Từ vụ nam thanh niên giết vợ và con trai 2 tuổi, ứng xử khôn ngoan của vợ chồng để tránh bi kịch đau lòng

Vụ nam thanh niên giết vợ và con trai 2 tuổi ở Hà Nội do mâu thuẫn vợ chồng đang gây chú ý như một hồi chuông cảnh tỉnh các cặp vợ chồng cần biết cách xử lý, giải quyết những khúc mắc trong gia đình khéo léo để tránh những sự việc đau lòng.

Mâu thuẫn nhỏ, hệ quả lớn

Vụ án do mâu thuẫn quan hệ vợ chồng ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội những ngày này đang gây bức xúc dư luận khi thủ phạm là người chồng đã ra tay sát hại chính vợ và đứa con trai 2 tuổi của mình dã man. Theo như chia sẻ của gia đình, cuộc sống hôn nhân của Quách Văn Nam (31 tuổi, trú tại Thụy Khuê - phường Bưởi - quận Tây Hồ - Hà Nội) không được hòa thuận. Vợ chồng Nam thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Và vào ngày 3/5 vừa qua, thảm kịch gia đình đã xảy ra khi Nam dùng dao giết vợ cùng con trai tử vong trong chính căn nhà của mình.

Thời gian gần đây, người ta không khỏi bàng hoàng trước ngày càng nhiều những vụ án chồng sát hại vợ, vợ sát hại chồng diễn ra ở nhiều mức độ dã man khác nhau. Nhìn chung ở những vụ án đau lòng này đều liên quan tới những mâu thuẫn gia đình, hành động bộc phát không có chủ ý trước.

Các cặp vợ chồng đều có âm ỉ mâu thuẫn từ rất lâu như trường hợp nam thanh niên giết vợ và con trai 2 tuổi ở Phường Bưởi trên và khi ra tay với đối phương hết sức tàn độc tạo ra những tấn bi kịch đau lòng.

Từ vụ nam thanh niên giết vợ và con trai 2 tuổi, ứng xử khôn ngoan của vợ chồng để tránh bi kịch đau lòng-1

Ảnh minh họa

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, thực tế nhiều vợ chồng thường xuyên xảy ra xung đột, "cơm không lành, canh không ngọt" khi sống cùng mái nhà dù trước đó họ từng rất yêu thương nhau. Ban đầu mâu thuẫn chỉ là những xích mích rất nhỏ.

Vì thiếu kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, thiếu lòng bao dung, mâu thuẫn đó dần dẫn tới cao trào. Và chỉ vì "đốm lửa nhỏ" ấy không được giải quyết và người trong cuộc thiếu đi bản lĩnh kiểm soát cảm xúc, khả năng kiềm chế mà gây ra những vụ việc đau lòng khi nóng giận.

Điều cốt yếu khiến con người ta trở nên hung ác là do lệch lạc về nhận thức và quan điểm sống. Cùng với đó là tác động khách quan bên ngoài dẫn tới đổ vỡ hôn nhân và các hành vi giết vợ, giết chồng dã man mất hết tính người.

Ứng xử khôn ngoan để vợ chồng hạnh phúc

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, vợ chồng vốn là mối quan hệ giữa hai người không cùng họ nhưng gắn kết với nhau bằng tình, nghĩa và trách nhiệm cùng con cái. Xưa nay mọi người vẫn nghĩ là con cái trưởng thành lập gia đình vậy là ổn, có thể thở phào nhẹ nhõm vì xong bổn phận.

Kỳ thực, cuộc sống hôn nhân bắt đầu sẽ kéo theo nhiều vấn đề, để có được hạnh phúc đòi hỏi cả hai phải yêu thương, kiện toàn nhiều yếu tố. Khi cuộc sống hôn nhân có sự trục trặc cần phải tìm cách để "chạy chữa". Sự nghi ngờ, ghen tuông, xích mích… không được "chạy chữa" đúng chẳng những cuộc hôn nhân không cứu vãn được mà tích tụ đến một ngày nào đó để lại hệ quả đau lòng.

Đó không chỉ là vợ chồng xích mích, cãi vã, bạo hành, thậm chí gia tăng cái ác, giết hại nhau như các vụ bi kịch chồng giết vợ, vợ giết chồng. Và ở trong những cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc này, người đau lòng hơn cả vẫn là ở những đứa trẻ - sợi dây kết nối của hai vợ chồng.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để tránh những va chạm có thể dẫn đến bi kịch, vợ chồng giận nhau nếu ai nóng giận người kia nên bớt lời, đừng tranh khôn với nhau, biết rèn đức "nhẫn". Hãy chờ lúc người đó bình tĩnh rồi nói chuyện với nhau cũng như "cơm sôi nên bớt lửa". Sự kích động đó nếu như thiếu kĩ năng làm chủ cảm xúc bản thân sẽ bùng phát cơn nóng giận, gây án với người thân của mình.

Khi hai người không thể tự hòa giải mâu thuẫn được nên tìm trung gian, cầu nối quan trọng giúp tháo gỡ mâu thuẫn. Thực tế, ở những gia đình sống chung kiểu "tam đại, tứ đại đồng đường" xưa dù hơi tù túng nhưng hiếm có những vụ bạo hành.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, người ta thường xây dựng những tổ ấm riêng lẻ. Dù vậy, gia đình nào có sự liên hệ chặt chẽ, quan tâm với nhau để hỗ trợ, giải quyết khó khăn hay kịp thời khuyên can từ người thân cũng hạn chế được bạo hành.

Giải pháp căn cơ cho vấn nạn bạo hành hôn nhân dẫn đến sát hại lẫn nhau vẫn là con người cần hoàn thiện chính mình bằng sự tu dưỡng đạo đức, hướng thiện. Thứ 2, bản thân người vợ người chồng cần tập nhìn thật sâu để thấy được ưu – khuyết điểm của mình và người bạn đời của mình để hài hòa.

Sự cầu toàn ở một người dễ khiến không hài lòng, bực bội. Vợ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn, hiểu lầm, nghi ngờ khi chung sống nên nếu có cần sẻ chia và tháo gỡ kịp thời. Sự chịu đựng của con người chỉ có giới hạn và rất nguy hiểm nếu bùngvỡ.

Vợ chồng đến với nhau từ chữ "duyên". Khi đã cố gắng "chữa chạy" về mối quan hệ vợ chồng đang đi xuống, đổ vỡ mà mọi nỗ lực đều không thể cải thiện được tình trạng hôn nhân bất hạnh đó thì nên giải thoát cho nhau. Thành công thường không do một mình và ngược lại đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân không chỉ lỗi của một người.

 

THEO GIADINH.NET.VN 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-vu-nam-thanh-nien-giet-vo-va-con-trai-2-tuoi-ung-xu-khon-ngoan-cua-vo-chong-de-tranh-bi-kich-dau-long-20200505151042754.htm

giết vợ

mâu thuẫn vợ chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.