Cha mẹ ngừng nói: "Đừng khóc nữa!", "Vì sao con khóc?", mà hãy nói những câu sau

Cha mẹ thường hay nói câu như "Nín đi" "Vì sao con lại khóc?" và cho rằng giải quyết được lý do là xong.

Cha mẹ thường hay nói câu như "Nín đi" "Vì sao con lại khóc?" và cho rằng giải quyết được lý do là xong. Thạc sĩ Tâm lý Phương Hoài Nga chỉ ra những cách xử trí tốt hơn, tôn trọng cảm xúc của con và xây đắp mối quan hệ bền chặt với con cái.

Trẻ em cũng có những cảm xúc mạnh mẽ theo độ tuổi của trẻ, tuy nhiên lại chưa có đủ kinh nghiệm và vốn từ để bộc bạch được như người lớn. Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều tình huống như là:

Con 1 tuổi đang đi thì vấp ngã đau, con khóc.

Con 2 tuổi nổi giận và đánh bố mẹ, con cũng khóc.

Con 5 tuổi đang chơi một mình thì nói là con cô đơn quá, con khóc.

Con càng lớn, thì càng không nghe lời, cãi lại bố mẹ, thậm chí bỏ nhà đi.

Khi đó, chúng ta cũng thường gặp những phản ứng của người lớn như là: Đừng khóc nữa! Có gì đâu mà khóc! Tại sao con lại đánh bố mẹ! Con có biết bố mẹ vất vả vì con, thương yêu con, làm mọi thứ cho con! Bố mẹ không thể chấp nhận con như thế được!... Đây gọi là sự chối bỏ cảm xúc của con, chắc chắn đứa trẻ sẽ càng khóc to hơn và cuộc nói chuyện sớm chấm dứt, ai đi về phòng người nấy.

Cha mẹ ngừng nói: Đừng khóc nữa!, Vì sao con khóc?, mà hãy nói những câu sau - Ảnh 1.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga trong chuyến công tác tại Mỹ.

Những câu hỏi mang tính chất vấn như: Vì sao con buồn thế? Có phải tại bạn này, tại cái này, cái kia không? Bố mẹ làm cái này, cái kia cho con được không?... có thể giúp trẻ tạm thời quên đi cảm xúc lúc đó, tuy nhiên lại chưa thực sự giúp trẻ phát triển về tâm lý, cảm xúc.

Thay vì chối bỏ cảm xúc, hãy giúp con ôm ấp nó

Trong một buổi nói chuyện với các cha mẹ về những điều mình học được từ cuốn sách và tác giả của cuốn sách "Nói sao cho trẻ chịu nghe, và nghe sao cho trẻ chịu nói" (Adele Faber & Elaine Mazlish), Thạc sĩ Tâm lý Phương Hoài Nga đã có chia sẻ với cha mẹ về các cách giúp con xử lý cảm xúc một cách tích cực và nhân văn.

Ngay lúc mà trẻ đang có một cảm xúc nào đó bùng nổ mà bị người lớn hỏi chi tiết (chất vấn) hoặc dạy dỗ con (triết lý) nhằm mục đích giải quyết vấn đề của con một cách ngay-lập-tức, thì chỉ khiến cho con cảm thấy tồi tệ hơn mà không muốn chia sẻ tiếp nữa. Thay vì thế, cha mẹ hãy chỉ dừng lại ở cảm xúc: lắng nghe con, chia sẻ với con cảm xúc mà con đang trải qua bất kể cảm xúc đó đúng hay chưa đúng (như là khi con giận dữ mặc dù con là người sai). Đồng thời, dùng một số cách sau để duy trì cuộc giao tiếp và giúp con học được cách xử lý cảm xúc của mình từ bên trong.

Gọi tên cảm xúc của con

Với vốn từ rất ít ỏi, trẻ nhỏ sẽ cần cha mẹ giúp chúng gọi ra cảm xúc mà trẻ đang trải qua là gì: buồn, giận, hoang mang, lo sợ, cô đơn, bối rối, hay hồi hộp, hào hứng, phấn khích... Cha mẹ có thể sử dụng những câu nói như:

"Chắc là con vui/đau/tức giận lắm!".

"Có phải con đang rất vui/đau/tức giận phải không?".

"Con khóc bởi vì con đang rất vui/đau/tức giận đúng không?".

"Con vui/đau/tức giận bằng từng này, hay bằng từng này?" (đưa ra hai vật rất to và rất nhỏ làm ví dụ, hoặc dùng hai tay mô tả).

Nêu ra những ước muốn không thể thực hiện được

Phía sau cảm xúc của trẻ lại là những nhu cầu có thật: trẻ thất vọng vì trẻ muốn được đi chơi, trẻ tức giận vì trẻ muốn lấy lại đồ chơi bị cướp mất... Nếu có thể làm cho trẻ được thỏa mãn nhu cầu trong tưởng tượng của chúng thôi cũng giúp ích rất nhiều.

Ví dụ khi trẻ mè nheo đòi ăn bim bim, cha mẹ có thể nói "Con rất rất thèm bim bim rồi nhỉ! Bố mẹ ước gì bây giờ có một cơn mưa bim bim thật to, rồi mình chỉ cần ngẩng mặt lên, há miệng ra là bim bim tự rơi vào mồm...".

Điều này khiến cho trẻ cảm thấy như cha mẹ đọc được suy nghĩ trong đầu mình và rất chia sẻ cảm xúc với mình.

Cha mẹ ngừng nói: Đừng khóc nữa!, Vì sao con khóc?, mà hãy nói những câu sau - Ảnh 2.
Chị Hoài Nga và con trai 8 tuổi.

Đôi khi, chỉ cần lắng nghe chăm chú

"Ồ, Ừm, Ra vậy, Thế à, Thật à..." là những câu rất ngắn nhưng gửi đi thông điệp rằng: bố mẹ đã nghe thấy, bố mẹ rất muốn nghe tiếp, con nói đi.

Lưu ý rằng, cha mẹ cần phải thực sự "lắng nghe" chứ không chỉ giả vờ đang lắng nghe. Bằng cách dừng việc đang làm lại và tập trung vào con, nhìn vào mắt con, có thể cầm tay con hoặc chạm vào con... sẽ khiến con cảm thấy được lắng nghe thực sự.

Đưa ra vật thứ 3

"Con có muốn viết/vẽ ra tờ giấy này không?".

"Con có thể làm gì với cái gối này tuỳ ý con!" .

Có những trường hợp trẻ có cảm xúc mạnh tới nỗi cần được giải phóng ra ngoài. Cha mẹ hãy ở bên con những lúc này để giúp con và hiểu hơn về con.

Đây cũng là cách gợi ý cho cha mẹ nếu cảm xúc của con đi cùng với hành vi không phù hợp như đánh người khác, đập vỡ đồ... thì cha mẹ đưa ra vật thay thế.

Khi trẻ lớn, khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ có tốt hơn, tuy nhiên khả năng tạo ra "vỏ bọc cảm xúc" (trẻ buồn nhưng lại thể hiện ra mặt là vui) cũng cùng lúc tốt lên. Giai đoạn ấu thơ là lúc cha mẹ có nhiều thời gian ở bên con và lắng nghe con thể hiện những cảm xúc trong sáng cho tới "điên rồ" nhất của mình. Điều này được làm tốt ngay từ nhỏ sẽ giúp hình thành mối quan hệ tình cảm, sự tin tưởng, "chia sẻ được mọi thứ với nhau" giữa cha mẹ và con cái suốt cả cuộc đời.

Theo Helino


cảm xúc của trẻ

cha mẹ

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.