Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành

Bạo lực học đường không chỉ khiến nhiều trẻ em đánh mất quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mà đôi khi còn đánh đổi bằng tính mạng.

Thời gian gần đây, vụ việc nam sinh lớp 8 N.H.Đ. (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) vì mâu thuẫn với bạn trong lúc chơi bóng rổ đã bị đánh gây chấn thương sọ não nặng, dẫn tới chết não đã khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Trước đó, theo phản ánh của chị L. (phụ huynh em Đ.), ngày 17/3, khi con chị đang chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) thì xảy ra mâu thuẫn với cháu K. (12 tuổi). Ngay sau đó, cháu K. đã bỏ về và gọi anh trai (16 tuổi) và bố ra sân chơi để tìm gặp em Đ. Tại đây, cháu K. và anh trai của K. đánh cháu Đ., khiến Đ. bất tỉnh tại chỗ.

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-1

Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật. Do cháu Đ. bị tổn thương quá nặng, nên sự sống của cháu gần như không còn, sức khoẻ của nạn nhân được duy trì từng ngày bằng máy thở.

Chiều 28/3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2024. Tại cuộc hợp, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã giao Công an Q.Long Biên nhanh chóng vào cuộc. Công an Q.Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với T.V.M (16 tuổi, trú Q.Long Biên) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

"Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ việc có đồng phạm trong vụ án hay không có đồng phạm", Thiếu tướng Tùng cho biết. Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ các tình tiết để đưa đến kết luận cuối cùng.

Và em Đ. cũng không phải là nạn nhân duy nhất của bạo lực học đường...

Nữ sinh lớp 10 trường chuyên nghi tự tử do bạo lực học đường

Vào tháng 4/2023, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một tài khoản Facebook tự nhận là người thân của nữ sinh N.T.Y.N. - học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh đăng tải thông tin với nội dung: "Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn, xinh đẹp biết bao nhiêu, làm hết việc nhà cho mẹ, thương yêu các em và lấy chăm sóc gia đình làm niềm vui… Cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường".

Theo nội dung đăng tải, nữ sinh N.T.Y.N. hiện là học sinh lớp 10 ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Nữ sinh N.T.Y.N. có học lực giỏi, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và áp đảo tâm lý.

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-2

Vì thế, người mẹ đã tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con và mong cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Trường không cho chuyển lớp nhưng hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm.

Người mẹ tạm yên tâm nhà trường và cá nhân con sẽ tự xử lý được vấn đề. Người mẹ vẫn cố gắng đón đưa con đi học để tránh con bị bắt nạt, động viên con hàng ngày.

Tuy nhiên, sau đó nữ sinh N. đã dại dột quyên sinh vào ngày 15/4.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh, cho biết ngay sau khi biết thông tin, nhà trường đã tiến hành xác minh làm rõ sự việc, nhất là những thông tin đăng tải trên mạng xã hội để làm rõ các mối quan hệ của nữ sinh N.T.Y.N và bạn bè trong trường, lớp.

Cô Hà cũng cho hay, vài tháng qua, nữ sinh N. nghỉ học khá nhiều với lý do sức khỏe. Về thông tin nữ sinh bị "bạo lực học đường" và gia đình đã đề nghị được chuyển lớp nhưng giáo viên không đồng ý, cô Hà cho biết trước đây, N. có chơi thân với một nhóm bạn trong lớp, nhưng sau đó thì không chơi với nhóm này nữa.

Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần

Chiều 15/10/2023, trên mạng xã hội lan truyền clip nam sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip. Trong clip, mặc cho nam thiếu niên ngồi kêu khóc, 4 thiếu niên khác liên tục lao vào dùng tay chân đánh, còn một thiếu niên khác đứng quay clip. Hình ảnh bạo hành trong clip sau đó được xác định xảy ra tại nhà văn hóa của thôn. Các nam sinh trong clip là học sinh Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, TP Hà Nội nhưng khi xảy ra vụ việc, các nam sinh đều không mặc đồng phục.

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-3

Hình ảnh em K. bị đánh khiến nhiều người phẫn nộ

Được biết, nam sinh này là em V.V.T.K., học lớp 7C Trường THCS Đại Đồng, đã bị bạn đánh tập thể nhiều lần trong nhiều tháng. Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Thạch Thất, trong thời gian nghỉ hè năm học 2022-2023 đến tháng 9/2023, em K. bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần. Do sợ nên em K. không báo với các thầy, cô giáo và bố mẹ. Đến ngày 16/9/2023, gia đình và nhà trường mới biết sự việc. Nhà trường đã xác định có 6 học sinh tham gia đánh em K.

Ngày 21/9, em K. có những biểu hiện sang chấn tâm lý nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ thăm khám.

Ngày 25/9, gia đình đưa K. đến trường học, nhưng trong ngày hôm đó, em tiếp tục bị 1 bạn đe dọa nên tối cùng ngày, K. có biểu hiện hoảng sợ. Vì vậy, gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Kết quả khám chẩn đoán em K. bị rối loạn phân ly.

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-4

Sau đó, gia đình tiếp tục đưa cháu vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, điều trị nội trú ngày 26/10-9/11. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần). Bệnh nhân thường hoảng loạn, có những hành vi không kiểm soát, có biểu hiện co giật, không nhớ cả họ tên và địa chỉ của mình ở đâu.

Nam sinh phải nhập viện điều trị khoảng 1 tháng. Sau đó em vẫn bị sang chấn tâm lý nặng, không kiểm soát được hành vi của mình, bệnh tình có dấu hiệu nặng thêm, hiện tượng không nhớ họ tên của mình thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn. Sau 3 tháng phát bệnh, cháu K. vẫn chưa lấy lại nhận thức bình thường dù được điều trị tích cực bởi bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia của Cục Trẻ em. Cháu gọi bố mẹ là "côn đồ bố", "côn đồ mẹ", thường xuyên rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất nhận thức.

Nhà trường sau đó đã có hình thức xử lý kỷ luật đối với các học sinh đánh bạn. Gia đình các học sinh tham gia đánh em K. đã bàn và thống nhất các nội dung khắc phục hậu quả. Gia đình em K. và các gia đình học sinh vi phạm nhất trí chọn nơi điều trị cho em K. là Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em - Cục Trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối giới thiệu.

Nghi bị bạo lực học đường, nam sinh khủng hoảng tâm lý, bỏ nhà đi

Vào tháng 9/2023 một phụ huynh tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã đăng lên facebook cá nhân dòng trạng thái khiến dự luận hết sức xôn xao.

Dòng trạng thái viết: "Con em bị bạo lực học đường ở trường Nguyễn Khuyến, có ý định tự tử không dưới 10 lần, trầm cảm nặng nề đến mức phải bỏ nhà đi. may nhờ mọi người cứu vớt, em mới tìm lại con em được. Em xin đăng lời khai của con em, hy vọng cứu được những trường hợp bị bạo lực học đường tiếp theo ạ". Đăng kèm dòng trạng thái là bản chụp lại những tâm tư của học sinh Đ.B.K. (năm học 2022-2023, em K. là học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến TP Buôn Ma Thuột - PV).

Được biết, người viết dòng trạng thái chính là chị Nguyễn Thanh H. (mẹ học sinh K.). Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, chị H. xác nhận, mình chịu trách nhiệm với những gì đã thông tin. Chị H. kể, năm học 2022-2023, cháu K. là học sinh lớp 8, Trường tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, TP Buôn Ma Thuột (loại hình trường tư thục). Suốt từ đầu đến gần cuối năm học, cháu K. không hề nói gì với cha mẹ. Tuy nhiên khoảng giữa tháng 6/2023 thì K. cứ đòi chuyển trường.

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-5

"Tôi hỏi mãi cháu vẫn không hề nói việc mình bị hành hạ khi đi học. Tôi tưởng con không thích học trường cũ, muốn đổi môi trường. Tuy nhiên do gần đến cuối cấp, gia đình muốn cháu ổn định để học, thi lên lớp 10..." , chị H. thuật lại. Cũng theo lời chị H., một hôm con chị không đến lớp. Cả nhà tá hỏa tìm cháu về mới biết cháu sợ đến lớp.

"Gặng hỏi cháu mới kể cứ đến lớp là bị bạn cùng lớp chọc phá, hành hạ mỗi ngày. Đáng sợ hơn, khi đọc nhật ký của con, tôi phát hiện cháu có ý định tự tử nhiều lần. Hoảng quá, tôi đưa con đến trường viết tường trình vào sổ cô giáo Hồ Thị Lam (Hiệu trưởng Nhà trường) để có cơ sở giải quyết".

Chị H., đưa ra bằng chứng, cháu K. cũng đã viết vào sổ cô Hiệu trưởng Hồ Thị Lam: "Bản thân bị bốn bạn học cùng lớp chọc mỗi ngày, búng tai mạnh, bị nhiều người cười nhạo, bị lấy băng vệ sinh của bạn gái úp vào mặt, bị tác động vật lý khá mạnh gần như cả ngày. Cuối bản viết tay, cháu K. viết: đừng đọc cho ai hết".

"Sau sự cố, gia đình chị H. đã chuyển cháu K. sang học lớp 9 ở trường khác. Đến chiều 30/8/2023, cháu K. còn tự ý rời nhà đi, khiến cả gia đình lo lắng, đăng tin tìm kiếm khắp nơi. Đến trưa 31/8, gia đình tôi mới tìm thấy con trai ở tận huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), cách nhà 60km", chị H. kể lại. Chị H. cho rằng, do con trai bị bạo lực ở trường nên khủng hoảng tâm lý, mất ngủ, trầm cảm, áp lực đến nay chưa chấm dứt.

Trong khi đó, báo cáo của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến phủ nhận cáo buộc "bạo lực học đường".

9 thanh thiếu niên cùng đánh chết nam sinh lớp 11

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 24/1/2024, TAND tỉnh Long An đã tuyên án sơ thẩm tội giết người, xử phạt 9 bị cáo án tù với tội danh giết người. Theo cáo trạng, K. là học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Văn Rành (TP Tân An, Long An) và có va chạm với một học sinh cùng trường. Học sinh này kể lại chuyện mình có va chạm với Kiên.

Sau đó Kiên liên hệ với K. qua Facebook hỏi "muốn sao" thì được K. trả lời là "muốn hẹn ra đánh tay đôi". Sau đó cả hai hẹn 16h ngày 17/10/2022 sẽ đánh nhau tại một con đường phía sau Bệnh viện Sản nhi Long An. Tuy nhiên, sau khi hẹn đánh tay đôi với K. thì Kiên đã rủ thêm bạn bè là 8 bị cáo trên giúp Kiên đi đánh K..

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-6

Đến chiều 17/10/2022, K. nhờ một bạn cùng lớp chở đến địa điểm đã hẹn trước để "giải quyết mâu thuẫn". Vừa xác định được mặt K., 9 bị cáo đã bao vây dùng nón bảo hiểm và chân tay đánh K. đến khi K. ngất xỉu và sau đó tử vong do chấn thương sọ não.

Các bị cáo nhanh chóng bị Công an TP Tân An bắt về tội cố ý gây thương tích và sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã chuyển sang khởi tố tội giết người. Theo hội đồng xét xử, Kiên là chủ mưu trong vụ án, còn các bị cáo khác có vai trò giúp sức, cùng tham gia đánh chết nam sinh lớp 11

Nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng tổn thương sọ, gãy sống mũi

Ngày 23/1, phóng viên báo Thanh niên nhận được phản ánh và clip về việc một nữ sinh lớp 11 của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TX.Bình Minh (Vĩnh Long) bị một nhóm học sinh đánh hội đồng bằng mũ bảo hiểm. Hậu quả nữ sinh này bị gãy sống mũi và chấn thương đầu, phải nằm điều trị tại bệnh viện hơn 2 tuần.

Bà Th., mẹ của em T.H.B.T (17 tuổi), học sinh lớp 11 của Trung tâm GDNN-GDTX TX.Bình Minh, cho biết ngày 9.1, con gái mình bị nhóm học sinh cả nam và nữ đánh hội đồng bằng mũ bảo hiểm dẫn đến chấn thương nặng, phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế TX.Bình Minh. Sau đó, em T. được chuyển đến BV ở Cần Thơ điều trị với chẩn đoán ban đầu là chấn thương đầu; tổn thương nội sọ; gãy kín đầu xa giữa ngón 2, tay phải; gãy kín xương chính mũi.

Điều còn lại sau những vụ bạo lực học đường rúng động: Sinh mệnh bị huỷ hoại ở tuổi đẹp nhất và vết sẹo tinh thần chẳng thể chữa lành-7

Cũng theo bà Th., T. được điều trị tại bệnh viện đến nay vẫn chưa được xuất viện. Phụ huynh này cũng bày tỏ bức xúc trước sự việc nhiều học sinh tấn công con gái mình dã man mặc dù được nhiều người dân xung quanh can ngăn. Bà Th. đã làm đơn trình báo cơ quan công an và đề nghị xử lý thật nghiêm sự việc.

Cùng ngày, trao đổi với PV báo Thanh niên, ông Phạm Ngọc Ký, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TX.Bình Minh, xác nhận sự việc trên và cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là mâu thuẫn giữa em T. và một học sinh khác trên mạng xã hội. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã mời phụ huynh và các em có liên quan, bước đầu xác định có khoảng 7 học sinh tham gia vụ đánh hội đồng trên. Nhà trường có cử giáo viên chủ nhiệm đến thăm hỏi, động viên gia đình em T. Trường cũng đợi em T. xuất viện, tiến hành làm việc để có hướng xử lý; phía công an cũng đã vào cuộc xác minh sự việc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc.

Các vụ bạo lực học đường có sự giảm về độ tuổi và sự tăng về số học sinh nữ tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, hiệu trưởng và giáo viên các trường học còn thiếu kỹ năng xử lý bạo lực học đường.

Phân tích về căn nguyên bạo lực học đường gia tăng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân chính đến từ xung đột và bạo lực trong gia đình.

Cũng tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra các giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng bạo lực trong trường học:

Một là cung cấp cho học sinh các kỹ năng xử lý những vấn đề có nguy cơ phát sinh bạo lực học đường.

Hai là tập huấn cho giáo viên kỹ năng xử lý các vấn đề xảy ra giữa học sinh.

Ba là bổ sung vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường cho các trường học.

Bốn là thúc đẩy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.

Theo Phụ nữ mới

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunumoi.net.vn/dieu-con-lai-sau-nhung-vu-bao-luc-hoc-duong-rung-dong-sinh-menh-bi-huy-hoai-o-tuoi-dep-nhat-va-vet-seo-tinh-than-chang-the-chua-lanh-d306418.html

bạo lực học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.