Không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 nên không theo kịp chương trình, tôi đã nghĩ tới việc để con đúp lại

Buổi thứ hai đi học lớp Một, cô giáo chủ nhiệm gửi tin nhắn tin phản ánh là con tôi chưa biết xác định ô ly nên đề nghị gia đình tôi phải kèm thêm cho cháu...

Nỗi khổ của người mẹ không cho con học chữ trước

...Con tôi chưa từng học "tiền lớp một", hồi mẫu giáo cũng rất ít đi học vì ốm, sốt suốt hoặc khóc lóc lý do đau bụng đòi nghỉ... Tôi cũng không có áp lực gì về chuyện trông con vì có bà ngoại hỗ trợ nên cũng chẳng ép cháu phải đi học mẫu giáo. 

Và việc học chữ trước lại càng không vì có chủ trương tuổi nào làm việc tuổi ấy, mẫu giáo thì chỉ chơi, ăn ngủ có giờ giấc còn đi học chữ là việc của các cấp học khác. Nhiều khi tôi còn "cười" các bạn xung quanh con đi học chữ trước và không hiểu vì sao phải thế vì đằng nào sang lớp Một chẳng phải học chữ.

Không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 nên không theo kịp chương trình, tôi đã nghĩ tới việc để con đúp lại-1

Buổi thứ hai đi học lớp Một, cô giáo chủ nhiệm gửi tin nhắn tin phản ánh là con tôi chưa biết xác định ô ly.

Tuy nhiên, năm nay cải cách chương trình mới, cái việc không học chữ trước thêm áp lực với con tôi. Tất nhiên yêu cầu viết đúng ô ly với con ngay từ những bài học đầu tiên là quá "sức" của cháu. Tôi nhắn tin cho cô hứa là gia đình sẽ kèm thêm... Những ngày sau đó, chương trình đi rất nhanh, mỗi một ngày con phải học đến 2, 3 chữ cái một lúc và đồng thời phải viết chữ đó và ghép thành câu. Chỉ vào tuần thứ ba con đã phải học những câu dài với những vần rất khó... 

Cô lo sợ chương trình quá nặng, sợ các con không theo kịp nên đã giao bài tập về nhà. 

Thế là cuộc chiến của gia đình tôi bắt đầu..

Mỗi tối, tôi yêu cầu con phải viết hết từ 3 - 5 dòng các chữ mà cô giao và phải viết đúng ô ly. Con tôi vì mải chơi nên rất không tập trung, thường quay trước, ngó sau, dạy viết đúng ô ly nhưng con cứ viết xiên xẹo. Lúc thì to quá, lúc thì bé quá, lúc ngắn quá, dài quá hoặc lên, xuống bất ngờ.

Thế nên nhiều lúc "cáu" quá tôi to tiếng, mắng mỏ, con thì phản ứng đạp chân, đạp tay, đập bàn, đập ghế, lấy tay đập đầu... Đỉnh điểm có lần con hét lên với tôi là "Học lắm thế, học để chết à!?"... 

Một hôm, đi đón con mà mặt con cứ xị ra không tươi vui như những hôm trước. Tôi hỏi làm sao thì con bảo cô giáo chê vì chữ xấu... Tôi đã lên nói chuyện với cô giáo, chia sẻ về tình hình của cháu là chưa học chữ trước đó lần nào. Cũng kể cho cô nghe có một lần có bạn cùng lớp lại cùng xóm gặp là chê con viết chữ xấu. 

Không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 nên không theo kịp chương trình, tôi đã nghĩ tới việc để con đúp lại-2

Đỉnh điểm có lần con hét lên với tôi là "Học lắm thế, học để chết à!?"...

Vì sợ con tự ti nên tôi bảo với con rằng: "Bống viết chữ đẹp là vì bạn ấy học trước và rèn luyện rất nhiều nên con phải cố gắng viết chữ đẹp để như Bống để cô giáo khen nhé" và bày tỏ mong muốn cô chia sẻ và động viên con chứ đừng chê con... Rất may cô giáo cũng cảm thông nên từ đó không chê con nữa. 

Nhưng áp lực từ nội dung của môn tiếng Việt năm nay vẫn rất nặng nề, con vẫn phải học viết chữ, học đánh vần, học ghép câu rất sớm, như đến tuần thứ 3 là phải ghép và đọc đánh vần đoạn văn dài rồi - những điều này ở những năm trước phải cuối kì một, đầu học kì hai các con mới phải học đến.

Tôi đã nghĩ đến chuyện cho con đúp lại

Một buổi tối, thấy con phải học, đánh vần cả một đoạn văn dài và tối nghĩa, lại phải viết chữ... chồng tôi xót con bảo "Khó thế này thì đúp học lại cũng được chứ sao...".

Vì câu nói ấy khiến tôi "tỉnh lại" - Ờ, đúp thì thực ra cũng là một giải pháp, nếu con chưa thực sự chưa theo được chương trình thì học lại cũng là tốt chứ sao? Sao tôi phải ép trong khi con chưa đủ khả năng để tiếp thu? 

Chính vì giảm "tiêu chuẩn" nên việc kèm con không còn trở nên "khủng hoảng" như những giai đoạn trước nữa. Tôi vẫn buộc con phải làm bài tập cô giao vì dù sao việc học cũng tốt hơn việc chơi điện thoại và xem những chương trình Youtube vô bổ. Con cũng cần biết sống có trách nhiệm và việc làm bài tập là trách nhiệm của một học sinh cần hoàn thành nhưng về cơ bản không còn buộc con phải viết chữ đẹp. Kể cả đọc cũng phải chấp nhận việc đọc chữ trước quên chữ sau của con như là điều tất nhiên ở độ tuổi ấy phải thế.

Không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 nên không theo kịp chương trình, tôi đã nghĩ tới việc để con đúp lại-3

Và suy cho cùng việc viết chữ đẹp, sớm đọc thông viết thạo cũng chỉ chứng tỏ một thứ "năng lực" về ngôn ngữ. Một đứa trẻ viết chữ đẹp, đọc thông viết thạo sớm chưa chắc đã có những năng lực về thể thao, nghệ thuật, về tính toán... như những đứa trẻ viết chữ xấu hay đọc chậm... Nên thay vì việc phải cố "ép" con học chữ, bằng mọi giá phải "đọc thông viết thạo sớm" thì tôi cho con học chữ từ từ và dành thời gian giúp con khám phá tự nhiên, học vẽ hay học toán là những thứ con yêu thích. 

Sau tất cả thì "đọc thông viết thạo" cũng chỉ là một cách giúp con tiếp cận với những tri thức khác mà thôi trong khi trên thực tế có nhiều cách thức tốt hơn, hiệu quả hơn hẳn giúp trẻ có thể tiếp cận với tri thức và phát huy được năng lực của mình như là qua tranh ảnh, phim, hoạt động trải nghiệm, âm thanh, giai điệu....

Ở góc độ người mẹ có con học lớp Một với chương trình cải cách mới, thật sự tôi đã hi vọng về việc "giảm tải" chứ không phải một chương trình dường như chỉ tập trung vào học chữ mà quên rằng có rất nhiều cách thức để có thể giúp học sinh có thể bộc lộ và phát triển khả năng của mình. Việc chỉ đặt nặng vào học chữ đồng thời lại là rào cản không cho trẻ có điều kiện tốt nhất để học tập các môn khác để từ đó bộc lộ những năng lực của chính mình. 

Các giáo viên hiện nay cũng đang trong tình trạng vật vã dạy tiếng Việt, việc chương trình quá nặng và đi quá nhanh khiến các thầy cô phải dồn hết tâm sức cho việc dạy chữ và không thể tổ chức tốt nhất cho việc dạy các môn học khác cũng rất quan trọng, bổ ích, thiết thực.

Và cuối cùng, theo tôi một chương trình giáo dục quốc gia phải hợp lý với số đông học sinh ở độ tuổi đó, trẻ vui vẻ đón nhận kiến thức chứ không nên là gánh nặng để trẻ phải gồng mình vượt qua vì trẻ mới lớp Một thôi mà.

Theo Pháp luật và bạn đọc


học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.