Vợ bụng bầu vượt mặt nhễ nhại nấu cơm, chồng đi chơi về còn quát nạt

Chồng cô, nào chỉ dừng lại ở suy nghĩ nói không với việc nhà, mà Tuấn đã trở nên ích kỉ, vô tâm tới cay nghiệt, độc ác.

Chồng cô, nào chỉ dừng lại ở suy nghĩ nói không với việc nhà, mà Tuấn đã trở nên ích kỉ, vô tâm tới cay nghiệt, độc ác.

Hồi sắp cưới Tuấn, Nhã mới biết được câu châm ngôn gối đầu giường của anh chính là “Đàn ông nói không với việc nhà”. “Đàn ông là phải làm công to việc lớn, làm trai cho đáng nên trai, em hiểu không? Em đừng làm nhục đàn ông bằng việc bắt họ phải san sẻ việc nhà cho em nữa. Nữ công gia chánh, tề gia nội trợ là của đàn bà, cái bếp là giang sơn của người vợ!”, Tuấn tuyên bố như vậy.
 
Nhã cũng chán nản lắm, nhưng chẳng lẽ vì thế mà bỏ nhau, khi đã sắp cưới tới nơi. Nhất là mọi người lại vun vào, bảo rằng, đàn ông chỉ cần đứng ra làm trụ cột cho gia đình là được rồi, còn chuyện việc nhà hay không quan trọng gì, nhờ họ thì thôi mình làm cố một tí cho xong. Ít nữa có tiền thì thuê người, lo gì mấy cái chuyện nhỏ nhặt ấy. Nhã nghe thế cũng cho là có lí, vì thế tặc lưỡi cho qua. 
 
Ảnh minh họa
 
Cưới xong, dĩ nhiên việc nhà một mình Nhã cân tất. Tuấn tuyệt đối không động tay vào bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất, dù có tiện đường ra ngoài chạy bộ buổi chiều nhưng cũng nhất quyết không mang túi rác đi bỏ. Có lần, Nhã mệt nên ăn cơm xong có nhờ Tuấn rửa bát hộ. Vừa vào phòng chưa kịp đóng cửa thì “xoảng”, Nhã nghe thấy tiếng bát đũa vỡ loảng xoảng ở trong bếp. Cô vội chạy ra thì thấy cả mâm bát đã vỡ tan tành, lăn lông lốc dưới sàn nhà. Lúc ấy Nhã vẫn nghĩ chắc Tuấn trượt tay làm rơi, cô còn nhỏ giọng trách chồng: “Sao anh không cẩn thận thế?”. Ai ngờ Tuấn quắc mắt nhìn vợ: “Tôi ném đi đấy. Cô không rửa được thì tôi đập hộ, đỡ phải rửa còn gì!”. Nhã nghẹn họng, vừa thu dọn đống mảnh vỡ vừa rơi nước mắt vì tủi thân.
 
Cưới được 5 tháng thì Nhã có bầu. Từ khi có em bé, đặc quyền của cô trong nhà cũng chẳng được nâng cao thêm chút nào. Mọi việc vẫn đến tay cô như bình thường. Mấy lần Tuấn có bóng gió về việc Nhã không nên đòi hỏi này họ, bởi “mang thai sinh con là trách nhiệm ngàn đời của phụ nữ, đàn bà ai chẳng thế, có gì to tát ghê gớm đâu mà phải đòi được này được kia”. Nghe thế Nhã cũng chẳng dám ho he cất lời gì, chẳng thay đổi được chồng, chỉ tổ làm không khí gia đình căng thẳng thêm mà thôi.
 
Nhã mang thai tới tháng thứ 8 vẫn đi làm, lại vào mùa hè, khó chịu, mệt mỏi vô cùng. Về nhà lại cơm nước, việc nhà, nhiều lúc cô muốn kiệt sức. Tuấn lại ưa sạch sẽ, thích ăn ngon, vì thế dù mệt Nhã vẫn phải hoàn thành tốt các công việc nội trợ như trước chẳng được nhân nhượng chút nào.
 
Tối ấy, Tuấn bận đi đánh tennis với đồng nghiệp, bảo Nhã nấu cơm muộn so với mọi hôm. Nhã đi làm về thì vào phòng nằm nghỉ, lúc sau trở dậy, cô đang nấu cơm thì Tuấn cũng về tới nhà. Vừa vào bếp, nhìn thấy vợ một cái anh đã to giọng quát: “Ở nhà làm cái gì mà có cái túi rác cũng không mang đi đổ? Lười vừa thôi chứ, định mấy ngày mới đổ rác 1 lần à? Em học ở đâu ra cái thói ấy thế?”.
 
Nhã có nói lại tình hình, là vì cô nằm ngủ một lúc nên quên mất, Tuấn mắng át đi ngay: “Đừng có mà lí do lí trấu nữa. Đổ rác xong vào nằm thì chết à? Biết người khác không chịu được bẩn nhưng vẫn cố tình quên, đúng là hết nói nổi!”. Nói xong, Tuấn còn bực dọc đá thúng đụng nia rồi mới đi vào phòng lấy quần áo đi tắm. Nhã đứng cầm đôi đũa đang nấu ăn ở trong bếp mà tẽn tò không biết nói gì, làm gì cho phải.
 
Lau vội mồ hôi nhễ nhại trên mặt, lại đưa tay vuốt chiếc bụng đã to tướng của mình, nước mắt cô không tự chủ được tí tách rơi xuống. Hình như phụ nữ có thai mau nước mắt hơn thì phải. Theo từng giọt nước mắt, cô cũng cảm thấy một nỗi bải hoải, chán chường xâm chiếm toàn thân mình. Cô đã nhiều lần dặn lòng, tính Tuấn thế rồi, sống cùng lâu sẽ quen, nhưng có lẽ cô chẳng bao giờ có thể quen nổi được. Chồng cô, nào chỉ dừng lại ở suy nghĩ nói không với việc nhà, mà Tuấn đã trở nên ích kỉ, vô tâm tới cay nghiệt, độc ác. Ừ cứ cho là anh sẽ không mó tay vào việc nhà đi chăng nữa, nhưng nếu cô ốm, cô mệt, để rác 2 ngày đổ, để bát đến hôm sau rửa, cũng có chết ai?
 
Cô cũng đi làm, cũng kiếm ra tiền, cô tự giải quyết những vấn đề của mình, một mình làm việc nhà, sắp tới là sinh con, chăm con nhỏ, chắc chắn cũng một tay cô đảm nhiệm hết. Tuấn nói đàn ông là phải làm những công to việc lớn, nhưng Nhã chưa nghĩ ra, những vấn đề to tát ấy là gì nữa. Cô chỉ biết, cuộc sống của cô hiện tại, thiếu Tuấn cũng chẳng ảnh hưởng gì, có khi còn nhẹ nhõm hơn…

Theo Trí thức trẻ

Vợ bụng bầu

Vợ Chồng

đời sống hôn nhân


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.