Du học: chàng “công tử bột” trở thành “siêu nhân”

Đi du học, ngoài kiến thức ra, tôi còn tích lũy được những thứ lẽ ra không bao giờ có nếu như tôi còn trong vòng tay của cha mẹ.

Du học là ước mơ của nhiều bạn trẻ, tuy nhiên việc phải rời xa vòng tay bố mẹ để tự lập ở vùng đất mới lại khiến không ít bạn lo lắng, chùn bước. Thế nhưng, theo bạn Tấn Phú - Sinh viên ngành Báo chí, ĐH bang Nam Dakota, Mỹ: "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn".

Tintuconline gửi đến độc giả chia sẻ của bạn Tấn Phú gửi về từ Mỹ. Mong rằng những trải nghiệm và kết quả thu được của "chàng công tử bột" này sẽ tạo thêm động lực cho các bạn trẻ để thực hiện ước mơ du học của mình.


Bạn Tấn Phú - Sinh viên ngành Báo chí, ĐH bang Nam Dakota, Mỹ

Tôi học được gì khi đi du học?

Cũng đã 4 năm rồi từ khi tôi rời Việt Nam để đến "miền đất hứa" bao người hằng mơ ước: nước Mỹ. Ngày tôi đi, mẹ tôi bị mất ổn định tinh thần trầm trọng đơn giản vì tôi là con một trong gia đình, mọi thứ đều được ba mẹ chu cấp hoàn hảo. Có thể nói, tôi chỉ phải làm việc khi tôi muốn làm, còn lại thì réo một tiếng là ba mẹ giúp ngay lập tức.

Ngày mới tới, tôi nghĩ rất đơn giản 1USD cũng như 1000VND, thế là tôi vung tiền mua sắm không suy nghĩ gì nhiều. Phải nói rằng nhà tôi không giàu có gì như những gia đình khác, ba mẹ tôi dành tất cả khoản tiền để dành từ lúc tôi sinh ra để lo cho tôi. Trong thời gian đầu, 1 lần đi chợ tôi mua 100 đô la đồ ăn vặt là bình thường, quần áo 40-50 đô 1 chiếc cũng chẳng thành vấn đề lớn.

Mọi chuyện thay đổi từ khi tôi quyết định đi làm thêm. Tôi thật sự chẳng thiếu thốn gì, chỉ đơn giản muốn có thêm trải nghiệm mà thôi. Tuy nhiên, có đi làm mới hiểu được giá trị đồng tiền. Tôi đi làm chui, rửa chén ở 1 quán phở với mức lương chỉ 6USD/giờ. Công việc khá nặng nhọc với một thằng "công tử bột" chưa đụng tay chân ở nhà bao giờ: phải rửa - tráng- úp tô, chén, dĩa hầu như liên tục để luân phiên phục vụ cho khách. Khi đông tôi còn phải bỏ ngang việc đang làm chạy qua phụ bếp, phụ xong phải tranh thủ quay lại rửa chén cho kịp giờ đóng cửa.

Tấn Phú có sở thích chụp hình

Cái cảm giác đổ công sức ra kiếm tiền rồi sử dụng những đồng tiền do chính mình kiếm được mới thật là thấm thía. Tôi chi tiêu cẩn thận hơn, tìm mua những hàng hóa giảm giá, cắt bớt chi tiêu không cần thiết và mua những hàng xài rồi. Đồ đã qua sử dụng tuy không còn mới nhưng vẫn còn rất tốt và giá có khi giảm còn một nửa. Tôi đã tiết kiệm được một khoản rất lớn nhờ chuyển qua xài đồ đã qua sử dụng.

Đi du học ngoài kiến thức ra, tôi còn tích lũy được những thứ lẽ ra không bao giờ có nếu như tôi còn trong vòng tay của cha mẹ. "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn", thật đúng là như vậy.

Ngày mới qua, tôi hăm hở với những thịt xông khói, hamburger, xúc xích... chỉ được 1 tuần là ngán tận cổ. Thế là phải hăm hở xắn tay vào bếp học nấu ăn. Những ngày đầu, khi thì mặn, khi thì sống, khi thì cháy... có 1 bữa ăn nuốt vô bụng đã là may phước. Dần dà tôi tìm được niềm đam mê với nghệ thuật ẩm thực, và hiện giờ tôi coi nấu ăn như 1 thú vui khi rảnh rỗi. Đối với tôi, một món ăn chiếm 65% hương vị, và 35% còn lại là thẩm mỹ. Tôi yêu thích nấu ăn và trình bày sao cho thật hấp dẫn và tôi có thể tự tin nấu ăn đãi bạn bè. 

Đến khi công việc yêu cầu, tôi phải sắm 1 chiếc xe hơi (tất nhiên là xe đã qua sử dụng). Tôi phát hiện ra ở Mỹ tiền công dịch vụ sửa xe rất mắc, tầm 90 đô la 1 giờ công. Tiền phụ tùng có khi chả đáng là bao, nhưng tiền công làm cho giá 1 lần bảo dưỡng, sửa chữa tính bằng hàng trăm đô. Những khoản chi này đương nhiên là vượt quá giới hạn của tôi, và thế là tôi lại phải mày mò sửa chữa, thay thế những hư hỏng nhỏ bằng cách tự học qua mạng. Bằng cách này, tôi chỉ tốn 10-20USD cho nhữg thay thế lặt vặt như lọc gió, bóng đèn...

Nói về công việc và học tập, tôi cũng trải qua bao thăng trầm. Ban đầu, tôi là sinh viên liên kết 2+2 ngành Kỹ thuật máy tính của trường ĐH Quốc Tế (ĐHQG TP.HCM) và Đại học SUNY Binghamton, trường đại học công số 1 của bang New York. Năm đầu tiên của tôi thật tệ hại. Tôi nhận ra mình hoàn toàn không thích hợp với ngành mình đã chọn. 

Một trong những bức ảnh báo chí của Tấn Phú

Áp lực học tập ở Mỹ cao hơn hẳn: để đạt loại trung bình, 1 môn học phải tối thiểu là 70/100 điểm. Tôi không chịu nổi mức yêu cầu này, trong năm học đó tôi bị áp lực tâm lý rất nặng nề và cuối cùng, tôi buông xuôi tất cả. Điểm trung bình của tôi lúc đó chỉ đạt 1.82/4.0 - quá thấp để tiếp tục học. Sau khi suy nghĩ kỹ và xin phép ba mẹ, tôi đã có 1 quyết định táo bạo: làm lại từ đầu trên đất Mỹ với một chuyên ngành hoàn toàn mới.

Tôi có sở thích chụp hình từ lâu và rất thích xem ảnh báo chí, nhưng tất cả chỉ là cho vui. Nay đã đến đường cùng, tôi quyết định theo đuổi niềm đam mê của mình mặc cho bạn bè, thầy cô từ trường ĐHQT khuyên răn. Tôi đăng ký vào trường Cao đẳng cộng đồng SUNY Broome với chuyên ngành Truyền thông đại chúng. Tôi học tập rất suôn sẻ và tốt nghiệp với tấm bằng danh dự sau 2 năm. Sau đó, tôi chuyển tiếp lên chuyên ngành Báo chí, trường Đại học bang Nam Dakota.

Tuy nhiên, chuyên ngành Báo chí ở đây thiên về đào tạo phóng viên viết bài, không phải chuyên ngành Ảnh báo chí, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Toàn nước Mỹ chỉ có 13 trường đại học đào tạo chuyên về Nhiếp ảnh báo chí với mức học phí cao ngất ngưởng. Vậy là ngoài giờ học kỹ năng viết tin, tôi xin vào làm cho tờ báo của trường với vai trò phóng viên ảnh. Tôi làm việc rất tích cực, tôi có mặt ở hầu hết mọi sự kiện và chụp rất nhiều ảnh ngay cả khi biên tập viên chưa yêu cầu. Nhờ vậy, tôi có một kho ảnh lớn đủ để xin việc, và tôi đã được nhận vào thực tập ở một tờ báo nằm ở thủ phủ bang Nam Dakota với vai trò chính thức là phóng viên ảnh. Mọi năm, họ chỉ tuyển phóng viên viết bài biết sơ về nhiếp ảnh, và tôi là ngoại lệ đầu tiên.

Vậy, nghiễm nhiên từ 1 nhiệm vụ ban đầu là sinh viên, tôi nay đã trở thành đầu bếp nghiệp dư, thợ ảnh, phóng viên và cả thợ sửa xe hơi. Đi du học, được nhiều lắm chứ!

Tấn Phú/VietNamNet

 

Hiện nay, không ít bạn trẻ mong muốn đi du học để được trải nghiệm môi trường học tập hiện đại, môi trường sống văn minh ở các nước phát triển. Tintuconline rất mong nhận được bài viết chia sẻ của các bạn đã và đang du học để truyền cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ du học.

Bài viết xin gửi về email: tintuconline@vietnamnet.vn. Chúng tôi chân thành cảm ơn!



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.