa còn là sinh viên, và anh có việc làm rất ổn định với mức lương cao ở một công ty nước ngoài. Nhiều lần mình được nghe anh kể về gia đình với tất cả sự hồ hởi và tâm đắc. Anh bảo rằng gia đình anh nổi tiếng là có truyền thống gia giáo, sống rất tình cảm.

Nghe anh nói làm mình cũng yên tâm vì mình được làm dâu cho một gia đình như thế sẽ luôn được che chở và bao bọc. Mình sẽ có một môi trường sinh hoạt thân thiện và nền nếp.

Nhưng thật không ngờ mọi hy vọng theo hướng tích cực ấy của mình đã hoàn toàn bị sụp đổ. Gần một năm làm dâu cho gia đình ấy là chuỗi ngày đắng cay và mệt mỏi. Những người mà anh hết lời ca ngợi lại mang trong mình tư tưởng nặng nề phong kiến hà khắc, cổ hủ và áp đặt. Mình không nghĩ ở cái thời đại tiên tiến này lại còn tồn tại một gia đình như thế.

Mặc dù dạy ở trường cách nhà chồng hơn 10km nhưng mình không được thuê phòng trọ hay ở lại trong khu tập thể của nhà trường. Vì từ ngày đầu bố mẹ chồng đã ra quy định phải đi đến nơi về đến chốn, không được ở lại hay la cà bên ngoài… Nhiều khi có tiết thao giảng hay dự giờ cần ở lại thì mình cũng phải xin phép nài nì mãi mới cho. Mẹ chồng mình còn gọi điện kiểm tra mình có làm như đã hứa không nữa.

Điều kỳ lạ là trong nhà chồng mình tồn tại một quy tắc rất độc đoán. Mỗi lần xin phép làm chuyện gì thì phải cúi gập người, đợi cho bố mẹ chồng đồng ý thì mới được ngẩng mặt lên. Có lần hai vợ chồng xin đi dự đám cưới mà phải mất gần 15 phút cúi đầu mới nhận được sự cho phép.

Từ ngày lấy chồng, tất cả váy vóc mình đều phải bỏ xó hoặc đem cho người khác. Trong ngôi nhà mang tính phong kiến này thì chuyện đó không được chấp nhận. Bố mẹ chồng mình bảo mặc váy chỉ dành cho những đứa đua đòi, lẳng lơ và nhìn rất xúc phạm đến danh dự của gia đình. Biết là phải nhập gia tùy tục nhưng bố mẹ chồng đâu nhất thiết phải suy nghĩ cổ hủ như thế chứ! Chẳng trách gì mà đến giờ ông bà nội vẫn còn giữ mấy bộ áo quần của đời trước như áo the khăn chít.

Mình nhớ có lần bố mẹ mình đến thăm thông gia, bố mẹ chồng đã mặc mỗi người một bộ quần áo kiểu dáng ngày xưa rồi ra ngồi đón tiếp khách. Lúc ấy, bố mẹ mình còn nhìn nhau cười ngạc nhiên vì không ngờ ông bà lại lạc hậu đến thế.

Bữa cơm của gia đình chồng mình cũng cực kỳ phong kiến. Nếu có ai đến chơi thì sẽ nhận ra trên mâm cơm được phân chia đẳng cấp rất rõ ràng. Bao giờ cánh đàn ông cũng ngồi riêng một mâm. Như hôm bố mẹ mình tới chơi, nhà chỉ có 6 người nhưng 2 mâm cỗ. 3 người một mâm.

Từ ngày lấy anh, mình đã cố hết sức làm tròn nghĩa vụ của một nàng dâu đảm và hiếu thảo. Tuy nhiên, trong mắt ông bà dường như mình vẫn là người ngoài không máu mủ nên chẳng có chút tình thương. Chưa bao giờ, ông bà gọi mình một tiếng con cho tình cảm. Lúc nào bố mẹ chồng cũng gọi mình là cô hoặc chị như người dưng nước lã.

Mới một thời gian lấy nhau nhưng bố chồng mình suốt ngày ca thán chuyện sinh cháu nội đích tôn khiến mình áp lực và mệt mỏi vô cùng. Mẹ chồng mình lại là người cực kỳ khó tính, chỉ cần một chút không vừa lòng là bà lại mắng mỏ không tiếc lời. Mỗi lần thấy anh tỏ ra quan tâm mình thì bà lại cau mày, nhăn mặt nói mỉa mai rất nặng nề. Bà bảo anh như thế là làm hỏng vợ, có ngày vợ ngồi trên đầu hỏng hết cả tôn ti trật tự….

Mình không ngờ quãng đời làm dâu của mình lại khổ cực và chán ngán đến thế. Đến nỗi một phút nghỉ ngơi hay than thở với chồng cũng không có. Gần một năm làm dâu trong nhà anh mà mình tưởng chừng như hàng ngàn thế kỷ, bị đối xử như một nô lệ thời trung cổ.

Mình làm dâu đâu phải ngày một ngày hai, rồi sẽ đụng chạm va vấp không ít lần nữa nhưng cứ kiểu này thì mình biết ứng xử với nhà chồng sao cho đúng đây?

Theo Trí thức trẻ

gia đình chồng

nàng dâu

nhà chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.