Phụ huynh "kêu trời" vì đề xuất tăng học phí, động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT khiến ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm

Trong bối cảnh toàn xã hội khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19 để lại, bên cạnh đó là ảnh hưởng nặng nề vì thiên tai, bão lũ, đề xuất tăng học phí mới đây của Bộ GD-ĐT nhận phải nhiều ý kiến không đồng tình.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất tăng học phí đối với toàn bộ các cấp học. Theo đề xuất này, từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5%. Đề xuất được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Ngay sau khi có đề xuất, tâm tư chung của phụ huynh là đều tỏ ra lo lắng. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc Bộ đề xuất tăng học phí thời điểm này là tạo thêm áp lực cho phụ huynh.

Phụ huynh kêu trời vì đề xuất tăng học phí, động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT khiến ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm-1

"Không hiểu Bộ GD-ĐT đã có lộ trình trong việc tăng học phí từ trước hay mới soạn thảo dự thảo để lấy ý kiến gần đây. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, đây là một đề xuất không phù hợp trong tình hình hiện nay. 

Ngay cả lộ trình tăng lương của chúng ta cũng hoãn thời gian tương tự do ảnh hưởng của đại dịch và bây giờ là bão lũ hoành hành, người dân nhiều khó khăn... Thời gian tới theo tôi nên miễn giảm học phí cho con em các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh mới là chính sách nhân văn", anh Lê Đạt, một phụ huynh có con học lớp 8 tại quận 3, TP.HCM nêu ý kiến.

Nhiều người cho rằng, mức học phí bậc THCS đối với khu vực thành thị tăng từ 30.000/tháng và 60.000 đồng/tháng lên tới 300.000 đồng đến 650.000 đồng/tháng, gấp 10 lần mức cũ là quá cao. Đây thật sự là áp lực về kinh tế với các gia đình trong thời điểm này. 

Chị Hoàng Mai, phụ huynh học sinh Trường tiểu học ở huyện Bình Chánh, TP.HCM lo lắng: "Hiện nay bậc tiểu học đang miễn học phí, dù không nhiều những cũng bớt lo lắng khi dịch bệnh khiến việc làm bấp bênh. Vợ chồng tôi làm công nhân, từ sau dịch vẫn còn thất nghiệp, ai kêu gì làm đó. Nghe đề xuất tăng học phí thực sự lo lắng không biết có "kham" nổi cho ba đứa nhỏ học không?".

Với nhiều phụ huynh có con năm tới vào đại học, gánh nặng tài chính lại càng khó khăn hơn, nhất là nếu chọn những trường vốn đã có học phí cao so với mặt bằng chung trước đó. Theo họ, hoặc khuyến khích con nhìn học phí trước khi tìm trường, hoặc phải bỏ ước mơ vào đại học, chuyển sang học nghề để tốn ít chi phí hơn mà lại nhanh có việc làm.

Bên cạnh đó, một số bố mẹ cho rằng, họ sẽ chấp nhận việc tăng học phí nếu chất lượng dạy và học cũng tăng theo. "Tôi lo là lượng tăng mà chất không tăng, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái vì có có sở vật chất tốt hơn nhưng chất lượng trong giảng dạy không tăng là điều đáng lo ngại", một phụ huynh nói.

Rút đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học
Trước phản ứng của dư luận, chiều 13/11, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất cho gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021 - 2022.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng vừa cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét cho phép gia hạn áp dụng nghị định 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học.

Lý giải về quyết định này, ông Thưởng cho biết trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ GD-ĐT nhận thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị được lùi thời gian trình ban hành nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.

Ông Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Như vậy, năm học 2020 - 2021 hiện đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86. Nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì 2 năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022 - 2023) và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành".


Phụ huynh nói gì?

Động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT khiến nhiều cha mẹ học sinh thấy "như trút được gánh nặng". Chị Thanh Loan chia sẻ: "Nghe tin đề xuất tăng học phí, cả nhà còn bảo con kiểu này sang năm tốt nghiệp cố tìm ngành nào miễn học phí mà học thì giờ đọc được tin rút đề xuất, nhẹ nhõm hẳn".

Nhiều phụ huynh nêu ý kiến, việc tăng học phí nên có lộ trình hợp lý, cân đối phù hợp giữa các khu vực, vùng miền, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng tỉnh. Tình hình kinh tế với các yếu tố như dịch Covid-19, thiên tai triền miên ở miền Trung ảnh hưởng đời sống người dân. Nếu áp dụng tăng học phí ngay từ năm sau, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn. Việc Bộ GD-ĐT xin lùi thời gian thực hiện là một quyết định đúng đắn và cần thiết vào thời điểm này. 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/phu-huynh-keu-troi-vi-de-xuat-tang-hoc-phi-dong-thai-moi-nhat-cua-bo-gd-dt-khien-ai-deu-tho-phao-nhe-nhom-162201311202136400.htm

học phí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.