Những điều vợ chồng tuyệt đối tránh trong dịp Tết

Chi tiêu bao nhiêu tiền, trang trí nhà cửa thế nào, chăm sóc con cái ra sao... đều có thể là những nguyên nhân gây tranh cãi cho vợ chồng trong dịp Tết.

Chi tiêu bao nhiêu tiền, trang trí nhà cửa thế nào, chăm sóc con cái ra sao... đều có thể là những nguyên nhân gây tranh cãi cho vợ chồng trong dịp Tết.

1. Mua sắm ngày cận Tết

Tết là thời kỳ tuyệt vời nhất trong năm nhưng cũng là thời kỳ bạn phải tiêu nhiều tiền nhất. Ai cũng muốn nhà cửa thật sạch đẹp, sáng sủa nên nhiều người sẽ không ngại chi tiền mua sắm những vật dụng mới trong gia đình. Nếu chồng cũng đồng lòng như vợ về khoản chi tiêu, khi cộng các chi phí mua sắm, đi lại... rất dễ dẫn đến bội chi. Còn nếu trong gia đình người này ủng hộ chi, người kia thì thấy không cần thiết bởi họ quan niệm Tết chỉ có vài ngày, không cần lãng phí đến vậy. Như vậy, dù thế nào trong giai đoạn này vợ chồng cũng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Giải pháp:

- Trước Tết, hãy tiết kiệm một khoản dành riêng cho việc mua sắm để khỏi bị "thủng" quỹ chung

- Chọn những dịp giảm giá, xả kho trong dịp Tết. Một số món ăn và đồ trang trí nhà cửa thay vì mua để giảm chi, chia sẻ dịch vụ chung với một số bạn bè, ví dụ thuê chung ôtô cùng gia đình bạn bè để giảm chi phí đi lại.

- Thảo luận kỹ lưỡng về kế hoạch chi tiêu dịp Tết và thực hiện theo nguyên tắc chung để cả hai cùng đồng thuận.

- Nếu một trong hai người, chồng/vợ đã trót mua sắm đồ đạc về trang hoàng trong nhà thì việc bạn có tức giận cũng không thể làm cho mọi thứ tốt hơn, đồ đạc cũng không thể trả lại cửa hàng được nữa. Đừng mang bộ mặt bí xị khi họ mang đồ về. Hãy nghĩ tích cực rằng, nhờ có họ mà ngôi nhà trở nên đẹp hẳn lên và tốn tiền cho ngày Tết một chút cũng đáng.

2. Tết quê nội, tết quê ngoại

Đây là nỗi ám ảnh với rất nhiều cặp vợ chồng ở hai quê khác nhau, nhất là ở nơi xa xôi. Việc ăn Tết ở nhà chồng hay nhà vợ luôn là đề tài dễ gây tranh cãi của mỗi cặp vợ chồng: Chồng buộc vợ phải về quê nội ăn Tết vì quan niệm “thuyền theo lái gái theo chồng”, còn vợ cũng muốn cả hai về quê ngoại bởi lý do bao nhiêu năm không được ăn Tết trọn vẹn ở bên bố mẹ đẻ. Mâu thuẫn trở thành cãi vã và kết thúc là nếu có về bên nào thì cả hai cũng đều miễn cưỡng và thấy bực bội.

Một chân lý rất cũ là chúng ta không bao giờ được chọn lựa những người ruột thịt của mình, và điều này cũng đúng với bên phía người bạn đời của bạn. Vì vậy cần rất tỉnh táo để tránh những va chạm tế nhị khi ngày Tết đang về.

Giải pháp:

- Hãy rà soát lại những năm trước ăn Tết ở đâu? đặc điểm đặc biệt gì trong Tết năm nay ở hai gia đình? con cái đã lớn đủ để đi xa chưa? có quá tốn kém không?... Hãy cân nhắc và tính toán kỹ các yếu tố trước khi quyết định ăn Tết ở đâu?​

Đôi khi những tình huống đặc biệt sẽ quyết định thay cho bạn. Ví dụ, nếu một thành viên trong gia đình bị ốm, đương nhiên bạn nên ưu tiên dành thời gian thăm nom người đó. Nếu không, tốt nhất là chia thời gian cho cả hai bên nội ngoại. Nếu một trong hai người muốn trốn Tết và người kia thì không, hãy thảo luận những mong muốn của bạn trong ngày lễ một cách thật thà nhất và xem liệu 2 người có thể thỏa hiệp được gì với nhau, ví dụ thăm bố mẹ trong ngày mùng 1 và sau đó thì cùng nhau đi nghỉ.

- Chuyện ăn Tết ở quê ai có còn trở nên quan trọng hay không khi các bạn cần nhất là sự vui vẻ đầm ấm? Nếu ở gần nhau, các bạn có thể bố trí thời gian để về ăn Tết hai nơi, còn quá xa nhau thì hãy bàn bạc trước xem ăn Tết ở quê ai cho phù hợp và tiện lợi nhất. Còn nếu vẫn không thể thỏa thuận được và bạn buộc phải đi theo ý kiến người kia thì cũng cần học cách suy nghĩ tích cực để cho mọi việc được nhẹ nhàng hơn.

3. Gánh nặng việc nhà trong ngày giáp Tết

Những ngày giáp Tết, cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bị đảo lộn. Phần vì công việc cuối năm quá nhiều, phần lại vì phải đầu tắt mặt tối lo đưa đón con cái, lo việc gia đình vì “ôsin” nghỉ Tết. Đó là nguyên nhân dễ dàng để bạn cảm thấy dường như mình đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm và điều này có thể nhanh chóng khiến bạn bùng nổ.

Giải pháp:

- Với nhiều gia đình, khi ôsin không ở lại, họ đã tìm đến dịch vụ thuê giúp việc theo giờ để giảm bớt gánh nặng việc nhà dịp cuối năm. Mức giá thuê dịch vụ giúp việc theo giờ dịp cuối năm thường từ 50.000 - 100.000 đồng/giờ, tùy theo lượng công việc… nếu giúp việc cả ngày vào những ngày Tết thì giá từ 300.000 đồng/ngày trở lên.

- Nhiều gia đình tuy không có ôsin, thường thuê giúp việc cuối tuần để lau dọn nhà cửa, thì nay nhiều người cũng động viên chồng con cuối tuần cùng nhau dọn dẹp, vừa vui lại đỡ tốn tiền. Vì thế, để không bị "quá tải", khi bắt đầu chuẩn bị cho Tết, hãy lập một danh sách những gì cần phải làm và xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho mỗi việc. Mỗi tuần nên nói chuyện lại để đánh giá quá trình thực hiện của bạn, chỉnh sửa danh sách khi cần thiết, và thảo luận về cảm giác của mỗi người. Nếu một trong hai người cảm thấy khối lượng công việc không cân bằng, hãy nói ra và cùng điều chỉnh.

4. Qùa biếu, quà tặng

Tết với mỗi gia đình không chỉ là mua sắm đồ đạc ăn uống trong nhà, nhiều cặp vợ chồng còn phải có thêm nỗi lo là biếu quà cho hai bên nội ngoại hay cho sếp. Làm sao cho món quà Tết ý nghĩa, được ông bà, sếp thích mà lại hợp với túi tiền... luôn là nỗi đau đầu với nhiều người. Đã có rất nhiều chuyện dở khóc dở cười về mâu thuẫn gia đình xuất phát từ việc chuyện đi biếu như thế nào, biếu những gì… Chồng thì muốn biếu túi quà kèm theo phong bì, vợ lại tư vấn mua đồ quê ngon và sạch cho ý nghĩa. Với hai cách nghĩ này hai vợ chồng sẽ dễ xảy ra cãi vã do cách suy nghĩ khác nhau. Nhiều cặp vợ chồng giận nhau đến vài tháng.

Giải pháp:

- Chìa khóa để tránh xung đột về quà tặng, quà biếu trong dịp Tết là trao đổi trung thực và không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Nói chuyện này sớm và cùng quyết định xem những ai trong gia đình, bạn bè và người quen nào được tặng quà, và vợ chồng bạn có thể chi tiêu bao nhiêu cho biếu quà ngày Tết.

- Ngoài ra cũng không cần thiết phải chọn những món quà đắt tiền mới quý, điều quan trọng là món quà đó có giá trị sử dụng đối với người được tặng. Hoàn toàn không nên vì chuyện quà biếu mà gây áp lực hoặc làm mất đi tình cảm tốt đẹp vợ chồng.

5. Những bữa tiệc tất niên và mừng năm mới

Tham gia rất nhiều nhóm hội, bạn sẽ dự lễ tất niên hay tiệc mừng năm mới với nhóm bạn nào? Bạn học phổ thông hay bạn đại học, hay bữa tiệc của gia đình. Bạn có đưa vợ chồng đi dự tiệc ở công ty cùng mình hay đi một mình. Xung đột xung quanh việc lập kế hoạch vui chơi là điều không thể tránh khỏi trong những lễ Tết. Đừng nghĩ rằng đây là việc đơn giản bởi không ít các cặp vợ chồng đã mất cả Tết chỉ vì chuyện này.

Giải pháp:

- Hãy liệt kê sự kiện mà mọi người muốn bạn tham gia và cùng nhau quyết định đâu là sự kiện quan trọng với cả gia đình, đâu là sự kiện chỉ dành cho một cá nhân. Hãy tôn trọng nhau.

- Về phía người vợ: Không nên tỏ thái độ từ chối hay bất mãn mỗi khi anh xã mời bạn bè đến dự tiệc vì ai cũng cần có bạn và tiệc ăn uống là điều khó tránh khỏi. Không nên nếu bạn làm việc đó một cách miễn cưỡng với bộ mặt xầm xì. Học cách chia sẻ khi hai vợ chồng đang thoải mái nói chuyện với nhau, bàn bạc trước xem nên mời ai và vào lúc nào để cả hai chuẩn bị được tốt. Ngoài ra, thống nhất với anh xã nên sử dụng bao nhiêu rượu để khỏi rơi vào tình trạng quá say xỉn. Thậm chí phân công nhau cùng nấu nướng sẽ giúp cho cả hai tránh rơi vào tình trạng quá mệt vì chuẩn bị tiệc tùng.

- Về phía người chồng: Cần thông cảm cho những nỗi vất vả, mệt mỏi của vợ dịp Tết, đừng mặc định bạn đời phải phục vụ tiệc tùng cho bạn và các chiến hữu. Hãy thể hiện sự tôn trọng cô ấy bằng cách bàn bạc trước dự định mời bạn và lắng nghe ý kiến của vợ. Khi tổ chức tiệc, hãy tham gia cùng vợ các công đoạn chuẩn bị cũng như dọn dẹp...

6. Lì xì năm mới

Với các cặp vợ chồng khá giả thì việc này đỡ đau đầu, còn với những đôi có thu nhập thấp thì đây là nỗi lo lớn. Rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề lì xì cho con cháu họ hàng bao nhiêu tiền. Vì vậy có không ít cãi vã nảy sinh quanh việc “Tại sao anh lì xì cho cháu anh nhiều thế mà cháu em thì lại ít hơn?”; hoặc “Nhà đã không còn tiền mà anh mừng tuổi nhiều thế, đã nghèo mà còn sĩ”. Sự so sánh, những câu nói gây tự ái sẽ dễ xảy ra lúc bạn căng thẳng.

Giải pháp: 

- Hai vợ chồng nên chuẩn bị sẵn các bao lì xì cho phù hợp từ trước. Các bạn đừng vì tâm lý ăn thua mà cố gồng mình lên để lì xì cho bằng người khác. Mừng tuổi là phong tục thiêng liêng để đem lại sự may mắn và chúc an lành cho người khác. Vì thế, đừng khiến nó trở nên quá phức tạp với việc tranh cãi vì chuyện lì xì ít hay nhiều.

Theo GĐXH



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.