Phương pháp hay dạy con biết tự nhận lỗi

Lỡ tay làm bể cái ly, thay vì xin lỗi mẹ rồi đi dọn dẹp, bé yêu của bạn bắt đầu nhăn nhó: 'Tại mẹ để cái ly sát mép bàn con mới hất trúng chứ bộ!'. Đi học trễ vì tối qua thức khuya dậy muộn, bé lại nhấm nhẳng: 'Tại mẹ không đánh thức con…'.

Lỡ tay làm bể cái ly, thay vì xin lỗi mẹ rồi đi dọn dẹp, bé yêu của bạn bắt đầu nhăn nhó: 'Tại mẹ để cái ly sát mép bàn con mới hất trúng chứ bộ!'. Đi học trễ vì tối qua thức khuya dậy muộn, bé lại nhấm nhẳng: 'Tại mẹ không đánh thức con…'.

Tại mẹ! Tại ba! Tại bạn Ti! Tại em Cún! Đừng dễ dàng bỏ qua những câu đổ thừa kiểu như thế của con, bởi lẽ đó chính là một phần quan trọng hình thành nên tính có trách nhiệm hay không có trách nhiệm với việc mình làm ở trẻ.

Vì sao bạn nên uốn nắn con khỏi thói quen “tại mẹ!”?

Vì trước hết, bạn hãy biết rằng dạy cho trẻ có thói quen tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm chính là cách giúp trẻ sẵn sàng đối diện với những khó khăn trong đời sống thực tế thay vì né tránh chúng. Khi còn ở nhà với bạn, nếu bé đổ lỗi: “Tại mẹ…”, bạn có thể bao dung mà bỏ qua cho con hoặc thậm chí nhận trách nhiệm thay con. Nhưng hãy hình dung mà xem, liệu khi bé đi học rồi lớn khôn, nếu chơi với bạn mà bé cứ khăng khăng “Tại bạn…”, “Tại cô giáo…” thì có ai yêu thương bé được nữa không?

Thế giới thực mà bé sẽ phải làm quen vốn “khắt nghiệt” chứ không hề thuận lợi như ở nhà. Ở đó, sự nhường nhịn cho bé, sự dỗ dành, làm thay, gánh vác trách nhiệm thay dù chỉ là với những chuyện cỏn con không còn nữa. Bé sẽ phải tự làm mọi thứ và biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Nếu con đi học trễ không kịp trực nhật, để lớp dơ, con sẽ phải tự xin lỗi cô, xin lỗi lớp, phải chịu bị phạt chứ không thể mè nheo: “Tại mẹ con không đánh thức con dậy!”. Nếu bé không làm được bài kiểm tra, bé sẽ phải nhận điểm kém chứ không thể lại đổ thừa: “Tại cô không dặn học bài này…”.

Một đứa trẻ có thói quen tự chịu trách nhiệm với việc mình làm và ít đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác sẽ cảm thấy hòa nhập vào thế giới mới ấy rất dễ dàng. Bé sẽ được thầy cô, bạn bè yêu mến. Bé sẽ học tốt hơn ở lớp nhờ có tính tự giác, có tinh thần trách nhiệm với việc học của mình. Bé cũng sẽ ít khi bị những tai nạn bất ngờ khi đi ra ngoài, vì thói quen tự chịu trách nhiệm từ nhỏ khiến con trở nên rất cẩn thận, rất biết xem trọng bản thân cũng như người khác. Ngược lại, khi không được uốn nắn, cứ quen tật đổ thừa, bé sẽ trở nên cẩu thả, không có khả năng lường trước hậu quả với những việc mình làm. Bé học không tốt, hòa nhập khó khăn. Và ngay chính khi bị bạn bè tẩy chay, bé cũng không chịu thừa nhận lỗi lầm để sửa chữa mà vẫn một mực ngoan cố: “Tại mấy bạn đó ganh tỵ với con… Tại bạn ghét con… Tại mấy bạn không tốt…”.

Nếu bạn dạy con biết chịu trách nhiệm từ nhỏ, bé sẽ luôn có thói quen suy nghĩ: Mình làm việc này thì dẫn đến hậu quả thế nào, cách phòng tránh ra sao. Chính suy nghĩ đó là chiếc “áo giáp” bảo vệ bé yêu an toàn 24/24 chứ không phải là vòng tay của bạn.

Những tuyệt chiêu dạy con bỏ thói quen… đổ thừa!

Đây là một số gợi ý rất hay từ các chuyên gia giáo dục. Bạn có thể tham khảo để tự đúc kết cho mình phương thức phù hợp để dạy con.

1. Dạy con tính thật thà và biết sửa sai   

Đừng quát lên hay đánh đòn con khi con lỡ phạm phải một lỗi lầm nào đó. Nếu làm thế, vô tình bạn sẽ dạy cho con thói quen lần sau thì phải… chối bay chối biến mọi chuyện đi. Ví dụ bé lỡ làm vỡ một chiếc đĩa sứ đắt tiền, bạn hãy hướng dẫn con tự phân tích vì sao bé làm vỡ, từ đó rút kinh nghiệm cho mình. Bạn cũng đừng dọn thay cho con mà chỉ phụ giúp con dọn dẹp, khắc phục hậu quả vừa gây ra. Bé có thể đi lấy chổi, lấy đồ hốt rác, đứng xem mẹ nhặt các mảnh vỡ như thế nào để không bị đứt tay… Cách làm này khiến con ít sợ hãi và lẩn tránh mỗi khi phạm lỗi.

2. Hướng dẫn bé nói câu xin lỗi  

Hãy để ý rằng ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, việc dạy trẻ biết nói câu xin lỗi được thực hiện từ rất sớm. Câu nói này trở thành câu cửa miệng (cùng với câu cảm ơn) được sử dụng liên tục và thường xuyên khi bé lớn lên. Bạn hãy uốn nắn cho con theo hướng đó. Nếu bé đánh bạn, bé giành đồ chơi, bé ăn hiếp em… đừng bao giờ dễ dàng bỏ qua mà không đòi hỏi ở con một câu xin lỗi. Bạn đừng bảo vệ con kiểu con mình cái gì cũng đúng. Dạy bé biết xin lỗi nghĩa là dạy bé biết tôn trọng người khác. Một đứa trẻ biết tôn trọng người khác sẽ không đổ thừa và chối biến lỗi lầm của mình mai này.

3. Luôn làm gương cho trẻ

Trẻ con như tờ giấy trắng. Mọi điều bé nhìn thấy từ người lớn sẽ ăn sâu vào đầu óc non nớt của bé. Bạn hãy nhớ kỹ điều đó để có những cách hành xử đúng đắn hàng ngày. Ví dụ như nếu bố mẹ cứ đổ thừa nhau: “Tại anh…”, “Tại em…” thì chuyện tất yếu là bé cũng sẽ nhiễm ngay cách chối bỏ trách nhiệm như thế.

4. Giao việc nhà cho con thật sớm

Giao việc nhà cụ thể cho trẻ là một cách tuyệt vời để dạy con có tinh thần trách nhiệm với việc mình làm. Đừng tưởng “việc nhà” là những việc thật lớn lao, đứa con bé bỏng của bạn chưa làm nổi. Việc nhà đơn giản có thể là: Tưới chậu cây trước sân cho bố hàng ngày, gấp chăn và xếp gối ngay ngắn, tự xếp quần áo của bé, rửa những chiếc cốc nhựa sau khi bé uống xong, sắp xếp ngăn tủ đồ chơi vào mỗi cuối tuần… Hãy nhớ khen ngợi khi bé làm tốt và hướng dẫn lại cho con khi con làm chưa đúng.

5. Lập sổ “chấm công”

Hình thức làm gần giống như việc cô giáo cho bé phiếu bé ngoan ở trường vậy. Mỗi khi con hoàn tất tốt một việc được giao, con sẽ nhận được một “điểm cộng”. Khi đạt được một số lượng điểm cộng nhất định (tùy bạn trao đổi với bé từ đầu), bé sẽ được nhận một phần thưởng xứng đáng. Ngược lại, nếu bé không hoàn thành tốt công việc được giao, bé sẽ không được hưởng những phần thưởng ấy. Cách làm này đặc biệt hữu hiệu nếu nhà bạn có từ 2 con trở lên. Sự ganh đua lành mạnh sẽ khiến trẻ biết cách làm tốt nhất phần việc của mình, biết chịu trách nhiệm việc mình làm và có sự hình dung rõ rệt về “nguyên nhân - kết quả” chứ không đổ thừa nữa.

6. Nên sớm giao cho con quyền quyết định

Các bà mẹ Việt Nam rất hay có thói quen… úm con, làm thay hết mọi thứ cho con và coi bé là “con nít” nên luôn áp đặt con theo ý mình. Thật ra, đây là cách làm không tốt vì có rất nhiều em đến tận lớp 12, chọn trường Đại học để thi, quyết định con đường của cả đời mình mà vẫn… ngơ ngác chờ cha mẹ làm thay cho việc ấy! Cách làm này cũng khiến trẻ luôn dựa dẫm vào cha mẹ, thiếu khả năng chịu trách nhiệm với việc mình làm và sẵn sàng đổ lỗi cho cha mẹ khi kết quả không như mong muốn.

Bạn nên thay đổi bằng cách giao quyền quyết định cho con càng sớm càng tốt. Ví dụ: Bé cần tự chọn màu giấy bao tập cho tập sách của mình (dưới sự hướng dẫn và gợi ý của cha mẹ), bé được phép chọn món kem mà bé thích khi cả nhà đi ăn kem… Tất nhiên, bạn sẽ luôn sát bên con để hướng dẫn con, nhưng đừng làm thay cho con tất tần tật.  

Theo Mevacon


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.