Ông giáo già gần 30 năm đi tìm tư liệu về Bác Hồ

Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng với ông Trần Mỹ Trâm (SN 1936), một giáo viên đã nghỉ hưu tại Hà Tĩnh, việc đi tìm hình ảnh, tài liệu về Bác Hồ dường như là một niềm vui lúc tuổi già.

Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng với ông Trần Mỹ Trâm (SN 1936), một giáo viên đã nghỉ hưu tại Hà Tĩnh, việc đi tìm hình ảnh, tài liệu về Bác Hồ dường như là một niềm vui lúc tuổi già. Công việc ấy, ông đã thực hiện gần 30 năm nay với 4.000 bức ảnh, tài liệu về Bác.


Ông Trần Mỹ Trâm với hơn 4.000 hình ảnh, tài liệu về Bác Hồ.

Ý tưởng từ nghề "gõ đầu trẻ"

Qua lời một người bạn, tôi biết đến ông, người đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để đi tìm hình ảnh, tài liệu về Bác, vị Cha già của dân tộc. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo trên quê hương Can Lộc. Lớn lên theo nguyện vọng của gia đình, ông nối nghiệp bố và trở thành người thầy giáo của nhân dân.

Năm 1962, tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Hà Tĩnh, hệ Khoa học xã hội, ông được phân công về dạy học tại trường cấp II, thị xã Hà Tĩnh. Năm 1965, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhà trường giải tán, ông được phân công về quê tiếp tục dạy học. Gần 10 năm, ông là hiệu trưởng tại các trường cấp II Thanh Lộc, Kim Lộc và Thuận Lộc. Năm 1980, ông được điều về làm cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Can Lộc. Năm 1990, được đề bạt là Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Can Lộc. Trong cuộc đời của người thầy giáo, ông đã nhiều lần được công nhận là giáo viên giỏi. Khi chuyển sang làm quản lý, ông là cán bộ quản lý giỏi và được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua.

Nhiều thế hệ học trò của ông nay đã thành đạt, luôn nhớ về người thầy giáo kính yêu đã từng dạy dỗ mình những điều hay lẽ phải. Đặc biệt, điều khiến cho các học trò nhớ nhất, hứng thú nhất là những tiết dạy về Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Thấy trong chương trình sách giáo khoa, hình ảnh về Bác rất ít, nên tôi nảy ra ý định đi tìm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác, để giới thiệu cho học trò. Lúc đó, tôi chỉ có ý định sưu tập hình ảnh, tài liệu về Bác để phục vụ cho công tác giảng dạy, lâu dần thành một niềm đam mê và bây giờ thì "nghiện" mất rồi" - Ông Trâm chia sẻ.

Hơn 4.000 bức ảnh, tài liệu về Bác

Cho đến bây giờ, dù rời bục giảng đã lâu, nhưng ông vẫn chưa một lần nguôi ý định sưu tầm những bức ảnh, tài liệu về Bác Hồ. Ông bảo: "Trước đây, dù rất muốn nhưng tôi không có điều kiện và thời gian để sưu tầm. Sau khi nghỉ hưu, tôi đi từ Bắc đến Nam, hễ nơi nào có thông tin về Bác là tôi lại lên đường hoặc liên hệ xin, mua bằng được. Đi đâu, gặp ai, tôi cũng dặn dò hễ thấy bức ảnh nào về Bác Hồ thì cất giữ rồi gửi cho tôi. Cũng nhờ thế mà bộ sưu tập của tôi ngày một đồ sộ hơn".

Mỗi bức ảnh mà ông sưu tầm được là một câu chuyện thú vị về Bác. Điều đáng quý là có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố như bức ảnh Bác Hồ ngồi thiền trong núi, Bác ở Thái Lan năm 28 tuổi, hay ảnh Bác múa với nữ văn công... Ông bảo: "Tôi đang "thèm" 100 bức ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp chụp về Bác đến nay vẫn chưa được công bố. Nghe nói là sẽ được công bố trong quyển Hồ Chí Minh tiểu sử tập 2. Tôi bảo con cháu chú ý, khi nào quyển đó phát hành thì mua về cho tôi". Và ông cũng không quên dặn dò bạn bè, người thân "nếu ai thấy thì mua giúp tôi với nhé".

Thấm thoắt đã gần 30 năm ông đi tìm tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác. Hơn 4.000 bức ảnh, cuốn sách có giá trị về Bác đang được ông cất giữ cẩn thận như báu vật trong nhà. Đối với ông, bức ảnh nào cũng quý, cũng phải trân trọng giữ gìn. Bây giờ, nhiều người đến nhà ông chỉ để xem những bức ảnh về Bác. Nhiều giáo viên, cán bộ địa phương cũng tìm đến ông mượn tài liệu về Bác để phục vụ công tác, giảng dạy. Ông cho biết: "Những lúc đó tôi cảm thấy rất vui, vì việc làm của mình đã đóng góp một chút ý nghĩa cho xã hội,  đó cũng là động lực để tôi tiếp tục niềm đam mê của mình".

Có một tâm nguyện ông Trâm ấp ủ từ lâu, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được, đó là mở một căn phòng triển lãm, để những tấm ảnh ấy đến được với tất cả mọi người. Nhưng điều đó dường như là khó khăn nhất với ông, bởi tuổi đã cao mà lương giáo viên nghỉ hưu không đủ để ông thực hiện được mong muốn này...

Điều mà ông luôn tâm đắc nhất chính là "Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác gắn huy chương cho 6 chiến sỹ, nhưng người ta chỉ tìm thấy bức ảnh chụp 2 chiến sỹ. Nhiều người thắc mắc 4 chiến sỹ nữa ở đâu? Vậy là tôi lại viết thư nhờ ông bạn ngoài Hà Nội tìm kiếm giúp. Một thời gian sau thì ông ấy tìm thấy và gửi về cho tôi bức ảnh quý ấy".

Khi nghe ông có ý định sưu tập các bức ảnh về Bác, trong gia đình ai cũng giúp ông hết mình. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (vợ ông) là cánh tay phải đắc lực, đã giúp ông trong hành trình đi tìm tài liệu về Bác. "Dù bây giờ, sức khỏe đã yếu đi rất nhiều, nhưng hễ nghe ai có hình ảnh về Bác là ông lại lên đường. Ông đi, trong nhà ai cũng lo lắng, có lần ông vào Nam hơn nửa tháng mới về. Việc làm đó dường như đã trở thành một phần cuộc sống của ông rồi. Mỗi lần có thêm bức ảnh mới là ông vui lắm" - Bà Thanh cho hay.

Không chỉ sưu tầm ảnh, ông còn tìm hiểu về những câu chuyện liên quan đến bức ảnh đó. Qua những câu chuyện từ ảnh, ông lại thêm cảm phục đức hy sinh của vị Cha già dân tộc. Và trong những lần sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi, ông đều kể các câu chuyện liên quan đến Bác cho mọi người nghe. Điều khiến ông lo lắng ngày đêm là, làm sao bảo quản được "kho tài sản vô giá" này. Hằng ngày, ông đều bật đèn chiếu sáng để sấy, hoặc dùng thuốc hút ẩm. Ông đến các thư viện để học cách bảo quản... với mong muốn, những tài liệu ông kỳ công tìm kiếm sẽ được lưu giữ mãi mãi.

Theo Biên Phòng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.